"Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” trong lĩnh vực đăng kiểm

21/02/2014

Thực hiện nhiệm vụ năm ATGT 2014 với chủ đề "Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện", ngày 20/02/2014, Cục ĐKVN đã ban hành Chương trình hành động "Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trong lĩnh vực đăng kiểm".

Trong Chương trình hành động, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các Đơn vị đăng kiểm trong cả nước, trong tất cả các lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy, đường sắt và đường bộ thực hiện:

Một là: sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lý để hạn chế tình chủ xe lợi dụng chở hàng quá tải và tăng cường quản lý công tác kiểm định của các đơn vị, cụ thể:

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 04 năm 2011 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới được sản xuất, lắp ráp và Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 04 năm 2011 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu để siết chặt quy định kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đặc biệt hạn chế chở hàng quá tải đối với xe sản xuất lắp ráp và nhập khẩu.

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56 và Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT để điều chỉnh: Đưa ảnh xe kiểm định vào Giấy chứng nhận kiểm định để khắc phục tình trạng các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới kiểm định phương tiện có thùng sai quy định; chủ xe tự cơi nới, cải tạo tăng kích thước thùng hàng sau khi đăng kiểm; mượn thùng xe, xi téc để đi kiểm định; kiểm định xe có thùng hàng, xi téc lớn không phù hợp quy định và hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường.

+/ Quy định mẫu Tem kiểm định cho phương tiện có thùng hàng, xi téc lớn không phù hợp quy định có đóng một vạch màu đỏ trên Tem để dễ nhận biết trong kiểm tra, kiểm soát.

+/ Bổ sung hạng mục kiểm tra các thông tin kẻ trên cánh cửa phương tiện khi kiểm định xe theo quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/08/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và các quy định liên quan khác.

+/ Quy định về nhận dạng thùng, xi téc xe khi vào kiểm định để quản lý. Sửa đổi Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT để bổ sung quy định phạm vi điều chỉnh đối với xe tự đổ, xe xi téc có trọng lượng toàn bộ dưới 10000 kG để kiểm soát kích thước thùng hàng loại xe này. Xây dựng Thông tư quy định về công tác bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới để duy trì chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giữa hai kỳ kiểm định.

Sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (QCVN 21: 2010/BGTVT) để điều chỉnh: Gắn số phân cấp tại vị trí phía đuôi tàu của các tàu hoạt động tuyến nội địa để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Hai là: Thống kê cụ thể số lượng xe tải tự đổ, xe xi téc, sơ mi rơ moóc xi téc có thể tích thùng hàng, xi téc lớn đã sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và cải tạo trước ngày Thông tư 32 và Thông tư 29 có hiệu lực để Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để thông báo cho các Sở Giao thông vận tải để phối hợp quản lý.

Ba là: Nâng cao chất lượng kiểm định, chấn chỉnh lề lối làm việc của các phòng chuyên môn trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Đơn vị đăng kiểm:

1. Tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy, đường bộ trong phạm vi cả nước để chấn chỉnh ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm, phục vụ khách hàng, tránh quá tải cho các đơn vị đăng kiểm, cho chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.

3. Tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường” đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành tại Quyết định số 1873/QĐ-BGTVT ngày 8 tháng 8 năm 2012.

4. Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức các đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn để tiến hành kiểm tra đột xuất các đơn vị đăng kiểm tại 03 khu vực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam và làm việc với các Sở Giao thông vận tải về công tác phối hợp quản lý công tác đăng kiểm phương tiện tại địa phương. Thực hiện trong năm 2014.

5. Yêu cầu các đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiêm các quy định trong công tác kiểm định. Bổ sung đầy đủ kích thước thùng hàng, các thông số kỹ thuật của các xe ô tô còn thiếu trên cơ sở dữ liệu kiểm định. Tập trung kiểm tra kích thước thùng xe theo hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, kiên quyết không cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho phương tiện sai kích thước thùng hàng. Hoàn thành bổ sung kích thước thùng trong tháng 03/2014.

6. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác đăng kiểm, thực hiện hiện đại hóa dây chuyền kiểm định xe cơ giới. Lựa chọn thêm một loại dây chuyền thiết bị kiểm định hiện đại để thuận lợi cho các đơn vị đăng kiểm khi trang bị.

