Phải nỗ lực tập trung hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ năm

29/08/2022

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi giao ban công tác Bộ GTVT tháng 8/2022, sáng 26/8.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì nghe báo cáo tại buổi Giao ban Bộ GTVT tháng 8/2022

Hết tháng 8/2022 dự kiến giải ngân khoảng 22.094 tỷ đồng

Đây là thông tin kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại cuộc họp giao ban tháng 8/2022 của Bộ GTVT vào sáng nay (26/8) do ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KHĐT) cho biết.

Theo lãnh đạo Vụ KHĐT, tính đến hết tháng 8/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 22.094 tỷ đồng, đạt 51,18% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 43,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù kết quả giải ngân hết tháng 8/2022 cao hơn dự kiến kết quả giải ngân bình quân của các bộ, cơ quan TƯ (32,36%) và bình quân chung cả nước (39,15%) nhưng chậm so với kế hoạch các chủ đầu đã đăng ký khoảng 1.124 tỷ đồng và so với cùng kỳ năm 2021 (52%).

“Để giải ngân 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ nay tới cuối năm, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 28.234 tỷ đồng (56,7%)”, ông Lưu Quang Thìn cho biết đồng thời nhấn mạnh, trong đó, một số dự án còn khối lượng giải ngân lớn như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc –Nam  giai đoạn 2017 - 2020 còn phải giải ngân 7.270 tỷ đồng; Các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 các chủ đầu tư đăng ký giải ngân tới 15.000 tỷ đồng; Các dự án ODA còn phải giải ngân 2.956 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác phân bổ nguồn vốn, theo lãnh đạo Vụ KHĐT, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm: 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng đồng vốn trong nước.

Đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban QLDA tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ GTVT dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.

Cũng theo ông Lưu Quang Thìn, hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn cho dự án này.

Sản lượng vận tải tăng, cước giảm

Báo cáo tại cuộc họp giao của Bộ GTVT vào sáng nay (26/8), Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, sản lượng vận tải toàn ngành GTVT trong 8 tháng đầu năm có nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 495,8 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022, ước tổng khối lượng hàng hóa là 62 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021; khối lượng hàng container đạt 2,13 triệu TEUs, tăng 2% so với cùng kỳ.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng hàng không đạt 956 nghìn tấn, giảm 1,4%  so với cùng kỳ năm 2021; về số lượng hành khách đạt 76,5 triệu khách, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022, sản lượng hành khách ước đạt 11,5 triệu khách, tăng 473% so với cùng kỳ năm 2021; khối lượng hàng hóa ước đạt 123 nghìn tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2021;

Khối lượng hàng hóa đường thủy nội địa đạt 242,5 triệu tấn, tăng 14,1% và 53,8 tỷ tấn.km, tăng 14,2%; về số lượng hành khách đạt 177 triệu lượt khách, tăng 14% và 3,3 tỷ lượt khách.km, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022, sản lượng hành khách ước đạt 25,5 triệu lượt khách, tăng 0,97%, và 487,3 triệu lượt khách.km, giảm 16%; về hàng hóa đạt 30,3 triệu tấn, giảm 14% và 6,7 tỷ tấn.km, giảm 11%.

Trong lĩnh vực đường bộ, sản lượng vận tải hàng hóa tăng trên 16%; vận tải hành khách hơn 19,2%.

Khối lượng hàng hóa đường sắt đạt 3,9 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021 và 3,04 tỷ tấn.km, tăng 22,8%; về số lượng hành khách đạt 3,0 triệu lượt khách tăng 143,3% và 1,2 tỷ khách.km, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022, sản lượng hàng hóa ước đạt 437 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Luân chuyển hàng hóa ước đạt 332 triệu tấn.km, tăng 30,5% so với cùng kỳ.

Về giá cước trong các lĩnh vực vận tải trong tháng 8/2022, Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc cũng cho biết, trên đường bộ, giá cước xe taxi đã giảm từ 6%-12%; xe tuyến cố định giảm từ 5%-14%;

Trên đường sắt, giá cước vận tải hàng hóa giảm từ 5%, giá cước vận tải hành khách giảm từ 3-5%;

“Trong lĩnh vực hàng không, các hãng hàng không đều bán vé với nhiều dải giá trong khung giá do Nhà nước quy định. Do đợt cao điểm du lịch hè đã qua đi, đồng thời giá xây dựng đã giảm nên các hãng đều đang có chính sách giá vé cạnh tranh để thu hút hành khách”, lãnh đạo Vụ Vận tải khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, trong tháng 8, Bộ GTVT đã tập trung điều hành bình ổn giá cước các lĩnh vực vận tải khi giá nhiên liệu giảm. Bộ GTVT cũng chỉ đạo xử lý tình trạng chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại các cảng hàng không, sân bay. Đồng thời phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý xe quá tải.

