45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐĂNG KIỂM

22/04/2009

Ngày 25 tháng 4 năm nay Đăng kiểm Việt Nam đã đi qua một chặng đường vừa tròn 45 năm xây dựng và phát triển.

Xuất phát từ những đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tính năng an toàn kỹ thuật các loại tàu thuyền và phương tiện sử dụng nồi hơi, bình chịu áp lực, năm 1964 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ra Quyết định số 345/QĐ thành lập Ty Đăng kiểm. Đó là sự khởi đầu, là dấu mốc thời gian quan trọng để tạo dựng nên ngành Đăng kiểm của đất nước.

XÂY DỰNG NGÀNH ĐĂNG KIỂM GẮN VỚI NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ VÀ PHÙ HỢP VỚI TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Giai đoạn 1964-1975: Hình thành và ổn định tổ chức Ty Đăng kiểm trong thời chiến phục vụ công cuộc xây dựng đất nước ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.
Ty Đăng kiểm ra đời năm 1964, đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và tăng cường chiến tranh ở miền Nam. Lực lượng cán bộ đăng kiểm dù còn nhỏ bé, nhưng phải thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn kỹ thuật cho phương tiện đường thủy, đường sắt ở địa bàn rộng từ Quảng Ninh, vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Khu 4 cũ. Hoạt động đăng kiểm không hề bị gián đoạn mà luôn luôn có những bước mở rộng, trưởng thành.
Thời kỳ đầu, Ty Đăng kiểm có 4 chi nhánh đóng tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh. Gần 12.000 phương tiện thủy đã được kiểm tra kỹ thuật, trong đó có tàu biển hơi nước 1.000 tấn đóng tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, các đầu kéo 225 mã lực, sà lan do nước ngoài viện trợ. Những công trình được ứng dụng trong giai đoạn này như tàu phá thủy lôi, thuyền xi măng lưới thép, cần cẩu... đều có sự đóng góp của đăng kiểm.

2. Giai đoạn 1975-1979: Mở rộng và thống nhất hoạt động đăng kiểm trong cả nước
Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, mở ra một thời kỳ mới . Một số cán bộ của Ty Đăng kiểm được cử vào tiếp quản công tác đăng kiểm của chính quyền cũ, thành lập Ty Đăng kiểm miền Nam và sau một năm sáp nhập vào Ty Đăng kiểm. Từ thời điểm đó, hoạt động đăng kiểm được chỉ đạo thực hiện thống nhất trong cả nước. Ty Đăng kiểm mở thêm các chi nhánh Đà Nẵng, T.P Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

3. Giai đoạn 1979-1989: Nâng cao vị thế trong nước, chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm; tiếp cận hội nhập quốc tế và nâng cao nghiệp vụ đăng kiểm
Từ năm 1975, tàu biển Việt Nam đã tới các cảng của Trung Quốc, Nhật Bản. Hoạt động kiểm tra phân cấp và hệ thống hồ sơ, giấy chứng nhận không chỉ cần phù hợp với các tàu chạy tuyến nội địa mà còn phải đáp ứng cả với các tàu chạy tuyến quốc tế.
Ngày 19-7-1979, Chính phủ đã có quyết định chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tháng 1-1980, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định 84QĐ/TC ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cục. Đó là những quyết định có ý nghĩa rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để Đăng kiểm Việt Nam bước sang một giai đoạn mới.
Tháng 6-1981 Việt Nam gia nhập Hiệp định Liên chính phủ giữa các nước thành viên Hội đồng Tương trợ Kinh tế và Đăng kiểm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm các nước Xã hội chủ nghĩa.
Năm 1984, Việt Nam gia nhập Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Đăng kiểm Việt Nam được giao nhiệm vụ đảm nhận vai trò thường trực Văn phòng IMO Việt Nam. Cục Đăng kiểm đã phối hợp với IMO mở các cuộc hội thảo về công ước quốc tế cho chủ tàu. Một số tàu viễn dương đã được Đăng kiểm Việt Nam cấp các giấy chứng nhận theo công ước quốc tế. Đó là những bài học quan trọng đầu tiên cho hoạt động giám sát kỹ thuật, phân cấp đội tàu hoạt động tuyến quốc tế sau này.

