Đăng kiểm Việt Nam sẵn sàng "3 tại chỗ' cùng
người dân, doanh nghiệp đẩy lùi đại dịch.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đợt bùng
phát lần thứ tư dịch bệnh Covid-19, trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới đang
lưu hành, chỉ trong thời gian ngắn nửa đầu tháng 7/2021, Cục ĐKVN đã ban hành 2
văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm trong cả nước.
Văn bản số 2547/ĐKVN-VAR ngày 08/7/2021 về
việc duy trì hoạt động, đảm bảo chất lượng kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường của phương tiện để phục vụ vận tải và công tác phòng chống dịch Covid-19
yêu cầu các đơn vị đăng kiểm luôn sẵn sàng thực hiện việc kiểm định cho
các xe cơ giới vận chuyển hàng nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất,
xe phục vụ công tác phòng chống dịch; kể cả thực hiện kiểm định ngoài đơn vị trong
các tình huống khẩn cấp. Thủ trưởng các đơn vị đăng kiểm phải công bố số điện
thoại và phân công trực kiểm định trong đơn vị.
Đối với các đơn vị trong khu vực bị cách ly, phong tỏa, cần tuân
thủ quy định của chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên
các đơn vị phải luôn sẵn sàng hoạt động trở lại khi hết cách ly, phong tỏa; đồng
thời vẫn phải đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ công tác kiểm định và phòng, chống dịch.
Việc kiểm định phải đảm bảo quy trình, quy định, đảm bảo chất lượng
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tại văn bản số 2680/ĐKVN-VAR ngày 19/7/2021 về việc tăng cường hỗ
trợ kiểm định phương tiện để phục vụ vận tải hàng thiết yếu và công tác phòng,
chống dịch Covid-19, Cục ĐKVN yêu cầu các
đơn vị đăng kiểm tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo
Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giao thông vận tải, quy định và hướng
dẫn về phòng chống dịch của Bộ Y tế, của chính quyền địa phương; chủ động phối
hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ
phòng, chống dịch và đáp ứng các nhu cầu người dân, doanh nghiệp một cách kịp
thời; sẵn sàng các biện pháp cách ly khi có F0 (đối với cả khách hàng và nhân
viên đơn vị đăng kiểm) nhằm đảm bảo duy trì được hoạt động liên tục của đơn vị.
Đối với các đơn vị đăng kiểm
khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn
cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cần có biện pháp phòng chống
dịch khoa học, hợp lý bố trí riêng khu vực tiếp nhận hồ sơ kiểm định, tránh để
khách hàng tiếp xúc nhiều người với nhau và với nhân viên đơn vị; duy trì hoạt
động kiểm định phục vụ người dân và doanh nghiệp không để ách tắc phương tiện;
sẵn sàng, nghiên cứu thực hiện phương án "3 tại chỗ". Đối với phương
tiện nằm trong khu vực bị cách ly, phong tỏa, khi người dân và doanh nghiệp có
nhu cầu kiểm định thì đơn vị đăng kiểm báo cáo ngay Cục ĐKVN để xử lý kiểm định ngoài đơn vị theo quy định.
Trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa,
hàng loạt các giải pháp đã được triển khai trong tình hình dịch bệnh Covid-19
như: hỗ trợ tối đa thực hiện các thủ tục liên quan trong công tác đăng kiểm
phương tiện thủy nội địa (thẩm định thiết kế, tiếp nhận kiểm tra phương tiện,...)
bằng hình thức trực tuyến; chủ động làm việc với các chủ phương tiện, doanh
nghiệp quản lý, khai thác phương tiện để hướng dẫn về thủ tục đăng kiểm đối với
phương tiện và thực hiện việc đăng kiểm phương tiện trong thời gian sớm nhất, tạo
điều kiện đưa phương tiện vào hoạt động an toàn vận chuyển hàng hóa thiết yếu,
nông sản được nhanh chóng, kịp thời.
Tuyên truyền, hướng dẫn các chủ phương tiện thủy
nội địa, các doanh nghiệp vận tải thủy, các đơn vị thiết kế phương tiện thủy,
các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa, trong
phạm vi của mình, ngay khi có yêu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản bằng
phương tiện thủy nội địa, cung cấp phương tiện, tính toán thiết kế, bố trí tiếp
nhận phương tiện lên đà kiểm tra để tạo điều kiện đưa phương tiện vào hoạt động
an toàn vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản được nhanh chóng, kịp thời.
Về việc sử dụng tàu cao tốc trên “luồng xanh” đường
thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện
giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Cục ĐKVN đã có văn bản đề
nghị các doanh nghiệp quản lý, khai thác tàu cao tốc hỗ trợ cung cấp phương tiện
để vận chuyển hàng hóa được nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, Cục ĐKVN đã khẩn
trương thực hiện đăng kiểm cho 04 tàu khách cao tốc của Công ty TNHH Công nghệ
xanh DP với công dụng tàu chở hàng để đưa vào vận chuyển hàng hóa thiết yếu,
nông sản. Doanh nghiệp này cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành 06
chuyến vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu
Long về TP. Hồ Chí Minh bằng các tàu cao tốc này, góp phần hỗ trợ hiệu quả công
tác phòng, chống dịch.