Cùng với đó, Bộ GTVT tiếp tục tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa và dự thảo Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung thi công các công trình trọng điểm

Tại buổi giao ban, báo cáo về công tác chuẩn bị đầu tư, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cho biết đã phê duyệt chủ trương đầu tư 56/66 dự án (gồm: 04/04 dự án quan trọng quốc gia ; 05/10 dự án nhóm A  và 47/52 dự án nhóm B, C); phê duyệt dự án đầu tư 27/56 dự án; đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư 10 dự án (gồm: 05 dự án nhóm A  và 05 dự án nhóm B, C ). Đã hoàn thành báo cáo  Ban Cán sự đảng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 17/8/2008 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam.

Về công tác quản lý tiến độ, chất lượng các công trình, dự án đang triển khai, đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, khối lượng xây lắp đến hết ngày 05/8/2022 đạt khoảng 26.908/57.075 tỷ đồng, tương đương 47,1% giá trị hợp đồng, đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành GPMB. Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đã hoàn thành tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ ; đã phê duyệt toàn bộ 12/12 dự án thành phần và hoàn thành bàn giao toàn bộ các mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương; đang tập trung hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán và các thủ tục liên quan để khởi công toàn bộ dự án trước 31/12/2022. Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan tham mưu thuộc Bộ triển khai thực hiện và ban hành hướng dẫn  triển khai cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội, UBND các tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Dự án, thành lập Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo, dự kiến đơn vị thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, triển khai đồng thời một số nhiệm vụ liên quan đến công tác GPMB .

“Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng chủ trì họp hàng tuần và kiểm tra hiện trường để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các dự án. Bộ trưởng đã chủ trì làm việc với các bộ, ngành địa phương liên quan về phương án đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, phương án đầu tư tuyến đường đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng HKQT Long Thành”, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu triển khai tổ chức bộ máy của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ, ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc Bộ theo Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

Nỗ lực, tập trung hoàn thành nhiệm vụ

Chỉ đạo kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, thời gian của năm 2022 không còn nhiều, các cơ quan, đơn vị phải tập trung hơn nữa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ năm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo quyết liệt lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu phải tập trung vào công tác xây dựng thể chế, bởi theo Bộ trưởng, đây chính là khâu đột phá không cần đầu tư về tài chính nhưng mang lại hiệu quả cao mà chỉ cần tập trung, nỗ lực đúng mức là có thể làm được.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi Giao ban

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhanh chóng tham mưu và triển khai Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT. Đặc biệt, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu triển khai tổ chức bộ máy của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ, ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc Bộ.

Đối với các dự án đang triển khai, Bộ trưởng chỉ rõ, nhiều dự án của Ngành GTVT là Dự án trọng điểm quốc gia nên không thể lơ là. Đã hết tháng 8/2022, thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng công việc rất lớn. Do đó, các cơ quan đơn vị phải đặc biệt tập trung. Riêng đối với các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông cần được quan tâm đặc biệt. Tại buổi giao ban sáng nay, Bộ trưởng giao rõ thời gian hoàn thành hồ sơ thủ tục cũng như công tác GPMB để tháng 12/2022 khởi công được một số dự án.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ, công tác đảm bảo TTATGT là rất quan trọng. Các chỉ tiêu về ATGT đều tăng so với cùng kỳ do đó, Ủy ban ATGT QG và Vụ ATGT phải có ngay các văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực đồng thời có các biện pháp mạnh để cùng các địa phương kiểm soát tình trạng ngay trong Tháng 9 này. Vụ Vận tải tiếp tục theo dõi, bám sát, tham mưu kịp thời các giải pháp tổ chức vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với các bộ, ngành theo dõi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Vụ An toàn giao thông theo dõi, tham mưu kịp thời các giải pháp bảo đảm TTATGT, nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 02/9. Tổng cục ĐBVN, các Cục Quản lý chuyên ngành phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông; xử lý kịp thời ùn tắc giao thông tại các cảng hàng không, sân bay, bến xe, các đầu mối giao thông.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phối hợp với các cơ quan liên quan của Văn phòng Chính phủ để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai các bước tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư để sớm khởi công 12/12 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào cuối năm 2022; hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT, các địa phương và các cơ quan có liên quan triển khai các dự án, dự án thành phần đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đặc biệt là 04 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành năm 2022 và các dự án trọng điểm như: Dự án CHK Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…


Tác giả: H.L