Toàn cảnh Hội nghị
Vận tải biển đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hoá giao thương giữa các nước trên thế giới, với hơn 80% sản lượng hàng hóa thương mại được vận tải bằng đường biển. Đặc biệt, đối với điều kiện của Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, gần các tuyền đường hàng hải quan trọng của thế giới, ngành hàng hải tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định, Đề án sẽ giúp lĩnh vực hàng hải chuyển mình mạnh mẽ nhờ củng cố “nội lực” từ đội tàu vận tải biển quốc tế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá, một trong những bước phát triển ngoạn mục nhất của lĩnh vực hàng hải những năm qua là đã hình thành những cảng biển lớn có thể đón được tàu lớn của nước ngoài. Từ đó, hàng hải Việt Nam hình thành 3 phân khúc thị trường chính gồm: vận tải biển nội địa, vận tải biển nội Á, vận tải biển xa.
Đánh giá về Đề án Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định, đề án này sẽ giúp lĩnh vực hàng hải chuyển mình mạnh mẽ nhờ củng cố “nội lực” từ đội tàu vận tải biển quốc tế. Để làm được điều đó, sự chung tay, góp sức từ các bộ banngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp,... sẽ là "chìa khóa vàng" để Đề án đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, đòi hỏi quan trọng nhất của đề án này là phải tạo được bước đột phá phát triển thực chất. “Đề án cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng đưa ra một bản đề án viển vông, thiếu thực tế và chỉ “tồn tại trên giấy”. Với nguồn lực hiện nay, không nên đầu tư dàn trải, mà phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết đúng các “điểm nghẽn” mới phát huy được hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định và cho rằng: “Lâu nay vẫn nói, cơ cấu đội tàu biển chưa hợp lý. Vậy, trọng tâm, trọng điểm là cần phải định hình rõ là tái cơ cấu đội tàu, phát triển đội tàu phải xác định rõ đối tượng tàu trên tuyến biển xa, nội địa hay nội Á”.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nêu rõ: “Hiện nay là các giải pháp phát triển đội tàu vận tải biển nội địa phải nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp trong nước, từ đó giảm giá thành vận tải, giảm giá thành hàng hóa,… Đối với vận tải biển quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, Đề án phải cân đối cụ thể nguồn lực thực tế. Trọng tâm trước mắt là đẩy mạnh, giành được thị trường vận tải biển nội Á cho đội tàu biển Việt Nam, sau đó mới phát triển đến vận tải biển xa”.
Để thực hiện được mục tiêu này, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam - cơ quan soạn thảo Đề án, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục cụ thể hóa các nội dung, bám sát thực tiễn, đặc biệt là mang tính đột phá ở mọi khía cạnh, từ hạ tầng, đội tàu, thuyền viên, nguồn nhân lực chất lượng cao,...
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang giao Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông khẩn trương rà soát các vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực để giải quyết, tháo gỡ ngay.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, muốn phát triển đội tàu thì phải có nguồn hàng dồi dào cho đội tàu. Vì vậy, vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng. Song hành với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang kêu gọi nỗ lực của các doanh nghiệp, các hiệp hội đồng hành cùng Bộ GTVT đề xây dựng Đề án này đạt được những bước đột phá cho sự phát triển của đội tàu Việt Nam.
Đánh giá cao nỗ lực của Cục Hàng hải VN trong việc nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Đề án phát triển đội vận tải biển quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết: Đề án tập trung đánh giá thực trạng đội tàu vận tải biển Việt Nam hiện tại, số lượng, chủng loại, tuổi tàu, cơ cấu của đội tàu và năng lực khai thác..., đồng thời đề ra các giải pháp phát triển vận tải biển Việt Nam giai đoạn 2021- 2026, định hướng đến năm 2030. "Tiềm năng, lợi thế thì nhiều, nhu cầu thì rất bức thiết, nhưng để giải bài toán này thì cần trách nhiệm và sự chung tay từ các hiệp hội, doanh nghiệp. Chỉ có thế chúng ta mới hoàn thành được một bản đề án có tính khả thi để vận tải biển nói riêng và lĩnh vực hàng hải phát triển đột phá", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang kết luận.
Hàng hoá XNK của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài
Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp về cơ chế chính sách cần thiết để phát triển đội tàu...