4. Giai đoạn từ năm 1990 đến nay: Mở rộng lĩnh vực đăng kiểm, xây dựng mạng lưới đăng kiểm rộng khắp cả nước, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ
Trong giai đoạn đất nước đổi mới, nhu cầu vận tải tăng cao, phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt tăng nhanh. Việc quản lý an toàn phương tiện vận tải trở nên phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường sự quản lý của nhà nước. Chính phủ, Bộ GTVT đã giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam một số nhiệm vụ mới, mở rộng công tác đăng kiểm trong các lĩnh vực: Công trình biển, Sản phẩm công nghiệp năm 1990; Kiểm định xe cơ giới từ 1-8-1995; Kiểm tra, chứng nhận chất lượng thiết bị và phương tiện xe cơ giới từ năm 1996; Giám sát kỹ thuật phương tiện đường sắt từ tháng 7-2003.
Tháng 9-1995, hơn 60 trạm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đi vào hoạt động đã mở rộng phạm vi quản lý của đăng kiểm. Đến nay Hệ thống tổ chức của Cục Đăng kiểm đã có 20 phòng, trung tâm chuyên môn nghiệp vụ giúp việc Cục trưởng, 19 chi cục đăng kiểm phương tiện thủy, 5 chi cục đăng kiểm thuỷ bộ và 13 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trực thuộc Cục. Mạng lưới kiểm định xe cơ giới của cả nước, kể cả của các sở GTVT, GTCC và tư nhân, có 93 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới với 155 dây chuyền kiểm định.
Từ những năm 1990, Cục đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho khối văn phòng Cục và các đơn vị. Các trung tâm đăng kiểm trong toàn Ngành từng bước được trang bị thiết bị kiểm tra cơ giới hóa, bổ sung và thay thế bằng các thiết bị tiên tiến. Đăng kiểm viên tàu biển, đặc biệt là đối với tàu biển đóng mới, tàu chạy tuyến quốc tế, được trang bị các thiết bị kiểm tra hiện đại. Các phần mềm tin học được ứng dụng trong công tác quản lý, xét duyệt thiết kế, tài chính kế toán v.v…

NHỮNG THÀNH QUẢ NỔI BẬT

1. Xác lập vị thế pháp lý cao của hoạt động đăng kiểm
Để thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn phương tiện giao thông vận tải, công trình dầu khí biển, Nhà nước đã tạo cho Đăng kiểm Việt Nam những cơ sở pháp lý rõ ràng, đó là các điều khoản liên quan tới công tác đăng kiểm được khẳng định trong các luật: Bộ luật Hàng hải, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng hàng hoá v.v… Cùng với các quyết định của Chính phủ, của Bộ GTVT, các văn bản pháp lý quan trọng này giúp Đăng kiểm Việt Nam thực hiện các hoạt động đăng kiểm thuận lợi, mang tính pháp lý cao không chỉ đối với các đối tượng tham gia đăng kiểm ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài.

2. Xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn pháp chế kỹ thuật
Trong quá trình phát triển, Ngành Đăng kiểm rất chú trọng đến công tác biên soạn tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, làm hành lang pháp lý cho hoạt động đăng kiểm. Năm 1970 Đăng kiểm Việt Nam đã có bộ quy phạm đầu tiên đóng tàu biển, tàu sông được biên soạn trên cơ sở các quy phạm của Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc. Năm 1997, Cục Đăng kiểm xây dựng được bộ quy phạm phân cấp và đóng tàu biển bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, không chỉ được dùng ở trong nước mà còn được các chủ tàu nước ngoài, các tổ chức đăng kiểm quốc tế sử dụng. Hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm của Đăng kiểm Việt Nam được biên soạn tương đương với hệ thống quy phạm của Hiệp hội Đăng kiểm Quốc tế, của CITA, Liên minh châu Âu, Nhật Bản. Các tiêu chuẩn, quy phạm thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn này không chỉ được dùng trong hoạt động đăng kiểm mà còn được các cơ quan thiết kế, nhà máy chế tạo, trường đại học, cao đẳng sử dụng. Hiện nay Đăng kiểm Việt Nam có hệ thống hơn 200 quy phạm, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật.

