Ngành GTVT với những “mũi nhọn” đột phá toàn diện

31/05/2021

Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận thức sâu sắc trách nhiệm đối với ngành GTVT là phát huy truyền thống đi trước mở đường, đoàn kết, năng động, sáng tạo. Toàn Đảng bộ Bộ quyết tâm phấn đấu phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.


Đường vành đai 3 thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. 

Củng cố nền tảng cho phát triển bền vững

Trước những thời cơ và thách thức của giai đoạn hiện nay, ngành GTVT xác định tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững. Xác định rõ phương hướng này, Đảng ủy Bộ GTVT khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị; xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp, đồng thời định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm hiệu quả và có chất lượng cao.

Đối với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch ngành GTVT, tiếp tục rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT. Hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua. Xây dựng trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết.

Cùng với đó là tổng kết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Giao thông Đường thủy nội địa Việt Nam để xem xét, nghiên cứu, đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật Trình Chính phủ tổ chức tổng kết 05 năm triển khai thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Đường sắt. Tiếp tục cải cách hành chính và cắt giảm các thủ tục hành chính trong các văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Hoàn thành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển 05 chuyên ngành GTVT, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển GTVT, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm. Nâng cao chất lượng các văn bản để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành GTVT và đời sống nhân dân.

Phát triển hạ tầng hiện đại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp giảm 1/2 thời gian lưu thông của các phương tiện cơ giới. 

Nổi bật trong các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), lãnh đạo Đảng ủy Bộ GTVT cho biết sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó tái cơ cấu đầu tư công kết hợp huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phải trong xây dựng hệ thống KCHTGT. Từng bước tạo chuyển biến rõ rệt trong việc phân bố, thu hút nguồn vốn đầu tư vào các chuyên ngành giao thông. Tổ chức bảo trì tốt KCHTGT hoặc xây dựng mới.

Để khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách phát triển KCHTGT cần đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển KCHTGT, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng việc các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn vào việc huy động các nguồn lực phát triển KCHTGT. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền. Lựa chọn một số dự án thí điểm đầu tư KCHTGT có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhằm đầu tư phát triển KCHTGT đồng bộ, cần chú trọng đầu tư hoàn thành 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện và triển khai đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam còn lại, tuyến đường bộ cao tốc quan trọng khác trong mạng lưới cao tốc. Mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.697 km đường cao tốc; cải tạo, nâng cấp khoảng 3.000 km đường quốc lộ. Tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa hạ tầng đường bộ; từng bước xóa ngầm, tràn, điểm đen về tai nạn giao thông; xây dựng, vận hành khai thác có hiệu quả các trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS). Tập trung cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai.

Cùng với đó là cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và đầu tư giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Nâng cấp, xây dựng các cảng hàng không khác theo quy hoạch và nhu cầu vận tải: Chu Lai, Cam Ranh, Phú Quốc, Phan Thiết, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Điện Biên, Cần Thơ,…

Tạo môi trường vận tải cạnh tranh lành mạnh

Đảng bộ Bộ GTVT cũng chú trọng tới việc hoàn thiện và đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tài nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tạo môi trường vận tải cạnh tranh lành mạnh. Ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của cách mạng khoa học công nghệ vào dịch vụ vận tải, logistics. Chất lượng dịch vụ vận tải logistics được nâng cao, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế chính sách về vận tải, logistics để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao. Ưu tiên nguồn lực phát triển KCHTGT theo chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt; ưu tiên xây dựng mới các công trình quan trọng tạo bước phát triển đột phải cho vận tải, các công trình có vai trò kết nối các phương thức vận tải. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu tài cơ cấu vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kinh doanh vận tải. Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức. Phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng làm nền tảng.

Củng cố “nội lực” toàn diện

Phối cảnh bến đỗ số 3 cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). 

Nổi bật trong những nhiệm vụ chính trị sẽ được Đảng bộ Bộ GTVT chú trọng trong giai đoạn hiện nay là triển khai các giải pháp đồng bộ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tiếp tục thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông hàng năm tối thiểu 5%. Đồng thời tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trong điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của Bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và năng lực thực thi công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành GTVT trong giai đoạn mới;…

Ngoài ra, Đảng bộ Bộ GTVT cũng tập trung triển khai hiệu quả "Đề án Ứng dụng khoa học công nghệ ngành GTVT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng biến đổi khí hậu trong GTVT. Xây dựng và hoàn thành kế hoạch khoa học công nghệ hàng năm giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý và quản trị doanh nghiệp. Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực GTVT theo cam kết quốc tế. Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường. Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh trong GTVT giai đoạn 2021 – 2025.

Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đăng kiểm và tải trọng phương tiện; tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc chấp hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phi, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực./.

Tác giả: KC