7. Đối với phương tiện thủy chở hàng: Thực hiện nghiêm các công việc liên quan đến thẩm định thông báo ổn định, hướng dẫn xếp tải và sổ tay sắp xếp, chằng buộc hàng hóa; yêu cầu gắn dấu mạn khô thước nước đúng quy định thiết kế; kiên quyết không cấp giấy tờ hồ sơ đăng kiểm khi phương tiện chưa gắn hoặc kẻ dấu mạn khô, vạch dấu mớn nước không đúng quy định.

8. Đối với các phương tiện thủy chở người: Thực hiện nghiêm các công việc liên quan thẩm định thông báo ổn định; Không thẩm đinh thiết kế và kiểm soát tàu đang khai thác tăng số ghế khách; kiểm tra kỹ số lượng và chất lượng các trang thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ, cứu sinh, cứu đắm và các trang bị hàng giang khác; yêu cầu gắn dấu mạn khô thước nước theo quy định - nếu chưa đảm bảo yêu cầu chủ phương tiện phải khắc phục triệt để mới cấp giấy tờ hồ sơ đăng kiểm cho phương tiện đi khai thác.

9. Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công tác giám sát kỹ thuật phương tiện thủy ở tất cả các khâu: thẩm định thiết kế; đánh giá và chứng nhận năng lực các cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng và thử nghiệm liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật tàu biển; kiểm tra và chứng nhận máy, vật liệu, trang thiết bị dùng trong đóng mới, sửa chữa phương tiện; giám sát trong quá trình chế tạo, kiểm tra trong quá trình khai thác phương tiện, đánh giá an toàn, an ninh và lao động hàng hải; góp phần quan trọng tăng cường khả năng hoạt động an toàn, an ninh của phương tiện, cải thiện điều kiện lao động hàng hải, làm giảm thiểu sự cố an toàn, an ninh hàng hải, ô nhiễm môi trường và tàu bị lưu giữ ở nước ngoài do có các khiếm khuyết về kỹ thuật và quản lý an toàn, an ninh, lao động hàng hải.

10. Tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới qua hệ thống camera giám sát.

11. Xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định tại Thông tư số 42/2012/TT-BGTVT, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định sai quy định, nhất là việc kiểm định cho xe cơ giới có kích thước thùng hàng, xi téc lớn hơn so với hồ sơ kỹ thuật.

12. Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại kết hợp với đánh giá đăng kiểm viên để nâng cao chất lượng đội ngũ đăng kiểm viên. Tổ chức các lớp tập huấn tại hai khu vực để tuyên truyền, giáo dục đạo đức, trách nhiệm cho lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ các đơn vị đăng kiểm trong cả nước. Tổ chức đào tạo đăng kiểm viên bậc cao xe cơ giới, nâng cao chất lượng kiểm định. Thực hiện trong năm 2014.

13. Yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Cục Đăng kiểm Việt Nam về “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện" phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và lĩnh vực phụ trách. Hoàn thành và gửi báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam trước 10/03/2014.

14. Sửa đổi phần mềm để đưa hình ảnh xe khi kiểm định đạt yêu cầu vào Giấy chứng nhận kiểm định để các đơn vị không kiểm định các xe có thùng chở hàng sai quy định và tạo điều kiện cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý, hoàn thành để phục vụ Thông tư sửa đổi Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT.

15. Phối hợp kiểm tra, kiểm soát: Phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát Giao thông đường thủy nội địa, Cục Đường Sắt, Đường Thủy nội địa, Hàng Hải và Tổng Cục đường bộ để hướng dẫn các đơn vị tại các địa phương phối hợp kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi tham gia giao thông, phương tiện biển trước khi rời cảng. Chỉ đạo các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương tham gia các đội kiểm tra liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật và tải trọng phương tiện.

Trong Chương trình hành động, để phối hợp quản lý tốt hơn tình trạng chở hàng quá tải trong hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất với Bộ Giao thông vận tải một số công việc cần chỉ đạo, phối hợp của các Vụ chức năng, các cơ quan chức năng khác.

Tác giả: Phòng VAR - VR