Mẫu ô tô điện ID.Buggy của hãng Volkswagen được giới thiệu tại triển lãm ô tô quốc tế Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/3/2019.
Nhật báo Les Echos dẫn đánh giá của chuyên gia kinh tế Đức Matthias Schmidt cho biết nếu như năm 2020 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ô tô điện ở châu Âu, thì năm 2021 được coi là năm đột phá của loại xe chạy bằng pin này. Tuy nhiên đến năm 2022 thì mức tăng trưởng sẽ không còn mạnh mẽ như vậy.
Theo ông Matthias Schmidt, trong năm 2021, khoảng 1,2 triệu ô tô điện và 1 triệu xe hybrid (xe hỗn hợp chạy bằng cả xăng và điện) đã được tiêu thụ ở thị trường Tây Âu, tăng khoảng 64% so với năm 2020 - năm đã ghi nhận mức tăng 144% so với năm 2019.
Cũng trong năm 2021, ô tô điện mang lại 11,2% doanh số bán hàng tại 18 thị trường Tây Âu, tăng so với tỷ lệ 6,7% của năm 2020. Nếu tính cả hai dòng xe điện và xe hỗn hợp thì doanh số bán xe mới tăng lên đến 20,9% ở châu Âu vào năm ngoái.
Một trong những lý do khiến xe điện bán chạy là do nguồn cung ngày càng phong phú và doanh số bán hàng cũng được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp hào phóng của nhà nước ở một số thị trường - giúp bù đắp chi phí bổ sung vẫn còn cao của ô tô điện so với các loại xe tương đương.
Na Uy là nơi tỷ lệ xe điện thâm nhập thị trường đạt 65% vào năm 2021 nhờ sự hỗ trợ lớn của nhà nước, tiếp theo là Đức (13,6%), Vương quốc Anh (11,6%) và Pháp (9,8%).
Quốc gia duy nhất có doanh số bán xe điện giảm là Hà Lan (-12,5%). Tuy nhiên, chuyên gia Matthias Schmidt giải thích rằng: “Việc sắp tới bãi bỏ các ưu đãi thuế khiến cho các công ty thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước này từ những năm trước đó. Còn các cá nhân thì đang nấn ná chờ đợi sự ra đời của một khoản trợ cấp mới vào đầu năm 2022”. Mặc dù vậy, tỷ lệ thâm nhập xe điện ở thị trường Ha Lan vẫn được duy trì ở mức gần 20% trong năm 2021.
Dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay
Năm 2022 xe điện sẽ tăng trưởng chậm do chi phí tăng cao.
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia kinh tế Matthias Schmidt, năm 2022 sẽ khó có thể chứng kiến được sự bùng nổ xe điện với tốc độ như năm qua. Thậm chí, tăng trưởng của thị trường này có thể chậm lại do chi phí tăng cao và cơ sở hạ tầng sạc không đủ.
Bên cạnh đó, các năm 2020-2021 là thời gian mà nhiều ngành kinh tế, trong đó có công nghiệp ô tô, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc tăng trưởng của dòng xe điện không phải là điển hình.
Công ty LMC Automotive ước tính doanh số bán ô tô mới của châu Âu đã giảm xuống còn 10,6 triệu chiếc so với mức 14,3 triệu chiếc trong giai đoạn 2017-2019. Điều này khiến nhu cầu xe điện tăng cao hơn vào năm ngoái. "Bình thường, nếu không có dịch thì thị trường xe chạy pin này cũng chỉ tăng ở mức 8,4%", theo tính toán của ông Matthias Schmidt.
Trong hai năm qua, dịch bệnh đã dẫn đến sự thiếu hụt chất bán dẫn, làm tê liệt một số dây chuyền sản xuất ô tô và khiến thị trường bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, sự thiếu hụt chất bán dẫn đã khiến các nhà sản xuất phải ưu tiên phân bổ chip có sẵn cho các sản phẩm bán được giá nhất, thường là loại phương tiện lớn nhất và gây ô nhiễm nhất. Nhà phân tích Matthias Schmidt tiếp tục: “Do đó, họ phải bồi thường và đẩy mạnh việc sản xuất và bán xe chạy pin để tránh phải nộp phạt ở Brussels về lượng khí thải CO2".
Trên cơ sở phân tích xu hướng sắp tới, ông Matthias Schmidt tin rằng tăng trưởng xe điện sẽ chậm lại và thị trường sẽ trở lại bình thường trong nửa cuối năm, khi doanh số bán xe ô tô nhiệt ít gây ô nhiễm hồi phục trở lại.
Khi đó, thị phần của xe điện sẽ chỉ tăng lên 12,6% vào năm 2022, với doanh số dự kiến là 1,54 triệu chiếc vào năm 2022, tăng 29% so với năm 2021, một mức tăng trưởng không cao nhưng đủ khiến các nhà sản xuất hài lòng./.