Điều này có nguy cơ khiến hoạt động sản xuất ô tô tại Đức trở nên ảm đạm trong suốt mùa Đông này. Ngày càng có nhiều nhà cung cấp kêu gọi ngành công nghiệp ô tô Đức thương lượng lại các hợp đồng, bao gồm các điều khoản về năng lượng để họ có thể trang trải chi phí cho các hóa đơn tăng cao.
Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như BMW, Volkswagen và Mercedes-Benz đều cho biết nguồn cung cấp năng lượng của chính họ đã được đảm bảo, nhưng nếu mạng lưới nhà cung cấp của họ không thể “sống sót”, dây chuyền sản xuất của họ có thể bị ngừng hoạt động.
Tại Hội nghị các nhà cung cấp ở Wolfsburg tuần này, ông Geng Wu, người phụ trách bộ phận mua phụ tùng của Volkswagen cho biết: “Nếu chúng tôi không thể chế tạo một chiếc xe vì thiếu một bộ phận, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả”.
Đối mặt với việc giá năng lượng tăng gấp 10 lần và chỉ có hai tuần để cam kết hợp đồng năng lượng có hiệu lực vào ngày 1/1, Kron Solingen, nhà sản xuất kim loại và nhựa đúc, cung cấp cho các ngành công nghiệp ô tô và điện tử, đang cố gắng đàm phán lại hợp đồng năng lượng.
Trong khi đó, Volkswagen cho biết họ đang đàm phán chặt chẽ với các nhà cung cấp về các giải pháp hạn chế chi phí năng lượng, nhưng không chia sẻ chi tiết. Người phát ngôn của Volkswagen cho biết: “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là duy trì hoạt động sản xuất và tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh”.
Chính phủ Đức hiện vẫn chưa thực hiện gói cứu trợ theo kế hoạch dành cho các doanh nghiệp nhỏ đang đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt. Ủy ban chuyên gia của Đức chịu trách nhiệm lên kế hoạch để giảm bớt tác động của tình trạng giá khí đốt tiêu dùng tăng vọt đang ủng hộ cơ chế thanh toán một lần trong năm nay và giảm giá từ tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau.
Theo dự thảo kế hoạch, ủy ban trên ủng hộ việc Chính phủ cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp thanh toán một lần tương đương với hóa đơn khí đốt của một tháng trong năm nay. Hiện ủy ban đang tiếp tục thảo luận về cơ chế riêng đối với những khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn trong lĩnh vực công nghiệp.
Mặc dù các hợp đồng trong chuỗi cung ứng ô tô ở Đức thường bao gồm các điều khoản điều chỉnh giá cả theo chi phí nguyên liệu thô, các điều khoản về năng lượng ít phổ biến hơn, bởi chúng phức tạp trong việc tính toán và yêu cầu các nhà cung cấp chia sẻ chi tiết về lợi nhuận, quy trình sản xuất và hợp đồng năng lượng của họ.
Các nhà sản xuất ô tô và các nhà cung cấp phụ tùng chính của họ đang phải “vật lộn” với chi phí năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu chất bán dẫn, nhưng phần lớn trong số họ đã có thể thiết lập các mục tiêu tài chính bằng cách chuyển chi phí cho khách hàng thông qua việc tăng giá bán sản phẩm./.