Bộ trưởng nhấn mạnh, GTVT phải thông suốt, khi có bất cứ sự cố gì phải tập trung giải quyết kịp thời, đảm bảo không để xảy ra điểm ùn ứ ở bất kỳ địa phương nào.
Áp dụng đồng thời nhiều giải pháp đảm bảo hoạt động hiệu quả của Luồng xanh
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đánh giá cao việc các cơ quan chức năng đã khắc phục nhanh chóng 2 điểm ùn tắc tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ (ngày 19/7) và tại chốt cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (ngày 20/7).
“Chúng ta thiết kế Luồng xanh quốc gia và luồng xanh địa phương kết nối với Luồng xanh quốc gia để tạo thuận lợi cho vận tải liên tỉnh đi, đến và ngang qua các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã xảy ra khá nhiều vấn đề bất cập, thiếu đồng bộ, thống nhất”, Bộ trưởng nhận xét. Vì vậy, yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN cần có văn bản giải thích rõ về thế nào là luồng xanh quốc gia và luồng xanh địa phương, tiêu chí cấp logo, thẻ nhận diện phương tiện, mã QR để các địa phương, các cơ quan chức năng khi triển khai thực hiện đúng, tạo điều kiện thuận tiện cho các doanh nghiệp phương tiện vận tải khi lưu thông.
Về văn bản góp ý gửi Bộ Y tế, Bộ trưởng giao Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng gửi văn bản cho các sở GTVT góp ý trước khi làm việc với Bộ Y tế để điều chỉnh Công văn 5753/BYT-MT một cách rõ ràng, hợp lý, thuận lợi khi áp dụng, triển khai. Đồng thời Ủy ban ATGT Quốc gia cũng phải tham gia giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, cần ban hành văn bản hướng dẫn các tỉnh thực hiện. Nhằm hỗ trợ các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 trong công tác xét nghiệm cho lái và phụ xe đã đang ký tham gia Luồng xanh, Cục Y tế cần khẩn trương xúc tiến việc cử cán bộ hỗ trợ công tác xét nghiệm cho các tỉnh thành.
“Đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông, trách nhiệm chính là của các Sở GTVT. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, các Sở GTVT phải có biện pháp điều chỉnh kịp thời”, Bộ trưởng khẳng định. Các đơn vị, địa phương cần tận dụng triệt để sử dụng nhóm thông tin kết nối toàn quốc cho hợp lý hiệu quả. Khi có thông tin, vấn đề, sự cố cần thông báo lên nhóm thật nhanh chóng để kịp thời xử lý.
Theo Bộ trưởng, muốn tránh được tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát thì công tác tiền kiểm-hậu kiểm tại các điểm đi/đến của phương tiện giữa vai trò quan trọng. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN và các địa phương phải nghiêm túc thực hiện công tác tiền kiểm hậu kiểm, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dịch vụ vận chuyển hành khách giảm mạnh nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lại tăng cao, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh. "Việc tận dụng tuyến luồng, cảng, bến, phương tiện đường thủy nội địa hiện có để sử dụng vận chuyển hàng hóa thiết yếu sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội. Do đó, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn khác khi có nhu cầu", Bộ trưởng nhận xét về việc tàu cao tốc chở hàng thiết yếu vào tâm điểm TP, Hồ Chí Minh mới đây.
Đối với việc dừng thu phí tại các BOT phải áp dụng ngay nhưng để đảm bảo quyền lợi kinh tế cho các nhà đầu tư BOT, cần xây dựng phương án cộng ngày thêm ngày thu phí cho nhà đầu tư sau khi hết dịch.
Nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, khi 19 tỉnh hết áp dụng Chỉ thị 16, nhu cầu giao thông chắc chắn sẽ tăng cao, nguy cơ ùn tắc là khó tránh khỏi, vì vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương mà cụ thể là các Sở GTVT cần chủ động xây dựng phương án, kịch bản hướng dẫn nhân dân tham gia giao thông một cách có trật tự - Bộ trưởng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo hỗ trợ tạo điều kiện cho nhân dân đang sinh sống tại các tỉnh có nhu cầu được hồi hương. Tuy nhiên, UBND các tỉnh cần lập danh sách cụ thể, có văn bản chấp thuận tiếp nhận gửi Bộ GTVT, và những địa phương có người dân đang cư trú để phối hợp chặt chẽ trong phương thức vận chuyển và kiểm soát chặt chẽ sau khi di chuyển.
“GTVT là phải thông suốt, có bất cứ sự cố gì phải tập trung giải quyết kịp thời, đảm bảo không để xảy ra bất cứ điểm ùn ứ ở bất kỳ địa phương nào”, Bộ trưởng nhấn mạnh trước khi kết thúc cuộc họp.
Phó Tổng Cục trưởng Phan Thị Thu Hiền báo cáo với Bộ trưởng tại Tổng Cục ĐBVN
Ngành Đường bộ dồn toàn lực, phối hợp với các ngành, địa phương đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt
Trước đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền đã báo cáo với Bộ trưởng về việc phối hợp phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt 24/24h, hạn chế mức thấp nhất tình trạng ùn tắc hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Trong hai ngày 20, 21/7/2021 Tổng cục đã tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT khẩn trương nghiên cứu lập phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông tại địa phương mình và quá cảnh qua các tỉnh, thành phố trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 có áp dụng Chỉ thị 16.
