Giảm tải chi phí vận tải với loại hình tàu sông pha biển

10/02/2020

Loại hình vận tải sông pha biển góp phần từng bước giảm tải cho đường bộ, thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực vận tải...

giam tai chi phi van tai voi loai hinh tau song pha bien 119730

Năm 2018, sản lượng hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện VR-SB qua cảng biển đã đạt gần 35 triệu tấn, tăng hơn gấp 7 lần so với năm 2015.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp

Bắt đầu từ tuyến ven biển đầu tiên hoạt động tháng 7/2014 với 3 tuyến vận tải ven biển gồm tuyến Quảng Ninh Quảng Bình, Bình Thuận-Kiên Giang và Quảng Bình-Bình Thuận, sau đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cho nối tuyến xuyên suốt chạy từ Bắc-Nam như các tàu biển đối với loại hình vận tải sông pha biển (VR-SB) này.

Đánh giá về những lợi ích của loại hình vận tải này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tuyến vận tải ven biển đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải phát triển, mở rộng hình thức kinh doanh. Bên cạnh đó, lợi ích mà tuyến vận tải ven biển mang lại là giảm tải đáng kể cho đường bộ, tạo sự cạnh tranh trong vận tải trên các chặng xa, đồng thời giúp giảm thiểu các nguy cơ vô hình về tai nạn giao thông đường bộ, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, chi phí vận tải của loại hình này đã giảm đáng kể với giá cước chỉ bằng khoảng 1/3 đường bộ và rẻ hơn cả tàu biển.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2019, tổng số phương tiện vận tải ven biển (VR-SB) là 1.786 chiếc trong đó tàu hàng là 839 chiếc với tổng trọng tải là 1,74 triệu tấn, số tàu khách là 288 chiếc với tổng sức chở khách là 18.550 hành khách, số tàu khác là 659 chiếc.

Mức tăng trưởng số lượng hàng hóa qua cảng trung bình hàng năm cũng ngày càng cao. Năm 2018, sản lượng hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện VR-SB qua cảng biển đã đạt gần 35 triệu tấn tăng hơn gấp 7 lần so với năm 2015. Số lượt phương tiện vào, rời cảng biển cũng tăng mạnh từ 5.175 lượt trong năm 2015 đến 28.750 lượt vào năm 2018.

Khối lượng hàng hóa được các phương tiện VR-SB vận tải thông qua cảng biển từ khi mở tuyến (từ tháng 6/2014) đến hết tháng 4/2019 của Cục Hàng hải Việt Nam công bố đạt gần 85 triệu tấn hàng hóa với hơn 81.500 lượt phương tiện ra vào cảng biển.


Tàu VR-SB cũng mang lại những lợi ích kinh tế nhất định cho doanh nghiệp khi chi phí cho đóng mới giảm được từ 10-15%

Phát triển vượt quy hoạch

Theo ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Vận tải Vũ Gia Tam (Diêm Điền, Thái Bình), trước đây, khi chưa có tàu VR-SB, Công ty Vũ Gia Tam chỉ có 9.000 tấn phương tiện, sau khi loại hình SB được cấp phép, số tấn phương tiện hiện tại là gần 21.000 tấn, sản lượng vận chuyển của đơn vị vì thế cũng tăng được gấp đôi so với thời điểm trước năm 2014.

Đặc biệt, dù có cùng trọng tải nhưng với lợi thế mớn nước thấp, tàu VR-SB vẫn có thể di chuyển vào các cảng nông, có thể tranh thủ thời gian vào cảng xếp dỡ hàng hóa sớm hơn so với tàu biển phải chờ thủy triều lên ở các sông, làm phát sinh thêm chi phí và thời gian. Ngoài ra, tàu VR-SB cũng mang lại những lợi ích kinh tế nhất định cho doanh nghiệp khi chi phí cho đóng mới của tàu SB so với tàu biển giảm được từ 10-15%. Đầu tư vào tàu VR-SB, chủ tàu có thể tiết kiệm được từ 30-40% chi phí bởi không cần bỏ ra quá nhiều tiền nhưng vẫn nâng được tải trọng phương tiện. Những tàu biển có trọng tải nhỏ, hiệu quả kém đều có thể hoán cải sang tàu VR-SB.

Cũng theo ông Vũ Đức Ngọ, nếu như thời gian đầu, tuyến VR-SB chỉ được phép chạy đến Quảng Bình cũng hơi khó khăn cho doanh nghiệp nhưng sau một năm triển khai, Bộ Giao thông vận tải cho chạy tuyến dài hơn đến tận Hà Tiên, Phú Quốc, nguồn hàng càng đa dạng, phong phú như: Than, clinker, xi măng, gạo, container… nhờ đó giúp doanh nghiệp đa dạng được nguồn hàng.

Tuy nhiên, loại hình vận tải này đang có sự phát triển vượt quá quy hoạch và không phù hợp với loại hình sông pha biển khi có tàu có trọng tải trên 20.000 tấn. Chính vì vậy, mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải nâng cấp các tiêu chuẩn của tàu VR-SB như: Bổ sung quy định về thuyền viên làm việc trên các phương tiện VR-SB; phải có các trang thiết bị an toàn, cứu hỏa tương đương như tàu biển mang cấp hạn chế 3 trở lên; bổ sung chương trình đào tạo về ngoại ngữ cho thuyền viên làm việc trên phương tiện VR-SB để đáp ứng việc thông tin liên lạc khi tàu hoạt động trên biển nhằm tránh tình trạng mất an toàn cho phương tiện và thuyền viên cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.


Tác giả: X. Thảo