Thủ tướng: "Chính phủ điện tử là điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ"

11/03/2021

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số thành tựu nổi bật của kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử 5 năm qua...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp - Ảnh: VGP

Trong 5 năm qua, các thành phần cốt lõi của Chính phủ điện tử đã được hình thành. Năm 2021 được xem là năm định hình chiến lược phát triển Chính phủ điện tử ở giai đoạn mới. 

"Với việc ban hành Nghị quyết 17, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghị quyết 17 đã chú trọng vào việc xây dựng thể chế và yêu cầu nền tảng dùng chung. Đây là hai vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa làm được trong nhiều năm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử chiều 10/3.

Tại phiên họp, Thủ tướng điểm lại một số kết quả nổi bật và cho biết thời gian qua, bộ máy chỉ đạo, điều hành triển khai Chính phủ điện tử đã được kiện toàn.

"Cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế - xã hội, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Hiện nay, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Môi trường pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử cơ bản được hình thành đầy đủ

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (bao gồm Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với trên 200 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị để kết nối chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia). 

Hiện tại, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh để kết nối chia sẻ dữ liệu trong mỗi bộ/tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề phát triển Chính phủ số.

Thủ tướng chụp ảnh cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong nhiều năm không làm được thì đã được khai trương ngày 25/02/2021, là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể.

Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện an toàn không gian mạng quốc gia.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được chú trọng phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã trở thành nền nếp giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí hành chính (trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia).

Về triển khai chuyển đổi số, chúng ta đã khởi động và đạt được kết quả bước đầu. Đến nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số (đến nay có khoảng 40 nền tảng "Make in Việt Nam" được ra mắt).

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã được khởi động và bước đầu triển khai hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (thu hút 400 người dùng doanh nghiệp, hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế cần phải cải thiện như môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện (một số Nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành "đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử…).

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp (mới đạt 31%). Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ, kế hoạch đã đề ra. Hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ...

Theo báo cáo tại phiên họp của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2020, hệ thống các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; bao gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của mỗi bộ, tỉnh (LGSP) và các nền tảng này được kết nối với nhau thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh đã được phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của bộ, tỉnh và kết nối ra bên ngoài. Nếu như năm 2018 chỉ có 3 bộ, ngành, địa phương có LGSP, đạt tỷ lệ 3,2% thì đến năm 2020 đã có 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có LGSP và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong quý 1 hoặc đầu quý 2/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số và Chính phủ số tại Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025.


Tác giả: Tiến Dũng