Quản lý và yếu tố con người trong các vụ TNGT

20/06/2013

Trong một thời gian ngắn, nhiều địa bàn trên cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến hàng chục người chết và bị thương. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều xảy ra với xe khách đường dài vì vậy con số người thương vong lớn.

Chỉ trong 2 ngày, từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 6 vừa qua, đã có 2 vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng và chuyên môn đã và đang xem xét, điều tra, phân tích để tìm ra nguyên nhân dẫn đến các tai nạn đó. Ngay sau những vụ tai nạn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10 tháng 6 năm 2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã họp và đưa ra năm giải pháp để xử lý và giảm thiểu các tai nạn giao thông đường bộ.

Trong tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải, theo thống kê chung của thế giới, nguyên nhân gây ra tai nạn có tới 80-90 phần trăm là lỗi do con người. Nhân dịp này, chúng tôi muốn trích đăng lại ý kiến của một số chuyên gia và lái xe trong ngành về vấn đề quản lý vận tải hành khách và nguyên nhân gây ra tai nạn phương tiện giao thông đường bộ đã được đăng trên các trang mạng hoặc báo ngành trong những ngày qua.

1. Ông Hà Mạnh Linh (Hoa Lư, Ninh Bình):

Cần quy trách nhiệm đối với chủ doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Linh, đa số các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua rơi vào các chuyến xe khách chạy tuyến cố định, xe khách đường dài chạy nhanh, vượt ẩu. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chính là do lái xe được chủ xe thuê khoán chạy theo doanh thu. Vì phải chạy theo doanh số, đủ tiền nộp về công ty đồng thời có lợi nhuận, các lái xe dù biết không đảm bảo an toàn vẫn buộc phải "nhắm mắt chạy liều".

"Xe chạy với tốc độ cao khiến lái xe khó mà phản ứng kịp thời trước những tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, do lái xe chạy xe liên tục nên dễ buồn ngủ và tai nạn rất dễ xảy ra", ông Linh nói.

Ông Linh cho rằng việc khoán xe đã khiến lái xe chịu sức ép từ chính các chủ xe. Do đó, cần phải có chế tài buộc các chủ doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm hình sự (hoặc liên đới) khi phương tiện của họ để xảy ra TNGT.

Bên cạnh đó, khi cấp phép cho các doanh nghiệp xe khách chạy theo tuyến cần có quy định cụ thể nhằm khống chế thời gian xuất bến, thời gian nhập bến. "Chẳng hạn với tuyến xe khách Hà Nội – Quảng Ninh, dựa vào độ dài quãng đường, tốc độ trung bình, thời gian xuất bến, ước tính và đưa ra thời gian được phép nhập bến. Nếu xe đến bến trước thời gian quy định, xe sẽ không được nhập bến", ông Linh đề xuất.

Ngoài ra, ông Linh cho rằng tại các bến xe khách, nên có thông báo thống kê tai nạn của các nhà xe khác nhau, như vậy hành khách sẽ chọn xe của hãng ít bị tai nạn nhất. Khi đó, trước việc chạy nhanh để tăng lợi nhuận và đảm bảo an toàn cũng như uy tín của hãng xe, các doanh nghiệp vận tải sẽ lựa chọn giải pháp thứ 2.

Giữ an toàn trên những cung đường đêm.

Một thực tế những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào ban đêm, thời điểm này đường vắng, phụ xe có thể bắt khách thoải mái, chạy với tốc độ tối đa nhưng họ lại không lo nhiều đến việc bị lực lượng chức năng bắn tốc độ, xử phạt. Ngoài ra, do chạy đêm nên tài xế dễ ngủ gật khiến xảy ra không ít vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Ông Trần Xuân Lộc, tài xế xe khách tuyến Hà Nội – Nghệ An:

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, cho biết, hiện nay, hầu hết các xe khách xuất bến với hành trình dài từ 300 km trở lên đều xuất phát vào tối hoặc đêm. Điều này được lý giải là xuất phát từ nhu cầu của hành khách nhằm tiết kiệm thời gian. Đề xuất giải pháp hạn chế TNGT với các chuyến xe khách chạy ban đêm, ông Lộc cho rằng các nhà xe cần thực hiện đúng theo quy định hiện hành, đó là: xe khách chạy đường dài trên 300 - 500km thì phải có 2 tài xế thay phiên điều khiển xe và trên 500km phải có 3 tài xế. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải cần có trạm dừng giữa đường, bố trí cho tài xế xuống trạm dừng để nghỉ ngơi hoặc ngủ lấy lại sức, sau đó thay đổi tài xế cho xe sau thì tài xế điều khiển xe trước và cả xe sau sẽ an toàn hơn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tại các bến xe khách cũng cần được thắt chặt. Các bến xe khách phải kiên quyết không cho xuất bến đối với những xe hoặc lái xe không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (nhất là đối với lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích). Không xác nhận và không cho xe xuất bến đối với các lái xe không đúng tên ghi trong sổ nhật trình do đơn vị kinh doanh vận tải điều động.