3. Đào tạo nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn, nghiệp vụ đăng kiểm trong các lĩnh vực
Đăng kiểm là ngành cần phải sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu, đòi hỏi phải có khả năng làm việc độc lập, cần mẫn, trung thực, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Yếu tố con người luôn luôn được coi trọng, bởi vậy các thế hệ lãnh đạo ngành Đăng kiểm đều chú trọng tới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đăng kiểm viên và nhân viên phục vụ. Đến nay Đăng kiểm Việt Nam đã có đội ngũ trên 80 tiến sĩ và thạc sĩ chuyên ngành, 846 cử nhân, kỹ sư chyên ngành, trong đó có hơn 100 đăng kiểm viên đã được đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm ở nước ngoài. Đăng kiểm viên là những người trực tiếp thực hiện các công việc kiểm tra, giám sát kỹ thuật phương tiện được đào tạo nghiệp vụ liên tục và có hệ thống; hiện đã có 754 đăng kiểm viên/đánh giá viên (18 đăng kiểm viên đa năng hạng I, 93 đăng kiểm viên hạng I, 286 đăng kiểm viên hạng II, 357 đăng kiểm viên hạng III). Nhiều đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng, thông thạo tiếng Anh có khả năng giám sát kỹ thuật các phương tiện hiện đại, các dự án đóng mới tàu thuỷ lớn mang tầm cỡ quốc tế như tàu hàng 53.000 tấn, tàu dầu 105.000 tấn, kho chứa dầu 150.000 tấn, giàn khoan biển, v.v... Đăng kiểm Việt Nam đã đào tạo được lực lượng đăng kiểm viên có khả năng xuất khẩu tại chỗ cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài, hiện đang làm việc cho các tổ chức đăng kiểm Mỹ, Nauy, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v..., được đánh giá cao về khả năng làm việc.

4. Đầu tư thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra phương tiện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm
Bằng nguồn thu tích lũy được hàng năm và được Nhà nước cho phép, trong hơn 10 năm gần đây Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho toàn Ngành nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động nghiệp vụ. Cơ sở vật chất kỹ thuật toàn Ngành đã có sự phát triển đáng kể. Đăng kiểm viên đi kiểm tra tàu biển đều được trang bị các công cụ cần thiết như máy tính xách tay, máy ảnh, máy đo tôn, dò khuyết tật mối hàn bằng siêu âm.
Cục Đăng kiểm đã đầu tư xây dựng Trung tâm Thử nghiệm phương tiện cơ giới đường bộ với nhiều thiết bị hiện đại như máy chụp X quang, thiết bị kiểm tra đặc tính cơ, lý, hóa vật liệu, phụ tùng. Đặc biệt, Cục đang khẩn trương xây dựng Trung tâm Kiểm tra khí xả phương tiện xe cơ giới với các thiết bị hiện đại của châu Âu bằng nguồn vốn ODA của Áo.
Hiện nay, hệ thống các Trung tâm Đăng kiểm trong cả nước đã trang bị 155 dây chuyền kiểm định có khả năng tự động hóa cao so với các nước trong khu vực. Nhờ đó đã nâng cao độ chính xác của thiết bị kiểm định và phòng ngừa, hạn chế hiện tượng tiêu cực của đăng kiểm viên muốn can thiệp làm sai lệch kết quả. Hệ thống thiết bị kiểm định thường xuyên được bổ sung, nâng cấp để theo kịp sự phát triển của khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn và chất lượng phương tiện.
Cục Đăng kiểm Việt Nam được Bộ GTVT đánh giá là cơ quan quản lý nhà nước sớm đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động đăng kiểm. Cục đã xây dựng và đưa vào khai thác các phần mềm quản lý dữ liệu phương tiện xe cơ giới, tàu biển, tàu sông; phần mềm đánh giá thiết kế tàu biển, phần mềm đánh giá thiết kế giàn thép cố định, phần mềm SHIDESCA và các phần mềm khác trong công tác xét duyệt thiết kế; xây dựng và cập nhật trang WEB giúp chủ phương tiện, đăng kiểm viên kịp thời tiếp nhận thông tin, thông báo kỹ thuật.
Năm 2003, Cục Đăng kiểm đã đầu tư xây dựng được trụ sở mới khang trang, tiện nghi, tạo môi trường làm việc tốt cho cán bộ công nhân viên. Trụ sở các đơn vị trong toàn ngành được từng bước sửa chữa hoặc xây dựng mới rộng hơn, khang trang hơn; điển hình là Trung tâm Điều hành Đăng kiểm miền Trung, Chi cục Đăng kiểm số 10 v.v...

