Ảnh minh họa
Bộ GTVT vừa ban hành Văn bản số 557/TB-BGTVT "Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến về xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành GTVT"
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT; bước đầu đã hình thành một số cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành như tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu của ngành GTVT trên các hệ thống riêng lẻ, chưa được kết nối thành CSDL dùng chung để khai thác, chia sẻ phục vụ mục tiêu quản lý chỉ đạo, điều hành các hoạt động của ngành GTVT.
Để hình thành được các bộ CSDL dùng chung ngành GTVT và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ GTVT giai đoạn 2021- 2025, Bộ trưởng yêu cầu :
Trung tâm CNTT khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành GTVT và Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử Bộ GTVT năm 2022, trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành trước 31/12/2021. Phối hợp với Văn phòng Bộ, các Vụ tham mưu, Tổng cục, các Cục nghiên cứu xây dựng các văn bản quy định về cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác các CSDL của Bộ, các dữ liệu phải đảm bảo có tính pháp lý đầy đủ, chính xác và được cập nhật thường xuyên để kịp thời chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, địa phương khác và cung cấp cho xã hội. Theo dõi, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của các đơn vị thuộc Bộ; tổng hợp, báo cáo Bộ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần thiết có đề xuất để lãnh đạo Bộ chủ trì họp để giải quyết tháo gỡ.
Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục trực thuộc Bộ căn cứ Kế hoạch của Bộ để xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết tại đơn vị mình với từng nhiệm vụ cụ thể, bao gồm nguồn lực, thời gian và đầu mối thực hiện; trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung, phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành của Cục và của Bộ. Lưu ý trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, tham khảo, học tập mô hình từ các nước trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng có hiệu quả vào điều kiện thực tế lĩnh vực chuyên ngành mình quản lý.