Ngoài ra, ông Lộc còn đưa ra giải pháp lắp dây đai an toàn cho xe khách. "Việc này sẽ bảo vệ hành khách không bị các chấn thương nặng như chấn thương cổ, cột sống, gãy xương sườn, gãy tay, chân khi xe gặp nạn lăn xuống vực, xuống ruộng, hay bị lật trên đường. Các xe khách chạy đường đèo, đồi núi cần phải lắp dây an toàn ở tất cả các ghế ngồi", ông Lộc kiến nghị.


Ảnh minh họa: Vụ tai nạn ngày 8 tháng 3 tại Cam Ranh, Khánh hòa

3. Hãy lắng nghe hơn nữa ý kiến từ chính người lái xe.

Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho rằng trong các vụ TNGT, lái xe, người điều khiển phương tiện giao thông phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Nhưng theo ông Kế, những yếu tố liên quan khác cũng là nguyên nhân không nhỏ trong các vụ TNGT như: Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông quá đông, quá tải với điều kiện cơ sở hạ tầng, chất lượng đường xá; các bảng biển chỉ dẫn cảnh báo, lực lượng trực tiếp điều hành kiểm tra hướng dẫn giao thông (CSGT)...

Ông Liên cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường khảo sát, lắng nghe hơn nữa ý kiến từ chính các lái xe, từ các doanh nghiệp vận tải để đưa các giải pháp giảm TNGT phù hợp với thực tế của Việt Nam.

4. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam:

Sự quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp và cơ quan có trách nhiệm khiến tài xế xe khách, xe tải đang bị người ta rẻ rúng, coi thường. Đó là một sự thật đáng buồn.

Những vụ tai nạn xe khách, xe tải gần đây khiến dư luận không khỏi hãi hùng. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, một số chuyên gia đặt vấn đề về chất lượng yếu kém trong chuyên môn cũng như đạo đức, tác phong của đội ngũ lái xe ở Việt Nam hiện nay, nhưng ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nguyên nhân sâu xa về sự xuống cấp đạo đức của đội ngũ lái xe chính là do cơ chế quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp.

Thuê lái xe như mua hàng chợ trời.

Ông Nguyễn Văn Thanh thừa nhận, việc đào tạo, tu dưỡng đạo đức cho người lái xe ở các cơ sở đào tạo lái xe lâu nay đang bị coi nhẹ, hoặc nếu có, mới chỉ là thứ đạo đức chung chung cũng như ở những môi trường dạy học khác. Trong khi những cách hành xử văn hóa, đạo đức cụ thể trên đường, giữa các lái xe với nhau thì chẳng ai dạy.

Mặt khác, ông Thanh còn cho rằng việc đào tạo kỹ năng cho lái xe đang bị hạn chế. Các trường lái chỉ biết dạy học viên lái đúng quy định. Trong khi đó, kỹ năng xử lý tình huống, cách khắc phục sự cố máy móc thì đang bị bỏ qua. Học viên ra trường cầm lái không biết cách sửa chữa, nắm bắt tình trạng của xe như thế nào, nguyên lý hoạt động ra sao. Cho nên khi xảy ra sự cố trên đường, lái xe không thể xử lý được.

Theo ông Thanh, hiện nay, lái xe khách, xe tải cũng như lái ô tô cho các doanh nghiệp nói chung gần như không có một sự quản lý nào. Đội ngũ lái xe không được doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý quan tâm đúng mực.

Tại các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam hiện nay, gần như không có một tổ chức đoàn thể, công đoàn nào dành cho đội ngũ lái xe. Đáng lẽ những tổ chức này phải được thành lập để giáo dục, gắn kết, quan tâm đến đời sống, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người lái xe. Vậy nhưng, các cơ quan, doanh nghiệp đang quên mất điều này.

Lái xe tải, xe khách là một ngành nghề đòi hỏi một trình độ khoa học, kỹ thuật nhất định, đòi hỏi những phẩm chất nhất định. Nhưng ông Thanh mô tả, hiện nay, thuê lái xe như ra chợ lao động tự do thuê người về bốc vác, dọn nhà. Thậm chí như mua hàng ngoài chợ trời.

Ông Thanh dẫn chứng, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó có một chuyến hàng cần thuê lái xe vận chuyển, chỉ cần ra gọi trao đổi giá cả, cho biết điểm cần đến, "mai chạy cho tôi nhé" là xong. Người thuê cũng chẳng cần tìm hiểu lái xe này là người như thế nào, phẩm chất ra sao, miễn có xe, có bằng lái. "Một lái xe làm việc hợp đồng, bị doanh nghiệp sa thải vì đạo đức kém, lập tức sau đó lại nhảy sang xin làm ở doanh nghiệp khác. Lái xe hiện nay đang bị người ta rẻ rúng, coi thường. Đó là một sự thật đáng buồn" – Ông Nguyễn Văn Thanh đánh giá.

Hãy bỏ cơ chế "cổ phần xe".