Về tình hình cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh: Theo báo cáo của các Sở GTVT, tính đến 12h ngày 20/7/2021 đã cấp được 2.667 xe. Luỹ kế đến nay đã cấp được 41.868 xe. Theo thống kê trên hệ thống của Tổng cục ĐBVN, tính đến 15h ngày 21/7/2021 đã cấp được 2.845 xe. Luỹ kế đến nay đã cấp được 3.408 xe/50 địa phương.
Đặc biệt, trong ngày 20/7/2021, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức kiểm tra tại các Chốt Phù Đổng, Chốt Pháp Vân- Cầu Giẽ; tham gia đoàn của Uỷ ban ATGTQG kiểm tra tại Chốt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi có thông tin về việc ùn tắc giao thông tại các địa điểm này. Đồng thời, Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản số 5063/TCĐBVN-VT gửi UBND TP Hà Nội và TP Hải Phòng về việc đề nghị phối hợp giải quyết và phòng ngừa ùn tắc giao thông tại các khu vực cửa ngõ ra vào Hà Nội và Hải Phòng.
Tổng cục ĐBVN đã đề nghị UBND TP Hà Nội và TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan báo chí tại địa phương và Trung ương tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang điện tử của Tỉnh, các cơ quan liên quan về các văn bản thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn thành phố, các phương án về phân luồng giao thông, luồng ưu tiên cho vận tải hàng hóa, thông tin về quy trình, trình tự, kiểm tra phương tiện và người lái xe tại các chốt kiểm soát, vị trí xét nghiệm…. để cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nắm rõ quy định của địa phương và từ đó có kế hoạch đi vào, ra, đi qua thành phố tránh ùn tắc, ùn ứ tại các chốt kiểm soát gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Đồng thời, chỉ đạo tổ kiểm soát liên ngành bố trí thêm một luồng riêng hoặc có phương án thuận lợi để phục vụ cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, người lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa được lưu thông nhanh nhất. Đặc biệt đối với các phương tiện đã được cấp thẻ nhận diện đề nghị ưu tiên cho phép lưu thông và chỉ kiểm tra xác suất hoặc hậu kiểm đối với các trường hợp này…
Riêng trong ngày 21/7/2021, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã chủ trì cuộc họp giải quyết nội dung Văn bản 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế; cũng trong ngày 21/7/2021, Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản 5094/TCĐBVN-VT gửi UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp triển khai nội dung Văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm và tạo điều kiện cho người vận chuyển hàng hóa tại 63 địa điểm trạm dừng nghỉ. Ngoài các địa điểm nêu trên, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động lựa chọn các vị trí phù hợp khác trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế.
Tổng cục ĐBVN cũng đã có Văn bản số 5093/TCĐBVN-VT về hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản số 5097/TCĐBVN-VT gửi Bộ TTTT và Cục Tin học hóa– Bộ TTTT để phối hợp trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, đề nghị Cục Tin học hóa chủ trì, phối hợp để thực hiện các nội dung gồm: Xây dựng hệ thống kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị Giám sát hành trình của Tổng cục ĐBVN để khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ công tác quản lý, truy vết khi có yêu cầu; Cung cấp API kết nối dữ liệu về kết quả xét nghiệm, tiêm phòng Covid-19 của lái xe và người đi cùng để kết nối với hệ thống cấp thẻ nhận diện cho phương tiện của Tổng cục ĐBVN; Cung cấp API để tạo QRCode (theo chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông) để sử dụng trên hệ thống cấp thẻ nhận diện của Tổng cục ĐBVN.
Để trách việc ùn tắc tại các trạm thu phí cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu tạm dừng và miễn giảm phí tại các Trạm thu phí BOT.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại Văn phòng Bộ GTVT phía Nam
Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa tháp tùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số tỉnh phía Nam cho biết, nhìn chung hoạt động vận tải tại 19 tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 không có vấn đề lớn, hàng hóa vận chuyển thông suốt, lưu lượng xe thấp. Tuy nhiên, công tác tham mưu của các Sở GTVT với các địa phương chưa thực sự tốt nên vẫn có sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc tổ chức giao thông vận tải phục vụ công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng báo cáo Bộ trưởng cần nhắc nhở các cảng biển lớn (điểm đến của nhiều phương tiện) cần thực hiện chặt chẽ công tác phòng chống dịch (tiền kiểm-hậu kiểm), tránh việc có ca dương tính phải phong tỏa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế địa phương.
Theo Thứ trưởng cần có phương án đảm bảo giao thông, vận chuyển hàng hóa cho từng địa phương sau khi hết áp dụng Chỉ thị 16.
Đặc biệt, các địa phương cần có “dự lệnh”, thông báo trước cho các doanh nghiệp, phương tiện vận tải và người dân về phương án kiểm tra lập chốt kiểm tra, như vậy sẽ tránh được việc ùn tắc tại các chốt mới lập.
Sở GTVT Hải Phòng báo cáo Bộ trưởng về tình hình thực hiện của Hải Phòng
Các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh đều báo cáo đã và đang triển khai việc cấp thẻ nhận diện phươngtiện, logo, mã QR và tổ chức xét nghiệm Covid cho những người tham gia vận chuyển trong Luồng xanh theo đúng hướng dẫn của Tổng Cục Đường bộ VN. Trong quá trình triển khai khi có sự cố phát sinh đều khẩn trương giải quyết, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.