 | |
TNGT sẽ diễn biến phức tạp vào tháng cuối năm
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia,
từ ngày 16/12/2016 đến 15/11/2017, toàn quốc đã xảy ra 18.384 vụ TNGT,
làm chết 7.604 người, làm bị thương 15.189 người; so với 11 tháng đầu
năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ số người chết và số người bị thương. Cụ
thể, số vụ TNGT giảm 1.045 vụ (-5,38%), số người chết giảm 303 người
(-3,83%), số người bị thương giảm 1.995 người (-11,61%).
Trong đó, TNGT từ ít nghiêm trọng trở
lên xảy ra 8.906 vụ, làm chết 7.604 người, làm bị thương 4.654 người; so
với cùng kỳ năm 2016 giảm 366 vụ (-3,9%), giảm 303 người chết (-3,83%),
giảm 790 người bị thương (-14,5%); va chạm giao thông xảy ra 9.478 vụ,
làm bị thương nhẹ 10.535 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 679 vụ
(-6,69%), giảm 1.205 người bị thương (-10,26%).
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch
chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 11 tháng đầu năm, nhờ
sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo trực
tiếp của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kiêm
Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, công tác bảo đảm TTATGT đã được các bộ,
ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời. “Nhờ đó,
tình hình TNGT trong 11 tháng đầu năm nay tiếp tục được kiềm chế, giảm
mạnh cả 3 tiêu chí và có khả năng cao sẽ đảm bảo mục tiêu giảm TNGT năm
2017 từ 5 đến 10%”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá về tình hình TTATGT tháng cuối
cùng của năm, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc
gia nhận định, TNGT trong 11 tháng qua liên tục giữ đà giảm toàn diện.
Tuy nhiên, trong tháng 12, TNGT có khả năng sẽ tăng lên vì đây là thời
điểm cuối năm nên tình hình TTATGT sẽ phức tạp. Tuy mật độ phương tiện
và mức độ phức tạp của TTATGT không tăng cao như đợt Tết Nguyên đán,
nhưng Tết Dương lịch cũng thường là đợt cao điểm nhất trong năm. Đặc
biệt, đợt nghỉ Tết Dương lịch năm nay kéo dài 3 ngày và cách Tết Nguyên
đán hơn một tháng rưỡi nên mật độ giao thông sẽ càng tăng cao so với mọi
năm do nhu cầu của người dân tại các thành phố lớn tranh thủ về quê
hoặc đi du lịch.
Vì vậy, trong đợt Tết Dương lịch tới
đây, công tác đảm bảo TTATGT sẽ trở nên rất “căng” bởi nguy cơ tiềm ẩn
về TNGT gia tăng và UTGT tại cửa ngõ của các thành phố lớn sẽ rất
“nóng”, đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ
Xác định tình hình TTATGT trong thời
điểm Tết Dương lịch sẽ diễn biến phức tạp, Ủy ban ATGT Quốc gia đã sớm
chuẩn bị kế hoạch và triển khai các giải pháp tăng cường đảm bảo TTATGT.
Trong đó, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ công bố số điện thoại các đường dây
nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến
phản ánh của người dân về TTATGT, dịch vụ vận tải và xử lý vi phạm nhằm
kịp thời chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương
để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn, vướng mắc xảy ra.
Trong giai đoạn này, Ủy ban ATGT Quốc
gia cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT tại các
địa phương, địa bàn trọng điểm; đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch
tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với
người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2016 - 2020;
công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại
đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an để tiếp
nhận các ý kiến phản ánh. Cùng với đó, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã tham
mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về bảo đảm TTATGT
trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018
nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Trong đó, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông
tấn xã Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thành viên
của Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính
trị - xã hội phải chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ
biến pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tới
mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên…
Nội dung tuyên truyền hướng tới mục tiêu
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, thực hiện các biện pháp
phòng, tránh tai nạn mô tô, xe gắn máy, đò ngang, đường ngang đường
sắt; thực hiện nghiêm việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy,
thực hiện “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Không phóng nhanh, vượt
ẩu, chuyển hướng bất ngờ”; không chở quá số người quy định; quan sát an
toàn khi qua đường sắt, chấp hành quy định an toàn khi đi đò…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, để đảm
bảo TTATGT cho người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội, Bộ GTVT sẽ lập kế
hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận tải bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu
đi lại của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công
trình nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang, bảo trì kết cấu hạ tầng giao
thông; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông
trọng điểm, các tuyến kết nối đến các đầu mối giao thông lớn; không để
xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; tăng cường biện pháp bảo đảm an
toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, các bến khách
ngang sông, bến xe, bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội; đình chỉ hoạt động
các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ
cứu sinh, chở quá số người quy định; rà soát, khắc phục các điểm đen về
TNGT; hoàn thành công tác nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao
thông trọng điểm trước ngày 31/01/2018.
Bộ Công an cũng lập và triển khai kế
hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, chú trọng hành
vi uy hiếp trực tiếp ATGT, như: Chở quá tải trọng, quá số người quy
định; vi phạm nồng độ cồn; chạy quá tốc độ…; ngăn chặn, trấn áp hành vi
đua xe trái phép, hành vi gây mất an ninh, trật tự tại trạm thu phí;
kiểm tra, xử lý nghiêm chủ phương tiện và người điều khiển xe ô tô
khách, xe ô tô tải, phương tiện thủy nội địa vi phạm quy định về điều
kiện kinh doanh vận tải; đón, trả khách không đúng nơi quy định; phương
tiện quá hạn đăng kiểm, hết niên hạn tham gia giao thông…
Các lực lượng bố trí ứng trực trên các
tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp, có nguy cơ
ùn tắc cao; phối hợp với ngành GTVT có phương án tổ chức, điều tiết
giao thông, sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai
nạn, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày
cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào TP. Hà Nội và TP. Hồ
Chí Minh; các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà
ga, sân bay, bến cảng…)