Trụ sở Cục ĐKVN tại số 18 Phạm Hùng, TP. Hà Nội.
Ra đời từ năm 1964, hơn nửa thế kỷ đi qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện sứ mệnh đảm bảo an toàn sinh mạng con người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường thông qua hoạt động đăng kiểm phương tiện đường thủy, đường bộ, đường sắt, công trình biển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ tổ quốc. Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Đăng kiểm, trao tặng cho Cục và nhiều đơn vị, cá nhân trong Ngành những phần thưởng cao quý. Thành tựu này là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức ngành Đăng kiểm.
Qua quá trình 57 năm xây dựng và phát triển ngành Đăng kiểm, Cục ĐKVN đã 6 lần thay đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong các năm 1992, 1997, 2003, 2008, 2013, 2017. Nhờ liên tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được trong các giai đoạn phát triển và không ngừng phấn đấu nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Cục ở trong nước và quốc tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhiều lần được Chính phủ, Bộ GTVT bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới. Các lĩnh vực đăng kiểm được mở rộng, bao gồm các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và công trình biển.
Nhìn lại chặng đường đã qua, những ngày đầu cơ quan đăng kiểm còn nhỏ bé, có 4 phòng chức năng với biên chế 23 người, trong đó 17 người là cán bộ kỹ thuật, đến nay Cục ĐKVN đã xây dựng được nguồn nhân lực hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức đăng kiểm và đào tạo nghiệp vụ cho hàng nghìn cán bộ kỹ thuật làm công tác đăng kiểm của các sở GTVT và doanh nghiệp. Mạng lưới hoạt động đăng kiểm của Cục được mở rộng, bao gồm 24 Chi cục Đăng kiểm, 16 trung tâm thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy; đồng thời thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với 30 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, trên 230 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới với gần 450 dây chuyền kiểm định thuộc các sở GTVT và doanh nghiệp.
Tiếp bước những thành quả của các thế hệ cán bộ đăng kiểm đi trước, trong giai đoạn đất nước đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, ngành Đăng kiểm đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động đăng kiểm ngày càng được được các cơ quan quản lý nhà nước, người dân đánh giá đúng những giá trị mà ngành Đăng kiểm coi là kim chỉ nam xuyên suốt với phương châm hoạt động: vì mục đích đảm bảo an toàn sinh mạng con người, phương tiện, tài sản và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Với những cố gắng rất lớn của cán bộ, công nhân viên, hoạt động đăng kiểm đã minh bạch hơn, tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ; chủ phương tiện chấp hành tốt hơn quy định pháp luật về đăng kiểm.
Tuy vậy, trước những đòi hỏi thực tế, ngành Đăng kiểm cần liên tục cố gắng và đổi mới để theo kịp sự phát triển chung của đất nước, hòa nhập quốc tế. Muốn vậy, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, rút ra bài học cần thiết để thay đổi thực sự từ suy nghĩ đến những hành động cụ thể. Cần tiếp tục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân và trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ, tôn trọng pháp luật và nguyên tắc kỹ thuật. Thủ trưởng các đơn vị cần thường xuyên tổ chức những đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn thể cán bộ, công nhân viên để nâng cao nhận thức, từ đó sẽ có những chuyển biến tích cực.
Với truyền thống ngành Đăng kiểm 57 năm, với những tấm gương về sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp của nhiều thế hệ đăng kiểm; với lòng tự trọng và sự cầu thị của lớp cán bộ kỹ thuật trẻ được trang bị hành trang vào đời bằng những kiến thức mới và sự kế thừa của lớp người đi trước; với sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, công nhân viên chức ngành Đăng kiểm trong cả nước, hoạt động đăng kiểm tiếp tục đổi mới mới, minh bạch hơn, thuận tiện hơn, an toàn hơn, chất lượng hơn, đáp ứng mong mỏi của Đảng, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.