Trước đó trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang cho biết, Bộ GTVT, Cục Hàng Hải Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam với mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp về cơ chế chính sách cần thiết để phát triển đội tàu, xu hướng phát triển đội tàu trong thời gian tới, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong việc đầu tư khai thác đội tàu.
“Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu và báo cáo Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét sửa đổi các quy định pháp luật, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo luận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đạt được mục tiêu mà Đảng và Chính phủ giao phó” Đây là khẳng định của trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam lại tiếp tục tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, trung bình 12% từ năm 2016-2020. Về sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển cũng đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, cụ thể thể trong năm 2020, sản lượng hàng thông qua cảng biển đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ, trong đó lượng hàng container đạt 22,4 triệu tấn tăng 19% so với cùng kỳ; trong năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 706 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng hàng hóa container đạt gần 24 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hệ thống cảng biển Việt Nam cũng đã có bước phát triển đồng bộ, đón được tàu lớn nhất thế giới ra vào làm hàng. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận, chiếm trên 90%, đặc biệt các tuyến biển xa như Châu Mỹ, Châu Âu. Đội tàu trong nước chủ yếu vận tải nội địa và hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á. Đội tàu của Việt Nam hiện chưa thể cạnh tranh được đội tàu nước ngoài do cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, trọng tải nhỏ, trong khi xu hướng thế giới phát triển tàu trọng tải hơn để tối ưu hóa chi phí vận tải, đặc biệt là đội tàu container và tàu chuyên dụng.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng cao, có thể thấy tiềm năng phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam là rất lớn”, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang nhận định.
Cần giảm sự phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài
Trưởng phòng VT và DV hàng hải Võ Duy Thắng cho biết đội tàu VN giảm về tổng số lượng tàu, nhưng tăng số lượng loại tàu có trọng tải lớn, tổng dung tích và trọng tải của đội tàu
Thông tin rõ hơn về đội tàu biển Việt Nam, ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết: Đội tàu của ta có xu hướng giảm về tổng số lượng tàu, nhưng tăng số lượng loại tàu có trọng tải lớn, tổng dung tích và trọng tải của đội tàu.
Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng đội tàu vận tải biển dao động từ 1.000 đến trên 1.200 tàu. Số lượng tàu năm 2021 so với năm 2016 giảm trên 200 tàu (17,2 %). So với giai đoạn 2010 - 2015, đội tàu vận tải của Việt Nam đã giảm trên 400 tàu. Tuy nhiên, tổng dung tích và tổng trọng tải của đội tàu vận tải tăng trưởng trên 6%.
Đáng chú ý, đội tàu biển Việt Nam hiện chủ yếu phù hợp với thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực. Đội tàu chưa thể cạnh tranh tại thị trường vận chuyển quốc tế, khi thế giới đang xu hướng phát triển cỡ tàu lớn hơn để tối ưu hóa chi phí (kích thước tàu chở hàng rời, tổng hợp tăng gấp 3 và số lượng tàu lớn hơn 2 lần so với tàu đã được đóng cách đây 20 năm). Đặc biệt, đội tàu container, tàu dầu cũng đã được phát triển với kích thước tàu rất lớn trong vòng 4 năm qua.
Phía Hiệp hội Chủ tàu VN, Tổng thư ký Bùi Văn Trung cho rằng, đội tàu container của Việt Nam còn quá nhỏ bé. Đến 31/3/2022, cả nước có 10 công ty vận tải container, sở hữu 48 tàu container với tổng sức chở 39.519 Teus, tổng trọng tải 548.236 DWT.
Trong số này, có tới 13 tàu trên 25 tuổi, 3 tàu trên 20 tuổi, 15 tàu có trọng tải từ 300 Teus đến dưới 600 Teus, chỉ có thể chạy ở trong nước. 17 tàu có trọng tải từ 600 Teus trở lên có thể chạy các tuyến khu vực nội Á. Trong khi đó, chỉ riêng Evergreen của Đài Loan đã sở hữu 116 tàu và thuê khai thác 87 tàu với tổng năng lực chuyên chở là 1,4 triệu Teus.
Xác định được vai trò quan trọng của đội tàu vận tải biển quốc tế, ngày 29/6/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trong đó giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam để giảm chi phí vận tải và nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ứng Đảng khóa XII về chiến lược biển, với chủ trương đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển từng bước chiếm lĩnh thị phần vận tải quốc tế.