Ông Thanh nêu rõ cơ chế quản lý hiện nay tại các doanh nghiệp. Một người mua xe kinh doanh, chỉ cần làm thủ tục xin cổ phần vào doanh nghiệp vận tải, hàng tháng hàng năm đóng một khoản tiền để được hợp pháp hóa chạy tuyến nọ tuyến kia. Doanh nghiệp thu được tiền rồi là xong, mặc kệ. Chủ xe tự kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu. Bởi vậy, lái xe muốn chạy thế nào cũng được, không ai quản lý, không ai nhắc nhở.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, đã cảnh báo điều này từ nhiều năm nay về việc doanh nghiệp vận tải kinh doanh theo phương thức này. Vậy nhưng, muốn ngăn chặn việc này lại vướng luật. Luật kinh doanh hiện nay không có cơ chế để siết chặt cơ chế quản lý này.

Ông Thanh cho rằng, những doanh nghiệp vận tải bỏ tiền đầu tư mua xe rồi thuê người lái, chắc chắn rất khác. Bởi xe là của chính doanh nghiệp. Họ trả lương cho lái xe theo công hằng tháng, yêu cầu lái xe thực hiện đúng tuyến, đúng tốc độ. Nếu lái xe chạy ẩu, đón trả khách dọc đường, làm sai luật, chính doanh nghiệp là người bị ảnh hưởng uy tín, thiệt hại kinh tế. Họ buộc phải quản lý lái xe chặt chẽ hơn.

Theo ông Thanh, việc khoán trắng cho lái xe tự tung tự tác, mặc dù người lái vẫn biết xe là của chính họ, nhưng vì không ai nhắc nhở quản lý nên họ dễ mất kiểm soát, vì lợi ích trước mắt mà quên đi an toàn trên đường.

Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam nhấn mạnh, điều cần nhất của cơ quan quản lý hiện nay là phải tách bạch quyền lợi của doanh nghiệp với người lái xe. Người lái xe chỉ cần biết mỗi việc làm thế nào lái xe cho an toàn, đúng quy định của doanh nghiệp và hưởng lương. Việc lời lãi, hoạch định chiến lược kinh tế là của doanh nghiệp. Lái xe không phải chịu trách nhiệm về doanh thu của những chuyến khách, chuyến hàng. Khi đó, họ mới đảm bảo lái xe an toàn được.

Lái xe được đóng cổ phần vào doanh nghiệp vận tải, nhưng đóng cổ phần bằng tiền chứ không bằng xe. Lái xe sẽ được hưởng lương làm công lái xe hàng tháng và hưởng lợi tức cổ phần.

Cuối cùng, ông Thanh cho rằng, đạo đức, phẩm chất người lái xe xuống cấp, bị xã hội coi là “giặc lái”, nhưng suy cho cùng họ đang là nạn nhân của xã hội. Nguyên nhân sâu xa chính là cơ chế quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp của cơ quan quản lý. Bản thân người lái xe tự cảm thấy lạc lõng, bất cần. Người lái xe tự vận động kiếm sống. Không có ai nhắc nhở, tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ lái xe. Họ không có một sự gắn kết với đoàn thể nào, không ai quan tâm. Bởi vậy, không những lái xe phóng nhanh vượt ẩu dễ gây tai nạn trên đường mà họ còn dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, những hệ lụy khôn lường.

Đương nhiên, không thể bỏ qua vai trò của lực lượng thực thi pháp luật trên đường. "Nhưng nếu Nhà nước có cơ chế để doanh nghiệp quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe hơn, chắc chắn chuyện phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm pháp luật trên đường sẽ tự khắc giảm đi." – Ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Những vụ tai nạn giao thông vừa qua khó có thể nói là do chất lượng lái xe kém chuyên môn và công tác đào tạo của các trường lái. Các tài xế cầm lái trong những vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua hầu hết đều đã cứng tuổi, nhiều năm kinh nghiệm. Có thể họ cậy vào kinh nghiệm nên chủ quan. Ngoài ra, nhiều lái xe ý thức chấp hành pháp luật kém, phóng nhanh vượt ẩu, dẫn đến tai nạn. Cơ quan chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra giám sát các trung tâm đào tạo lái xe và không ít lần xử lý, thậm chí rút giấy phép với những cơ sở vi phạm, kém chất lượng.

5. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam chưa hề có trách nhiệm với lái xe. Họ không tạo sự gắn bó của lái xe với doanh nghiệp mình, cũng không quan tâm bồi dưỡng ý thức cho họ".

"Có lần đi nước ngoài tôi thấy, trên xe khách, doanh nghiêp vận tải bắt tài xế phải treo ảnh gia đình, người thân của tài xế trên xe. Điều này để nhắc nhở lái xe luôn phải cẩn trọng, vững tay lái bởi vợ con vẫn luôn chờ họ ở nhà".

6. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ công an:

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, bên cạnh yếu tố khách quan như đường cua khuất tầm nhìn, mặt đường, thời tiết v.v... Một trong nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe khách thời gian qua là do đạo đức lái xe kém thể hiện qua việc chấp hành luật không nghiêm, như chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng, đậu đỗ đón trả khách không đúng quy định, coi thường tính mạng hành khách.

Tác giả: Phòng HTQT - VR