Xe điện, xe plug-in hybrid: Tương lai và giải pháp tình thế

08/08/2022

Cuối năm 2010, Hãng General Motors (GM - Mỹ) đã giành vị thế từ thành công của Toyota với chiếc plug-in hybrid (ô tô vừa chạy xăng vừa có thể cắm sạc điện) mang tên Volt - có thể chạy quãng đường ngắn bằng điện và chạy bằng động cơ xăng cho những chuyến đi dài. Sau đó, ô tô dùng điện hoàn toàn của các hãng Tesla, Nissan được người tiêu dùng chú ý.

Sạc điện cho ô tô tại một trạm ở châu Âu

Châu Âu trái ngược với Mỹ và Trung Quốc

Tại Mỹ, doanh số bán ô tô plug-in hybrid đang tăng cao, một phần do giá xăng tăng mạnh gần đây. Giới phân tích cho biết, các nhà sản xuất ô tô đã bán đạt kỷ lục 176.000 chiếc plug-in hybrid năm 2021, tăng từ 69.000 chiếc vào năm 2020. Năm 2022, dự báo doanh số bán ô tô plug-in hybrid có thể đạt 180.000 chiếc. Ô tô chạy hoàn toàn bằng điện chiếm khoảng 5% thị phần tổng số các loại xe mới bán ra năm 2021. Nhưng trước mắt, ô tô plug-in hybrid vẫn chiếm khoảng 7% và con số đó có thể tăng lên trong ít nhất một vài năm nữa.

Các nhà sản xuất ô tô đang phải vật lộn để tăng cường sản xuất xe điện vì nguồn cung pin không đủ đáp ứng. Do đó, giá trung bình của một ô tô điện mới hiện nay còn khá đắt (66.000USD). Điều đó tạo ra cơ hội cho các ô tô plug-in hybrid. Do ô tô plug-in hybrid có pin nhỏ hơn xe chạy hoàn toàn bằng điện nên có giá cả phải chăng hơn. Những chiếc xe plug-in hybrid cũng hấp dẫn vì không phải cắm điện trong nhiều giờ để sạc đầy, thay vào đó nếu đi xa có thể linh hoạt chuyển qua sử dụng xăng, loại bỏ nỗi lo về vấn đề khiến nhiều người không muốn mua xe điện. Các mẫu xe plug-in hybrid đang thu hút khách là Toyota RAV4 Prime, Jeep Wrangler 4xe, BMW 330e và Hyundai SantaFe. 

Trái ngược với Mỹ, tại châu Âu, doanh số bán hàng gần đây của xe plug-in hybrid có xu hướng giảm và xe chạy hoàn toàn bằng điện có xu hướng tăng. Theo trang web Automotive News, trong tháng 6-2022, doanh số bán hàng xe plug-in hybrid giảm 28% ở Pháp và 16% ở Đức. Thị phần ô tô chạy bằng điện hoàn toàn ở châu Âu năm 2021 là 9,1% tổng số các loại xe mới bán ra, con số này của xe plug-in hybrid là 8,9%. Các cơ quan quản lý châu Âu đã cân nhắc việc kết thúc sớm kỷ nguyên xe plug-in hybrid để chuyển trọng tâm sang xe chạy hoàn toàn bằng điện. Châu Âu hiện có một mạng lưới các trạm sạc tiên tiến, có nghĩa là người lái xe ít có khả năng cần phải dự phòng thêm chức năng chạy bằng xăng. Hơn nữa, các quy định về khí thải CO2 đối với phương tiện giao thông của châu Âu sẽ được siết chặt từ năm 2025. Vì vậy, ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô chuẩn bị nền tảng chạy điện cho các mẫu xe mới.

Tại châu Á, doanh số bán hàng xe plug-in hybrid ở Trung Quốc tăng hơn gấp đôi vào năm 2021, dẫn đầu là chiếc BYD (của Xiaomi) và Li Auto. Trung Quốc có nhiều căn hộ cao tầng, vì thế sạc điện cho xe tại nhà còn hạn chế, nhưng chính phủ nước này đang nỗ lực rất lớn để xây dựng các trạm sạc điện công cộng và giúp giữ cho thị trường ô tô chạy điện mở rộng nhanh chóng. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã lên kế hoạch loại bỏ trợ giá xe plug-in hybrid bắt đầu từ năm 2023 và những thành phố khác có thể làm theo.