Tàu cao tốc chở
khách được kiểm tra, chứng nhận đăng kiểm kịp thời để vận chuyển hàng hóa thiết
yếu phục vụ phòng, chống dịch.
Công tác đăng kiểm tàu biển đang được Cục ĐKVN chỉ
đạo duy trì cả ở trong và ngoài nước: thực hiện việc thẩm định thiết kế và tài
liệu hướng dẫn của tàu theo hình thức trực tuyến; ủy quyền cho các tổ chức đăng
kiểm nước ngoài thực hiện kiểm định cho các tàu biển VN hoạt động tuyến quốc tế
khi tàu đến hạn kiểm định tại các cảng nước ngoài. Trường hợp không tiếp cận được
tàu do quy định cách ly của chính quyền, Cục ĐKVN đã thực hiện xem xét hồ sơ,
báo cáo của thuyền trưởng (gồm cả hình ảnh, video clip, ...) để hoãn, gia hạn
kiểm định cho tàu hành trình tới cảng tiếp theo có thể tiếp cận tàu để thực hiện
kiểm định theo quy định.
Cục đã xem xét hoãn, gia hạn kiểm tra trên đà hoặc
kiểm tra phần chìm dưới nước thay cho kiểm tra trên đà theo quy định đối với
các trường hợp kế hoạch đưa tàu lên đà bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhà máy sửa
chữa bị phong tỏa ... Bên cạnh đó, Cục cũng đã điều động đăng kiểm viên thuộc
các đơn vị tại các khu vực thuộc "vùng xanh" để hỗ trợ các đơn vị
đăng kiểm nằm trong khu vực bị phong tỏa, hạn chế di chuyển thực hiện kiểm định
các tàu biển tại Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh
đang diễn biến phức tạp, công tác đánh giá chứng nhận an toàn, an ninh và lao
động hàng hải được Cục ĐKVN duy trì hiệu quả. Từ đầu năm 2021 đến này đã thực
hiện đánh giá 222 tàu và 86 Công ty. Đối với các tàu có yêu cầu đánh giá ở nước
ngoài, Trung tâm Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn (VRQC) đã
thực hiện ủy quyền cho đăng kiểm nước ngoài đánh giá 20 tàu tại các cảng quốc
tế. Do tình hình dịch bệnh nhiều tàu và công ty không thể bố trí thực hiện đánh
giá, Trung tâm VRQC đã xem xét, đề xuất gia hạn đánh giá cho 50 tàu và 04 Công
ty.
Công tác đánh giá chứng
nhận theo Tiêu chuẩn ISO9001 cho các đơn vị đăng kiểm phương tiện giao thông cơ
giới đường bộ, Trung tâm VRQC đã chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh
để tổ chức đánh giá, đã tổ chức đánh giá được 72 đơn vị. Từ đầu tháng 7/2021,
do dịch bệnh diện biến phức tạp, Trung tâm VRQC đã tổ chức đánh giá từ xa đối
với các đơn vị đăng kiểm đã đến hạn.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid diễn biến rất
phức tạp khó lường tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trong thời
gian gần đây, lĩnh vực đăng kiểm phương tiện đường sắt duy trì tốt công tác chỉ
đạo, tổ chức cho các đăng kiểm viên thường trú tại các địa phương trong toàn quốc
thực hiện kiểm tra, cấp giấy chứng nhận phương tiện giao thông đường sắt đảm bảo
cho các chuyến tàu vận hành an toàn, đúng giờ. Từ tháng 6/2021 đã kiểm định hơn
550 phương tiện giao thông đường sắt trong đó có 02 toa xe hàng và 03 toa xe
khách đảm bảo an toàn kỹ thuật đủ điều kiện vận dụng trong đoàn tàu SE7 (gồm 15
toa xe) xuất phát tại ga Hà Nội ngày 01/8/2021 mang theo hàng trăm thiết bị y tế
hỗ trợ cho bệnh viện dã chiến số 16 của TP. Hồ Chí Minh.
Công tác đăng kiểm sản phẩm công nghiệp giao
thông vận tải, để thực hiện mục tiêu kép trong phòng, chống dịch, phần lớn các công
việc giải quyết được thông qua hình thức trực tuyến; việc tiếp nhận hồ sơ cũng
như trả hồ sơ thông qua trực tuyến hoặc bưu điện. Các đơn vị đăng kiểm trên cả
nước đều có nhân lực tối thiểu để thực hiện tại chỗ các công việc kiểm tra,
giúp hạn chế luân chuyển đăng kiểm viên từ địa bàn này sang địa bàn khác. Các
công việc liên quan đến cơ sở chế tạo ở nước ngoài đều được Cục ĐKVN ủy quyền
cho các tổ chức Đăng kiểm nước ngoài được công nhận thực hiện, tránh làm gián
đoạn hoạt động của các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa.
