Lãnh đạo các đơn vị cần có chuyển biến tư duy mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin

10/08/2021

Sáng 10/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025. Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; đại diện lãnh đạo các Vụ, lãnh đạo Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Chiến lược và phát triển GTVT; lãnh đạo các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp

Nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử

Theo ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), chuyển đổi số giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xây dựng các hệ thống CNTT thay đổi phương thức, lề lối làm việc;  Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp; Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ hoạt động quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua các cơ quan đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển CPĐT đã đạt được những kết quả tích cực, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kiến trúc CPĐT Bộ GTVT, phiên bản 2.0; Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến hết tháng 7/2021, Bộ đã hoàn thành xây dựng 108/112 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và đang thực hiện tiếp 4 nhiệm vụ còn lại.

Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết, hạ tầng CNTT tại Bộ do Trung tâm CNTT quản lý, vận hành, được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ TTTT ban hành. Các hệ thống CNTT tại Bộ kết nối với Chính phủ, bộ/ngành, địa phương thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ, vì vậy được đảm bảo an toàn thông tin.

Từ năm 2019, Trung tâm đã triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng và phòng chống mã độc, kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia của Bộ TTTT. Tại các Tổng cục/Cục hạ tầng CNTT, các hệ thống CNTT kết nối với nhau và kết nối với Bộ thông qua internet.

Về ứng dụng nội bộ, Bộ đã hoàn thành kết nối các phần mềm quản lý văn bản của 52/52 đơn vị thuộc Bộ với Trục văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; đã có 45/52 đơn vị thuộc Bộ sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc, hồ sơ trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của các đơn vị thuộc Bộ năm 2020 đạt tỷ lệ 100%.

Bộ GTVT cũng đã hoàn thành chuẩn hoá biểu mẫu và cung cấp 85/133 báo cáo trực tuyến (đạt tỷ lệ 64%) trên Hệ thống thông tin báo cáo, thống kê Bộ GTVT, đáp ứng chỉ tiêu ít nhất 30% biểu mẫu báo cáo được thực hiện trực tuyến theo yêu cầu Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ họp trực tuyến của Bộ GTVT đã kết nối với các phòng họp trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trong ngành, phục vụ công tác họp, điều hành của Lãnh đạo Bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện trên 900 cuộc họp trực tuyến, trong đó hơn 70% cuộc họp với đơn vị trực thuộc Bộ. 

Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Thanh Tùng báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025

Đối với các hệ thống CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, theo lãnh đạo Trung tâm CNTT, Hệ thống CNTT của Bộ GTVT tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với 875 dịch vụ công trực tuyến. Hàng năm, hệ thống tiếp nhận và giải quyết hơn 3406 nghìn hồ sơ trực tuyến với hơn 20 nghìn doanh nghiệp tham gia sử dụng (Bộ GTVT là một trong hai Bộ có số lượng thủ tục tích hợp, số lượng hồ sơ nộp nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia). Nhiều nhóm thủ tục (như đăng kiểm, hàng hải) gần như được thực hiện theo phương thức trực tuyến, không còn hồ sơ giấy.

Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến GTVT cung cấp 167 dịch vụ (gồm 55 dịch vụ mức độ 3, 112 dịch vụ mức độ 4). Trung bình mỗi năm tiếp nhận và giải quyết gần 400 nghìn hồ sơ trực tuyến với gần 150 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Theo kế hoạch được Bộ phê duyệt, dự kiến trong 6 tháng cuối năm, các cơ quan, đơn vị sẽ nâng cấp 143 dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4, hoàn thành Kế hoạch triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT.

Hệ thống thông tin Một cửa điện tử Bộ GTVT cũng đã được xây dựng, đưa vào sử dụng tại 07 bộ phận một cửa của các đơn vị thuộc Bộ, cung cấp đến người dân và doanh nghiệp thông tin đầy đủ quá trình giải quyết hồ sơ đối với 313/313 thủ tục hành chính. Trung bình hàng năm có 47 nghìn hồ sơ thực hiện qua hệ thống.

Về xây dựng CSDL nền tảng dùng chung, Bộ GTVT đã hoàn thành CSDL Giấy phép lái xe, quản lý 58,7 triệu GPLX (trong đó GPLX mô tô: 48,7 triệu, GPLX ô tô: 10 triệu); thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với 63 Sở GTVT; cơ bản hoàn thành CSDL tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, dự kiến chính thức công bố, đưa vào sử dụng trong năm 2021; đã hoàn thành xây dựng CSDL, tàu biển, CSDL thuyền viên; hoàn thành kết nối với CSDL đăng kiểm tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam và CSDL nền tảng của bộ để hình thành CSDL dùng chung 


