Cước phí vận tải đường biển tăng cao kỷ lục

06/08/2021

Lần đầu tiên trong lịch sử, cước phí vận tải một container từ Trung Quốc đến châu Âu vượt 10.000 USD, tăng hơn 500% so với năm ngoái.

060821.2.png

Hàng hoá lên giá

Theo số liệu do Shipping Australia và Mizzen Group cung cấp, chi phí nhập khẩu hàng hóa từ "công xưởng thế giới" Trung Quốc đến Úc, châu Âu đã tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái. Tính đến tháng 5/2021, chi phí vận chuyển trung bình từ Trung Quốc đến Úc đã tăng 40%, lên gần 1.479 USD đối với container 20 feet và 4.307 USD đối với container 40 feet. Mức tăng ấy chưa là gì so với tuyến đường thương mại đắt đỏ nhất là Thượng Hải đến Rotterdam, Hà Lan, với giá vận chuyển một container 40 feet tăng vọt tới 518% kể từ tháng 6 năm ngoái lên mức kỷ lục 10.462 USD.

Hơn 1 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, hoạt động kinh doanh tại Plasdene Glass-Pak, một công ty chuyên cung cấp hộp thủy tinh và nhựa có trụ sở tại Tây Sydney, Australia đã khởi sắc trở lại, với nhiều đơn hàng đến từ các công ty đa quốc gia cũng như những xưởng làm mứt. Tuy nhiên, theo bà Jayne Pearson, Tổng giám đốc của Plasdene Glass-Pak, chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng từ 20-50% trong năm qua khiến ban lãnh đạo rất đau đầu.

“Suốt một năm qua, chúng tôi phải gánh thêm hàng trăm nghìn đô la cước phí vận tải, bên cạnh chi phí nhập khẩu, các loại thuế và phụ phí liên quan. Không rõ liệu chúng tôi có thể duy trì tình trạng này trong bao lâu nên có lẽ chúng tôi buộc phải tăng giá sản phẩm trong năm nay”.

Bà Pearson cho biết, nhiều khách hàng đang trả mức cước phí vận tải rất cao cho một số tuyến đường, trong đó có một khách hàng người Anh nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện giờ họ đang phải chứng kiến mức phí vận chuyển tăng hơn 840%, từ 1.500 USD lên đến hơn 15.000 USD.

Giám đốc điều hành của Shipping Australia cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa khổng lồ và chi phí gia tăng khiến chi phí vận hành một con tàu chở hàng lên tới hơn 92.000 USD/ngày, chưa bao gồm chi phí nhiên liệu. Điều này góp phần khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn. Nhiều nhà bán lẻ lớn đã phải thông báo tăng giá vì chi phí nhập hàng đã tăng gấp 2, 3 lần, khiến giá các sản phẩm như đồ hộp, giày dép, quần áo và máy tính leo thang.

Các mặt hàng chủ lực như quặng sắt, thép và gỗ cũng tăng vọt theo đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ông David Buchanan, thuộc Hiệp hội Thép Australia cho biết, chi phí vận chuyển thép cao hơn đã khiến giá chiếc lon thiếc tăng từ 30-40% trong sáu tháng qua, dẫn đến các sản phẩm đóng hộp cũng lên giá. 


Cần giải quyết tắc nghẽn container tại cảng

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhu cầu hàng hóa vận chuyển bằng đường biển tăng cao đã làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ tại các cảng biển trên thế giới, từ đó làm cước phí vận tải biển "phi mã". Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia, năng suất của một số cảng biển trên thế giới, đặc biệt là tại Australia chưa cao, khiến các container rỗng bị mắc kẹt tại cảng. “Tắc nghẽn tại các cảng biển đã khiến vô số container rỗng bị mắc kẹt tại đây. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề tắc nghẽn cảng ngay lập tức đồng thời cải thiện dịch vụ hậu cần bằng đường bộ.”  Ông Paul Zalai - Giám đốc Liên minh thương mại và Vận tải Australia cho hay. 

Sự chậm trễ và chi phí vận chuyển tăng cao khiến các doanh nghiệp Australia thiệt hại hàng tỷ USD. Ông Paul Zalai nói: “Một nhà xuất khẩu đậu gà lớn của chúng tôi rất vui mừng vì đã có một mùa bội thu 20.000 tấn sau nhiều năm hạn hán nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi họ không thể tìm được một chiếc tàu nào vận chuyển hàng ra thị trường nước ngoài. Việc xuất khẩu ở Australia hiện đang gặp khó khăn do các hãng tàu tập trung container rỗng cho các tuyến thương mại có lợi hơn như từ Trung Quốc sang châu Âu hoặc Mỹ."

Nhiều công ty vận tải biển đã hành động để giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng tắc nghẽn cảng biển bằng cách đổi lộ trình hoặc bỏ qua bớt các cảng trung chuyển nhưng điều đó lại có thể gây chậm trễ thêm cho các doanh nghiệp. Theo bà Pearson, một chuyến hàng của công ty đã được chuyển hướng đến New Zealand và mất nhiều tuần để quay trở lại Úc.

Với tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn và khủng hoảng container vẫn chưa chấm dứt, có vẻ như cước phí vận chuyển khó có thể trở lại bình thường ít nhất là trước quý I/2022 hoặc cho đến khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đã đưa ra các nhận định trấn an các chủ hàng rằng, mức giá vận tải đường biển hiện tại đã đạt đỉnh và sẽ không tăng tiếp trong thời gian tới.


Tác giả: Minh Phương