Trong lĩnh vực công trình biển, từ đầu năm đến
nay Phòng Công trình biển đã nhận được
40 bộ hồ sơ thẩm định thiết kế (bao gồm thẩm định thiết kế đóng mới, hoán cải,
đánh giá trạng thái công trình biển, đánh giá rủi ro). Tất cả các công việc thẩm
định thiết kế của Phòng Công trình biển hiện tại đều được thực hiện trên môi
trường mạng (tài liệu thiết kế được tiếp nhận online trên mang dưới dạng file mềm).
Việc xem xét tài liệu thiết kế được thực hiện trên máy tính, báo cáo thiết kế,
nhận xét thiết kế, xử lý các trả lời của khách hàng về các nhận xét thiết kế được
gửi cho khách hàng qua thư điện tử. Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế được gửi
cho khách hàng qua thư điện tử và bản chính qua đường bưu điện.
Do đặc thù của công nghiệp khai thác dầu khí biển,
các công trình biển ngoài khơi vẫn hoạt động bình thường nên công tác giám sát
kỹ thuật vẫn được duy trì lên tục. Để ra các Công trình biển kiểm tra, các đăng
kiểm viện phải được cách ly đủ 14 ngày (07 ngày tại nhà và 07 ngày cách ly tập trung
tại nơi chỉ định của chủ công trình biển), phải được xét nghiệm PCR âm tính trước
khi ra biển. Các chi cục đăng kiểm công trình biển (Chi cục 9, Chi cục 11) đều tuân
thủ đúng các quy định và đảm bảo đủ nhân lực để phục vụ khách hàng. Đối với các
công việc không thể bố trí đăng kiểm viên ra biển, các chi cục đã thực hiện kiểm
tra từ xa qua video meeting để đảm bảo các công trình biển không bị gián đoạn
trong hoạt động. Từ đầu năm đến nay lĩnh vực đăng kiểm Công trình biển đã thực
hiện trên 550 công việc (kiểm tra đóng mới, định kỳ, trung gian hàng năm, dưới
nước và bất thường).
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống
dịch Covid-19, để hạn chế tối đa việc đi lại của khách hàng cũng như việc tiếp
xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục với các nhân viên, đăng kiểm viên gây nguy
cơ lây nhiễm cao, Phòng Chất lượng xe cơ giới xây dựng kế hoạch, phương án ứng
phó với các tình huống dịch bệnh Covid-19 để triển khai thực hiện. Tuân thủ đầy
đủ các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch, tận dụng tối đa các công việc có
thể giải quyết trực tuyến. Điều chỉnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, cấp phát,
thông báo và hướng dẫn khách hàng nộp các loại hồ sơ đăng kiểm, hồ sơ cấp phát ấn
chỉ, các tài liệu bổ sung hồ sơ, … thông qua hệ thống trực tuyến hoặc hệ thống
bưu chính. Điều chỉnh một số phương thức kiểm tra hiện trường tại các khu vực
có dịch, thực hiện việc chọn mẫu thử nghiệm định kỳ theo phương pháp gián tiếp
(sử dụng camera truyền hình ảnh trực tiếp để chọn mẫu). Thực hiện việc giám sát
kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo phương pháp gián tiếp (sử dụng camera truyền
hình ảnh trực tiếp, qua ảnh chụp, video…). Đề nghị doanh nghiệp phối hợp thực
hiện các biện pháp phòng dịch như: di chuyển phương tiện ra khỏi vùng cao điểm
dịch, tiến hành khử khuẩn phương tiện trước khi thực hiện việc kiểm tra.
Đối với việc đánh giá định kỳ COP các cơ sở sản
xuất trong nước thuộc vùng dịch theo công bố của chính quyền địa phương, Phòng
Chất lượng xe cơ giới đã xem xét, đề xuất phép kéo dài hiệu lực kết quả đánh
giá COP thêm 60 ngày kể từ khi có thông báo hết dịch. Đối với các cơ sở sản xuất
linh kiện xe cơ giới, việc đánh giá COP dựa trên căn cứ tài liệu hệ thống quản
lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO9001 và có xác nhận trực tuyến.
Với các giải pháp thiết thực, hiệu quả, Cục
ĐKVN đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong việc
thực hiện đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải trong bối cảnh đại dịch
Covid-19 rất phức tạp hiện nay, đảm bảo luôn sẵn sàng đầy đủ các phương tiện
giao thông vận tải tuân thủ các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi
trường đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tránh làm đứt gãy chuỗi vận
tải, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch, duy trì sản xuất và đời sống
Nhân dân./.