Về ứng dụng CNTT chuyên ngành các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai nhiều ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước của đơn vị như: hệ thống giám sát hành trình xe ô tô, quản lý cầu đường bộ, giám sát thu phí, giám sát tải trọng, quản lý đào tạo, sát hạch… tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Hệ thống thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS), Hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa tàu biển (LRIT), Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), Hệ thống quản lý hàng hải tàu biển (VTS)… tại Cục Hàng hải Việt Nam; Phần mềm quản lý các chuyến bay chuyên cơ, tích thiết bị ghi tham số bay và thiết bị ghi âm buồng lái, Phần mềm CSDL an ninh hàng không, Phần mềm CASORT quản lý thông tin về máy bay… tại Cục Hàng không Việt Nam; Hệ thống quản lý đăng kiểm tàu biển, Hệ thống quản lý đăng kiểm tàu sông, Hệ thống quản lý phương tiện đường sắt, Hệ thống quản lý kiểm định xe cơ giới, Hệ thống quản lý kiểm tra xe máy chuyên dùng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, lãnh đạo Trung tâm CNTT cũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Đó là, nhận thức về xây dựng CPĐT, chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ phận; một số đơn vị chưa quan tâm, chú trọng dẫn tới triển khai còn chậm. Thông tin cần quản lý được số hoá ở tỷ lệ thấp; lưu trữ và khai thác vẫn chủ yếu qua hồ sơ giấy. Chưa hình thành đầy đủ các CSDL phục vụ công tác quản  lý, điều hành dựa trên dữ liệu số, nhất là các CSDL nền tảng dùng chung, quan trọng của ngành, gồm: kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Mô hình  tổ  chức  đơn vị  chuyên  trách CNTT  chưa  thống nhất,  nhân  lực CNTT  của  các Tổng  cục/Cục  còn  yếu  và  thiếu dẫn  tới việc  tham mưu  triển khai CNTT còn hạn chế. Ngân sách bố trí cho CNTT chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ được giao.

Về nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025, ông Lê Thanh Tùng cho rằng chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, do vậy cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình trên cơ sở Chương trình Chuyển đổi số của Bộ. Đồng thời, linh hoạt trong cách làm, tận dụng tối đa dữ liệu được hình thành từ các đơn vị trong ngành, cũng như huy động sử dụng nguồn lực xã hội cho công tác chuyển đổi số. Song song với đó, các đơn vị cũng cần bảo đảm an toàn, an ninh mạng để chuyển đổi số thành công, bền vững. 

Tại cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã nghe báo cáo công tác ứng dụng CNTT, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại các đơn vị. Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo việc bố trí vốn cho hoạt động CNTT cho các đơn vị thuộc Bộ. 

Ứng dụng CNTT là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo đơn vị

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn có hạn, lãnh đạo các đơn vị cần xác định rõ phần mềm gì, nhiệm vụ nào phải ưu tiên làm trước. Nhiệm vụ đó, phần mềm đó phục vụ gì cho hoạt động QLNN của đơn vị, các CSDL phải được cập nhật, kết hợp với các nguồn dữ liệu từ các đơn vị khác, từ các doanh nghiệp mà Cục quản lý. Nhất trí với quan điểm của Trung tâm CNTT, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị tăng cường nhận thức về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, tổ chức họp thường kỳ về ứng dụng phát triển CNTT tại đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phải sử dụng các nguồn lực một cách linh hoạt, chủ động, làm đến đâu chắc đến đó. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng cuộc họp đã cho thấy bức tranh về ứng dụng CNTT trong ngành GTVT.  Qua đó cho thấy một số đơn vị chưa quan tâm nhiều đến ứng dụng CNTT trong QLNN, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Điều đó thể hiện tư duy của lãnh đạo các đơn vị chưa nhìn xa, chưa quyết tâm trong thực hiện các nhiệm vụ này. Điều này sẽ dẫn đến tụt hậu ngày càng lớn của ngành GTVT trong ứng dụng CNTT. 

Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm CNTT theo dõi, hàng tháng báo cáo tại các kỳ giao ban Bộ đánh giá phân nhóm mức độ hoàn thành nhiệm vụ CNTT của lãnh đạo các đơn vị để Bộ trưởng và Ban Cán sự đảng xem xét, xem đây như một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của lãnh đạo đơn vị.

Để đảm bảo các CSDL luôn được cập nhật phục vụ tốt công tác QLNN của Bộ và các cục chuyên ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Trung tâm CNTT, Vụ Pháp chế tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành quy định về xây dựng và cập nhật các CSDL. Bên cạnh đó, các Tổng cục, Cục cần tổ chức các cuộc họp chuyên đề xác định rõ các CSDL, phần mềm cần thiết phục vụ công tác QLNN của đơn vị.

Trung tâm CNTT nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về mô hình tổ chức, việc bố trí nguồn nhân lực CNTT tại các Tổng cục, Cục đảm bảo thực hiện yêu cầu của nhiệm vụ.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu lãnh đạo các đơn vị kiểm tra, tổng hợp nhu cầu đầu tư báo cáo Bộ để kiểm tra, thẩm định, điều hòa nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, các Cục cần quan tâm tăng cường nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4. Trung tâm CNTT phải thường xuyên giám sát vấn đề này.  

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, Bộ sẽ kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo các đơn vị trong ứng dụng CNTT và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử một cách nghiêm túc. "Hàng tháng Giám đốc TTCNTT Lê Thanh Tùng phải giới thiệu cho tôi một, hai đơn vị yếu kém để tôi xem xét. Cuối năm, dứt khoát tôi sẽ chấm điểm như giải ngân, việc này cũng vậy, đơn vị nào ở những nhóm thấp thì xem như là không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc hoàn thành nhiệm vụ mức thấp", Bộ trưởng yêu cầu.


Tác giả: DT