VinFast và những bước tiến vào thị trường Mỹ

05/05/2021

VinFast đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ với những mẫu SUV mới và mô hình cho thuê pin điện, giúp tạo nên sức hút để cạnh tranh với các nhà sản xuất "cây nhà lá vườn" như Tesla và General Motors (GM).

Xuất hiện gần đây trên thị trường xe và là thương hiệu ô tô đứng thứ năm tại Việt Nam, VinFast rất tham vọng với mục tiêu niêm yết tại Mỹ và mục tiêu đạt mức định giá lên tới 60 tỷ USD, theo hai nguồn thạo tin cho biết.

Phát biểu với Reuters, giám đốc điều hành Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ, VinFast sẽ ra mắt tại Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2022, tham gia vào thị trường đầy cạnh tranh với "ông kẹ" Tesla của Elon Musk.

Trong cuộc phỏng vấn tại khu phức hợp VinFast tại Hải Phòng, bà Vân Anh chia sẻ với Reuters: "Chúng tôi sẽ đến Bắc Mỹ - Hoa Kỳ, Canada - và châu Âu cùng lúc. Tại châu Âu, chúng tôi sẽ có mặt ở Đức, Pháp và Hà Lan".

Hậu thuận cho VinFast chính là Vingroup, một tập đoàn xuất thân từ doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền ở Ukraine thời hậu Xô Viết. Theo đó, quỹ đạo phát triển của công ty này đã phản ánh đúng quỹ đạo kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, với "dấu chân" hiện hữu trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, khu nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện và điện thoại thông minh.

VinFast và những bước tiến vào thị trường Mỹ ảnh 1

Doanh số VinFast đứng thứ năm tại thị trường Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2017 với đội ngũ do các cựu lãnh đạo của General Motors dẫn đầu, VinFast đang hướng tới việc cạnh tranh về kích thước và giá cả của ô tô - tung ra mẫu SUV điện được bà Vân Anh mô tả "sang trọng hơn" với những mẫu xe hiện được chào bán.

Ô tô VinFast cũng đi kèm với chương trình cho thuê pin; theo đó, chi phí của pin, một trong những thành phần đắt nhất trên xe điện, sẽ không được tính vào giá cuối cùng bán đến tay khách hàng.

Bà Vân Anh, người sẽ chuyển từ Hà Nội đến Los Angeles vào tháng tới để điều hành các hoạt động của VinFast tại Mỹ, cho biết: "Tôi sẽ cung cấp cho bạn một sản phẩm tốt hơn. Tôi đang đưa đến cho bạn một chiếc SUV. Tôi đang cho bạn một chiếc xe rộng rãi hơn". Theo một bài trình bày VinFast chuẩn bị cho các nhà đầu tư tiềm năng, ô tô VinFast sẽ rẻ hơn so với các mẫu xe điện khác.

VinFast và những bước tiến vào thị trường Mỹ ảnh 2

Thiết kế của mẫu VF33 dự kiến sẽ được bán sang Mỹ.

Một SUV của Tesla hiện được bán với giá khoảng 50.000 USD; tuy nhiên, bà Vân Anh từ chối thảo luận về các đối thủ tiềm năng và không quan tâm đến việc một chiếc SUV VinFast sẽ có giá bao nhiêu. Hai trong ba mẫu xe điện của hãng được dành cho Mỹ, thị trường được VinFast đặt mục tiêu doanh số hàng năm lên tới 45.000 chiếc.

Đột phá trong cuộc cạnh tranh xe điện?

Trước đây đã từng có các nhà sản xuất ô tô châu Á xâm nhập thị trường Mỹ. Toyota những năm 1970 và Hyundai những năm 1980 đã vượt qua hoài nghi ban đầu với những sản phẩm chất lượng, giúp chiếm được thị phần từ nhiều nhà sản xuất nội địa.

Dù đạt doanh số khoảng 30.000 chiếc ô tô trong năm 2020 tại Việt Nam nhưng VinFast vẫn chưa tạo ra được lợi nhuận và vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn.

Bill Russo - người đứng đầu công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải và cựu lãnh đạo của Chrysler - cho biết: "Thách thức lớn nhất của họ [VinFast] là thuyết phục người tiêu dùng rằng họ có một sản phẩm vững chắc và giá trị hấp dẫn".

VinFast và những bước tiến vào thị trường Mỹ ảnh 3

Thị phần doanh số xe điện tại Mỹ.

Đồng thời, ông bổ sung: "Bản thân sản phẩm trông có vẻ ngoài và tính năng phù hợp nhưng điều này sẽ chỉ giúp bạn tham gia vào trò chơi. Sự chiến thắng đòi hỏi lợi thế về công nghệ hoặc mô hình kinh doanh so với đối thủ".

VinFast đang đặt cược vào kế hoạch cho thuê pin của mình - khách hàng sẽ trả một số tiền hàng tháng gần tương đương với chi phí đổ xăng/dầu - để giành lấy khách hàng ở Mỹ. Bà Vân Anh thông tin, khi cụm pin - sử dụng cell của Samsung SDI - chỉ còn 70% tuổi thọ, VinFast sẽ thay thế cho khách hàng.