Chính phủ các nước châu Âu cắt giảm trợ cấp mua ô tô plug-in hybrid nhanh hơn so với các mẫu xe chạy điện

Tương lai xe plug-in hybrid

Karl Brauer, Giám đốc điều hành nghiên cứu của iSeeCars.com, một công ty nghiên cứu xe, cho rằng một số nhà sản xuất xe, bao gồm GM, đã quá nhanh chóng gạt xe plug-in hybrid sang một bên và chỉ tập trung vào các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện. Họ có thể hối hận về quyết định đó khi hiện nay chuỗi cung ứng pin của xe chạy hoàn toàn bằng điện đang gặp khó. Ông Brauer và nhiều người khác cũng lưu ý rằng, nhiều người mua xe chưa sẵn sàng mua xe điện. 

Một cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu tiêu dùng J.D. Power (Mỹ) cho thấy, một trong những lý do lớn nhất để không mua một chiếc xe điện là thiếu các trạm sạc công cộng. Việc sạc một chiếc xe điện tại các trạm công cộng nhanh nhất cũng mất khoảng 30-60 phút, hoặc sạc qua đêm tại nhà là điều bất tiện mà nhiều người không muốn.

Theo Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT), mức tiêu thụ nhiên liệu thực của xe plug-in hybrid cao hơn 2,5-5 lần so với những gì được ước tính theo quy trình thử nghiệm chính thức trong phòng thí nghiệm. Khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành là một phần lý do khiến chính phủ các nước châu Âu cắt giảm trợ cấp mua ô tô plug-in hybrid nhanh hơn so với các mẫu xe chạy điện. Ví dụ, Vương quốc Anh đã loại bỏ trợ cấp mua xe plug-in hybrid vào năm 2018, trong khi Đức tuyên bố sẽ ngừng trợ cấp trong năm 2022. 

Những người chỉ trích ô tô plug-in hybrid cho rằng, một số chủ sở hữu xe này có thể không bao giờ hoặc hiếm khi dùng chức năng điện mà chỉ sử dụng như một chiếc xe chạy xăng thông thường. Theo ICCT, một số xe plug-in hybrid chỉ có thể đi được khoảng 32km bằng điện và phải chuyển qua chế độ chạy xăng. Các kỹ sư và nhà phân tích nhận thấy sự phức tạp không cần thiết trong việc kết hợp hai dạng động cơ trong một phương tiện để đạt được những lợi ích nhỏ nhoi như vậy. Ông Tim Grewe, Giám đốc điện khí của GM, nói rằng khi các phương tiện chạy điện được cải thiện và cơ sở hạ tầng sạc mở rộng, xe plug-in hybrid sẽ trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất ô tô, như Toyota, Mercedes-Benz, Porsche và Jaguar Land Rover, tiếp tục giới thiệu các mẫu xe plug-in hybrid mới. Các công ty này cho rằng có thể mất một thập kỷ hoặc hơn nữa trước khi ô tô điện có giá cả phải chăng và đủ tiện lợi cho hầu hết mọi người.

Đến giữa năm 2022, đã có hơn 20 triệu ô tô điện lăn bánh trên toàn cầu. Theo Tập đoàn dịch vụ tài chính Mỹ S&P Global, thị trường ô tô điện dự kiến sẽ tăng lên 32 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm 2030. Na Uy có tỷ lệ ô tô điện bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, và cũng có thị phần bán ô tô điện mới lớn nhất thế giới với 86,2% vào năm 2021. Hà Lan có mật độ trạm sạc ô tô điện cao nhất trên thế giới. Tính đến tháng 6-2022, Trung Quốc có lượng ô tô chở khách chạy điện trên đường cao tốc lớn nhất thế giới với 10 triệu chiếc, chiếm 46% đội xe khách chạy điện toàn cầu đang được sử dụng.


Tác giả: Khánh Minh