Những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm ổn định các doanh nghiệp đóng tàu cỡ trung của quốc gia được cho là đã tiến thêm một bước với thỏa thuận giải cứu một trong những công ty hàng đầu trong ngành - Tập đoàn Đóng tàu và Công trình biển STX (STX Offshore & Shipbuilding). Các chủ nợ do Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) đứng đầu đã mời thầu mua cổ phần của họ trong tập đoàn này và đã hoàn thành việc bán cho các nhà đầu tư cổ phần tư nhân.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin trong tháng 11 năm 2020, các chủ nợ đã lựa chọn một tập đoàn bao gồm quỹ đầu tư tư nhân địa phương KH Investment và United Asset Management Company (UAMCO) - nhà đầu tư nợ xấu lớn nhất của Hàn Quốc, để nắm quyền kiểm soát công ty đóng tàu đang gặp khó khăn. Việc giao dịch dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn.
Từng là tập đoàn đóng tàu lớn thứ tư thế giới, STX được thành lập vào năm 1967 đã phát triển để tham gia vào các hoạt động quốc tế bao gồm việc sở hữu các cổ phần tại Nhà máy đóng tàu Chantiers de l'Atlantique nổi tiếng của Pháp và tiếp quản Nhà máy Aker Yards Oy ở Phần Lan - nơi trước đây là cơ sở đóng tàu của hãng Wartsila.
Vào năm 2013, STX bắt đầu nỗ lực tái cơ cấu khoản nợ đầu tiên kéo dài đến năm 2017. Tập đoàn đã đệ đơn lên tòa án vào tháng 5 năm 2016, nhưng đến giữa năm 2017 đã đạt được tiến bộ trong kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm đáp ứng tiến độ thanh toán nợ. Trong mùa xuân năm 2018, KDB đã chấp nhận kế hoạch tự giải cứu tiếp theo của STX và đã rút lại kế hoạch đặt tập đoàn này dưới sự tiếp nhận của tòa án. Tập đoàn đã bị thu hẹp đáng kể do việc tái cơ cấu làm mất hoạt động bao gồm các nhà máy đóng tàu ở Pháp và Phần Lan.
Vào mùa hè năm 2020, lực lượng lao động của STX đã giảm xuống chỉ còn 500 nhân viên và tập đoàn báo cáo họ chỉ có 7 chiếc tàu đóng mới trong các đơn đặt hàng. Đôi khi, công nhân buộc phải chấp nhận nghỉ không lương, dẫn đến các cuộc đình công tại xưởng.
Việc bán STX là một phần trong nỗ lực tổng thể nhằm hỗ trợ các hoạt động đóng tàu hạng trung ở Hàn Quốc. Ngoài STX, Hanjin Heavy Industries & Construction Co. và Daesun Shipbuilding Engineering Co. cũng đã được rao bán. Yonhap đưa tin, các chủ nợ của Daesun Shipbuilding Engineering đã hoàn tất thương vụ bán nhà đóng tàu cho Dongil Steel Co., trong khi các chủ nợ của Hanjin Heavy Industries đã chọn một tập đoàn do công ty xây dựng Dongbu Corp. làm nhà thầu ưu tiên.
Việc tổ chức lại ngành công nghiệp đóng tàu ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở các cơ sở cỡ trung bình. Hyundai Heavy Industries - công ty mẹ của Korea Shipbuilding & Offshore Engineering đang chờ phê duyệt theo quy định đối với đề xuất mua lại Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME). Thỏa thuận hợp nhất hai trong số các nhà đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc và bốn xưởng đóng tàu, được đề xuất như một biện pháp củng cố các công ty và nâng cao vị thế cạnh tranh của họ với ngành đóng tàu của Trung Quốc./.