Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng chủ trì cuộc họp
Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng đã chủ trì cuộc họp, với sự tham gia của cán bộ, công chức Thanh tra Bộ GTVT; đại diện lãnh đạo và Chánh Thanh tra trực thuộc Tổng cục, các Cục chuyên ngành.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Đường bộ VN và các Cục quản lý chuyên ngành đang triển khai công tác thanh tra theo kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, cùng với đó ban hành và thực hiện kế hoạch kiểm tra của đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra cơ bản đã tập trung vào các nội dung trọng tâm theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Cụ thể, từ 15/12/2020 đến 08/7/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam đã thực hiện tổng số 6.432 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 2.738 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt trên 12 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác quản lý, khai thác, bảo trì các dự án bằng hình thức đối tác công tư; kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ; bảo vệ kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải về đăng ký, đăng kiểm, phương tiện giao thông đường sắt; tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; công tác phục vụ vận tải hành khách; việc chấp hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt; bảo vệ công trình đường sắt; hoạt động cảng, bến thủy nội địa; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; an toàn hàng hải, an ninh hàng hải; bảo vệ công trình hàng hải; việc duy trì điều kiện khai thác cảng hàng không, sân bay; đảm bảo an ninh hàng không; đảm bảo an toàn khai thác của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; đảm bảo an toàn hoạt động bay; tuân thủ quy trình, quy định trong quá trình điều khiển, vận hành, khai thác và duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đối với trang thiết bị, phương tiện mặt đất hoạt động trong khu vực hạn chế.
Công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra, phê duyệt kế hoạch thanh tra cho các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã được Tổng cục, các Cục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành còn có một số hạn chế, như: Việc triển khai công tác thanh tra theo kế hoạch còn chậm so với kế hoạch được phê duyệt; hoạt động thanh tra, kiểm tra mới chủ yếu tập trung vào phát hiện, xử lý vi phạm mà chưa quan tâm đến bất cập về thể chế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung... Nguyên nhân của tồn tại được xác định là do tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp; Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành chưa chủ động triển khai công tác thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt; lực lượng thanh tra viên, công chức thanh tra còn mỏng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đồng đều.
Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm soát tại trọng xe trên tuyến quốc lộ (Ảnh minh họa)
Tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành nhất trí cao đối với nội dung Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của Thanh tra Bộ GTVT. Các đại biểu đã tập trung giải trình kết quả của từng đơn vị, trong đó thẳng thắn nêu ra một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện; kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Tổng cục, các Cục.
Phát biểu tại cuộc họp, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng ghi nhận những kết quả đạt được của Tổng cục, các Cục chuyên ngành trong thời gian qua, các đơn vị đã cơ bản tập trung quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng đề nghị Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành tiếp tục tập trung hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 theo kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt, đảm bảo các cuộc thanh tra chất lượng, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo hoàn thành các cuộc, nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch; hạn chế tối đa việc đề nghị điều chỉnh kế hoạch thanh tra. Thực hiện tốt công tác khảo sát để xây dựng nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo kết luận thanh tra có đủ nội dung và đúng hình thức theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị xử phạt các vi phạm theo quy định, tuyệt đối không để tình trạng phát hiện hành vi vi phạm nhưng không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Tập trung rà soát, kiện toàn lại lực lượng làm công tác thanh tra; tăng cường chỉ đạo hoạt động thanh tra chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước… Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong ngành GTVT theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Chánh Thanh tra giao Phòng Thanh tra chuyên ngành tổng hợp các kiến nghị đưa ra tại cuộc họp, những vấn đề vượt thẩm quyền (nếu có) sẽ được Thanh tra Bộ báo cáo Lãnh đạo Bộ GTVT xem xét chỉ đạo; nghiên cứu, tham mưu tăng cường hướng dẫn, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệp trong công tác thanh tra và các thông tin có liên quan giữa Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành với Thanh tra Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra được Lãnh đạo Bộ giao.