Một kế hoạch tương tự đã được triển khai tại Trung Quốc bởi nhà sản xuất xe điện Nio, được hậu thuẫn bởi Tencent, với SUV ES6 có giá khởi điểm khoảng 55.272 USD.

Theo Michael Dunne - giám đốc điều hành của công ty tư vấn ô tô ZoZo Go, không hãng xe điện nào có thể cạnh tranh với Tesla trong tương lai gần, điều này cho thấy thế mạnh toàn diện của gã khổng lồ này tại Mỹ.

Tuy nhiên, ông Dunne cũng cho biết: "Nhưng tin tốt là các công ty như VinFast không cần đánh bại Tesla để giành chiến thắng. Tất cả những gì họ thực sự cần làm là chuyển một bộ phận trong số 65 triệu người tiêu dùng đã mua ô tô chạy xăng vào năm 2020 chuyển sang sử dụng xe điện".

VinFast, sở hữu nhà máy sản xuất tại Việt Nam với khả năng sản xuất 250.000 ô tô mỗi năm, đang lên kế hoạch thực hiện việc bán phần lớn xe tại Mỹ theo hình thức trực tuyến, loại bỏ nhu cầu về mạng lưới đại lý tốn kém. Cho đến nay, hãng đã đạt 15.000 đơn đặt hàng cho mẫu VF e34 tại Việt Nam.

VinFast và những bước tiến vào thị trường Mỹ ảnh 4

Hai nam công nhân lắp ráp ô tô VinFast.

Hãng xe này cũng mới thuê Jeremy Snyder - cựu nhân viên đã làm việc 10 năm tại Tesla - làm giám đốc phát triển tại Mỹ.

Chia sẻ với Reuters, Snyder cho biết ông là nhân viên đầu tiên của VinFast tại Mỹ, nhưng giữa nhân viên toàn thời gian và tư vấn viên, công ty hiện có khoảng 100 người làm việc tại đây. Ông khẳng định: "Thật thú vị khi mang Việt Nam và Hoa Kỳ đến gần hơn thông qua VinFast".

Dự định huy động vốn thông qua SPAC?

Nhà sáng lập Vingroup - Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam - cam kết đầu tư 2 tỷ USD tiền riêng của mình vào mảng ô tô và Vingroup đã rót hàng trăm triệu USD vào VinFast bằng cách phát hành trái phiếu quốc tế và bán bớt cổ phần tại các công ty trực thuộc.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô trong những năm qua đẩy nợ của Vingroup lên cao và việc thua lỗ tại một số dự án liên doanh đã siết chặt dòng tiền của tập đoàn này.

Để thúc đẩy tăng trưởng, VinFast sẽ cần thêm nhiều tiền. Nhà sản xuất này đang xem xét khai thác các nhà đầu tư tại Mỹ, gồm một số nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới, từng đổ hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp ô tô.

VinFast và những bước tiến vào thị trường Mỹ ảnh 5

Các thông số tài chính của VinFast.

Ba nguồn tin trực tiếp biết về kế hoạch cho hay, VinFast đang hướng tới việc hợp tác với một SPAC (Công ty mua lại mục đích đặc biệt) để dễ dàng lên sàn chứng khoán ở Mỹ. Tuy nhiên, bà Vân Anh từ chối bình luận về thời điểm hoặc cách thức VinFast tạo ra nguồn vốn đầu tư tại Mỹ.

Hai nguồn tin riêng biệt cho biết, các quan chức của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ sẽ sớm đến thăm Việt Nam để gặp gỡ các lãnh đạo của Vingroup về nỗ lực niêm yết trên. Nếu VinFast niêm yết tại Mỹ, đây sẽ là công ty Việt Nam đầu tiên thực hiện điều này.

Bà Vân Anh thông tin: "Khi nó xảy ra, diễn ra như thế nào, bằng SPAC hay phương pháp khác, chúng tôi sẽ thực hiện quyết định đúng đắn cùng một lúc".

Hiện có hàng trăm SPAC đang tìm kiếm các công ty để chào bán cổ phiếu ra thị trường và vô số nhà đầu tư đang tuyệt vọng muốn chọn ra được "Tesla thứ hai".

Nio, công ty đã lỗ ròng 860 triệu USD vào năm ngoái, có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 67 tỷ USD, theo niêm yết chứng khoán ở New York và chỉ bán được dưới 44.000 xe vào năm ngoái, gần với mức doanh số VinFast kỳ vọng tại Mỹ.

VinFast và những bước tiến vào thị trường Mỹ ảnh 6

Nữ công nhân lắp ráp trong nhà máy VinFast.

Một loạt các công ty khởi nghiệp liên quan đến xe điện đã đạt mức định giá hàng tỷ USD vào năm ngoái dù không có sản phẩm sẵn sàng bán ra thị trường, nhưng cổ phiếu của họ cũng đang giảm thời gian gần đây. VinFast muốn tách mình khỏi các công ty khởi nghiệp xe điện khác.

Bà Vân Anh chia sẻ: "Nếu bạn nhìn vào một số thương vụ SPAC đã diễn ra, chúng tôi thực sự có những gì hiện có" và "ngay cả khi chúng tôi không có sản phẩm trên thị trường thế giới, chúng tôi có các sản phẩm ở đây".

Tác giả: Viết Hoàng