5. Thiết lập và mở rộng quan hệ quốc tế
Hoạt động đăng kiểm mang tính quốc tế rất cao, trên thực tế đã hình thành các hiệp hội đăng kiểm quốc tế (IACS, OTHK), bởi vậy hoạt động hợp tác quốc tế luôn được Đăng kiểm Việt Nam củng cố và mở rộng. Đến nay, Đăng kiểm Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với 22 tổ chức đăng kiểm nước ngoài, trong đó có những tổ chức hàng đầu thế giới như Đăng kiểm Anh, Đăng kiểm Mỹ, Đăng kiểm Nauy, Đăng kiểm Pháp, Đăng kiểm Nhật, Đăng kiểm Hàn Quốc, v.v.
Đăng kiểm Việt Nam còn được 9 quốc gia như: Chính phủ Việt Nam, Panama, Bolovia, Belize, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Campuchia, Hondurras, Lào, Mongolia, v.v… ủy quyền trong việc kiểm tra cấp chứng chỉ cho tàu thuyền treo cờ của các quốc gia đó. Đăng kiểm Việt Nam đã làm tốt vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Đăng kiểm OTHK, đồng thời có quan hệ tốt với Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm châu Á.
Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò của Thường trực Văn phòng IMO Việt Nam, Phó Tổng thư ký Ủy ban IMO Việt Nam; năm 2004 đã tổ chức tốt Hội nghị thường niên của Hiệp hội OTHK tại Hà Nội.
Đăng kiểm Việt Nam là thành viên của Tổ chức Kiểm định Ôtô Quốc tế; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch nhóm tư vấn Á-Úc của CITA; năm 2006 đã tổ chức thành công kỳ họp toàn thể lần thứ 12 của CITA tại Hà Nội.
Với việc thường xuyên củng cố và mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, trong những năm qua Đăng kiểm Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác giám sát kỹ thuật, kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm ôtô, xe máy, sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là công tác đào tạo đăng kiểm viên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

6. Xây dựng và áp dụng thành công Hệ thống ISO
Tháng 4-2000, Hệ thống quản lý chất lượng của Đăng kiểm Việt Nam được BVQI đánh giá và cấp chứng chỉ ISO 9001 và Cục Đăng kiểm là một trong những cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ về Hệ thống quản lý chất lượng. Đó là thước đo nói lên trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nề nếp, tác phong làm việc và cách thức tổ chức điều hành của toàn Ngành.

7. Kết quả hoạt động nghiệp vụ đăng kiểm
Kết quả của hoạt động đăng kiểm trong 45 năm qua là rất lớn. Có thể tóm lược những thành tựu chung theo 2 tiêu chí về an toàn và môi trường là:

- An toàn phương tiện
Trong suốt 45 năm qua, dù với hoàn cảnh nào, tuỳ thuộc vào từng thời kỳ phát triển của đất nước và sự phát triển của các ngành cơ khí đóng tàu, ôtô, xe máy, phương tiện đường sắt, vận tải thuỷ và thăm dò khai thác dầu khí, Đăng kiểm Việt Nam luôn luôn là người gác cửa trung thành của Nhà nước về an toàn kỹ thuật phương tiện. Cũng vì vậy hiệu quả của ngành giao thông vận tải, khai thác dầu khí mang lại cho đất nước có đóng góp một phần không nhỏ của ngành Đăng kiểm. Với những hoạt động tích cực của ngành Đăng kiểm, phương tiện giao thông, công trình biển ngày càng có chất lượng tốt hơn, an toàn hơn. Chúng ta đã triển khai thực hiện tốt công tác kiểm định xe cơ giới nói chung, Nghị định 36/CP, Nghị định 92 về xe khách, Nghị định 23 về xe tải, Nghị định 86/CP về chất lượng hàng hóa, Nghị quyết 32 nói riêng đã giúp tỷ lệ tai nạn do lỗi kỹ thuật giảm xuống dưới 1% (trước năm 1995 từ 5 đến 7%).
Chất lượng tàu đóng mới ngày càng tốt hơn tuy chưa đồng đều. Đăng kiểm Việt Nam đã độc lập duyệt thiết kế và giám sát đóng mới những con tàu có trọng tải lớn; cùng với đăng kiểm nước ngoài giám sát các tàu biển hiện đại có khả năng xuất khẩu cho các chủ tàu nước ngoài. Chúng ta đã thực hiện triển khai tốt Nghị định 40/CP về trật tự an toàn giao thông thuỷ nội địa, giúp cho quản lý nhà nước về an toàn phương tiện thuỷ nội địa ngày càng chặt chẽ.
Bằng những hoạt động thực tế mà ngành Đăng kiểm mang lại hiệu quả cho xã hội, trong suốt những năm qua chúng ta đã xây dựng được ý thức xã hội về sự cần thiết của một ngành Đăng kiểm. Người dân đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của nhà nước, của luật pháp quốc tế về đăng kiểm, cũng chính vì thế mà góp phần nâng cao an toàn phương tiện, giữ gìn tài sản và tính mạng của họ.

- Bảo vệ môi trường
Đối với phương tiện xe cơ giới, Đăng kiểm Việt Nam tham gia trong việc xây dựng Quyết định 249 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải và đang áp dụng trong công tác kiểm tra, kiểm định phương tiện, mang lại hiệu quả rất lớn về bảo vệ môi trường. Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng đề án về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy lưu hành để Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt, khi dự án được thực hiện sẽ làm giảm mạnh ô nhiễm do khí phát thải từ các phương tiện cơ giới đường bộ. Đăng kiểm Việt Nam cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện đề án loại bỏ xăng pha chì năm 2000.
Về lĩnh vực tàu thủy, công trình biển, Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai các quy phạm và công ước quốc tế về ô nhiễm do tàu, giàn khoan gây ra bởi dầu, rác thải, khí xả từ máy tàu, nước thải, nước dằn, sơn chống hà, v.v.
Ngoài hoạt động kiểm tra, giám sát phương tiện, Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp tích cực với các cơ quan trong nước, nước ngoài tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về ô nhiễm, giúp các chủ phương tiện, doạnh nghiệp nhận thức tốt hơn về trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường. Với sự đóng góp của ngành Đăng kiểm, các phương tiện giao thông cơ giới, tàu thuỷ, giàn khoan đang dần được thay đổi về chất để đạt được các tiêu chuẩn mới theo hướng thân thiện với môi trường.

PHƯƠNG HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Để tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt hơn nữa chức trách và nhiệm vụ được Nhà nước giao, toàn ngành Đăng kiểm quyết tâm phấn đấu thực hiện các công tác trọng tâm sau:

1. Hoàn thiện thể chế và pháp chế kỹ thuật.
Thể chế và pháp chế kĩ thuật là tiền đề, là điều kiện cơ bản nhất để Đăng kiểm hoàn thành nhiệm vụ. Hoạt động Đăng kiểm đã được Luật hoá ở mức độ cao nhất trong các bộ luật của Nhà nước. Tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh hơn việc biên soạn và trình duyệt hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình theo hướng hệ thống hoá, đồng bộ hoá, chuẩn hoá và quốc tế hoá.

2. Đào tạo xây dựng đội ngũ.
Yếu tố con người luôn được coi coi trọng hàng đầu. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đào tạo bổ sung nâng cao, đào tạo lại đăng kiểm viên chưa đủ khả năng làm việc theo quy định của các hạng đăng kiểm viên ở tất cả các lĩnh vực. Việc đào tạo thực hiện theo từng modun, tăng cường đào tạo thực tế tại hiện trường, để sau khi đào tạo đăng kiểm viên có khả năng làm việc ngay. Ngoài ra cần mở rộng và tạo mọi điều kiện để gửi Đăng kiểm viên đi tu nghiệp, nâng cao trình độ ở nước ngoài.
Quan tâm thoả đáng tới đời sống, mức sống của CBCNV. Đồng thời phải chú trọng bồi dưỡng và đãi ngộ thoả đáng người có tài, có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng việc tạo dựng nền nếp phong cách làm việc chính quy; giữ nghiêm kỷ cương kỷ luật. Thực thi nhiều biện pháp phối kết hợp như giáo dục, động viên, đi đôi với kiểm tra, kiểm soát nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.

3. Kiện toàn tổ chức, Ứng dụng KHCN và đầu tư cơ sở vật chất.
Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục củng cố và kiện toàn mô hình tổ chức của toàn Cục; tăng cường và bổ sung lực lượng cho những lĩnh vực mới cần được triển khai như kiểm soát ô nhiễm môi trường, đăng kiểm phương tiện đường sắt cao tốc.
Định hướng việc đầu tư cơ sở vật chất trong thời gian tới là ứng dụng các công nghệ, kĩ thuật mới, các kĩ thuật đo, chẩn đoán và thử nghiệm áp dụng vào nghiệp vụ Đăng kiểm. Trong thời gian tới, Cục cần xây dựng hoàn chỉnh dự án xây dựng Trung tâm Kiểm soát ô nhiễm môi trường. Xúc tiến chuẩn bị các thủ tục và nguồn vốn triển khai xây dựng Trung tâm Tthử nghiệm phương tiện cơ giới đường bộ. Tập trung đầu tư thiết bị kiểm tra, thử nghiệm để đẩy mạnh lĩnh vực chứng nhận sản phẩm công nghiệp.
Cần tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mua, đặt hàng xây dựng các phần mềm để nhanh chóng ứng dụng trong các lĩnh vực quản lý, kiểm định xe cơ giới, quản lý, duyệt thiết kế tàu biển, công trình biển.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế.
Hợp tác quốc tế là đặc thù của hoạt động Đăng kiểm. Điều đó càng trở nên hết sức bức thiết, đứng trước tiến trình mở cửa và hội nhập của đất nước. Vì vậy, Đăng kiểm Việt Nam càng phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác Quốc tế của mình. Tiếp tục duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác với các tổ chức đăng kiểm nước ngoài, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Tổ chức Quốc tế về Kiểm định Xe cơ giới (CITA) và Hiệp hội các Tổ chức đăng kiểm châu Á (ACS).

KẾT LUẬN

45 năm qua, với quyết tâm phấn đấu, Đăng kiểm Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng và trưởng thành. Nhờ có những thành tích trong thực thi nhiệm vụ được giao, Cục Đăng kiểm đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1994; Huân chương Lao động hạng Hai, năm 1999 và Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2004 do Chủ Tịch nước trao tặng.
Có được những thành quả trên đây trước hết là nhờ sự lao động bền bỉ chuyên cần, thông minh sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong toàn Cục Đăng kiểm Việt Nam; nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Chính phủ, của Bộ GTVT, các Bộ ngành hữu quan; sự hợp tác và giúp đỡ của lãnh đạo các địa phương và nhân dân cả nước; đặc biệt là của các đối tác, các doanh nghiệp mà trước hết là Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VN, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Ôtô Việt Nam, Tập Dầu khí Việt Nam...; nhờ sự hợp tác giúp đỡ của các Hiệp hội Đăng kiểm như OTHK, IACS, CITA; của các Tổ chức Đăng kiểm Quốc tế; cũng như của Chính phủ nhiều nước đã tin cậy uỷ quyền.
Cục Đăng kiểm Việt Nam xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT, các Bộ, Ngành hữu quan, lãnh đạo và nhân dân các địa phương cũng như các đồng chí, đồng nghiệp và các Tổ chức Đăng kiểm Quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Ngành, Cục Đăng kiểm Việt Nam xin có lời cám ơn, lời chào mừng và thăm hỏi ân tình nhất, gửi tới tất cả các thế hệ cán bộ công nhân viên chức toàn ngành, tới gia đình và người thân của các đồng nghiệp đã khuất. Cán bộ công nhân viên chức Ngành Đăng kiểm dù ở cương vị nào cũng nguyện luôn luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; trau dồi và giữ gìn phẩm chất; phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp công sức của mình để tiếp tục xây dựng ngành Đăng kiểm ngày càng phát triển.

Tác giả: Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN