Mỹ đang tụt hậu xa hơn so với Trung Quốc và Châu Âu về sản xuất xe điện

14/07/2021

Mỹ đứng sau Trung Quốc và châu Âu về sản xuất và tiêu thụ xe điện trong nước và khoảng cách đó đã mở rộng từ năm 2017 đến năm 2020.

Xe điện Tesla đang được sản xuất ở Trung Quốc.​

Nghiên cứu của  ICCT (International Council on Clean Transportation- tạm dịch Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch), thế giới đã sản xuất hơn 10 triệu xe chở khách chạy điện từ năm 2010 đến năm 2020. Vào cuối năm 2017, các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Hoa Kỳ đã sản xuất 20% số xe điện toàn cầu nhưng  đến năm 2020, con số này giảm còn 18%. Trong khi đó thị phần sản xuất tăng ở Trung Quốc và châu Âu.

Từ năm 2010 đến năm 2020, các nhà nghiên cứu nhận thấy, Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện lớn nhất về mặt địa lý và chiếm khoảng 44% sản lượng xe điện được sản xuất, với khoảng 4,6 triệu chiếc được sản xuất và bán ra trong mười năm qua.

Châu Âu sản xuất 25% xe điện toàn cầu từ năm 2010 đến năm 2020, sản xuất 2,6 triệu chiếc và bán ra 3,2 triệu chiếc. Thị trường tiêu thụ trong nước lớn là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất ở Trung Quốc và Châu Âu phát triển.

Xe điện, bao gồm xe hybrid và xe chạy pin thuần túy, chỉ chiếm 2,3% doanh số bán xe mới ở Mỹ vào năm 2020. Trong khi đó, 10% doanh số bán xe mới ở châu Âu là xe điện, con số này ở Trung Quốc là 6%.

Báo cáo của ICCT cho biết, chỉ có hai trong số 44 nhà máy lắp ráp xe ở Mỹ được dành riêng để sản xuất xe điện vào năm 2020. Đến năm 2025, con số này được tăng lên 7 bởi sự đầu tư chuyển đổi của GM, Tesla và Lucid Motors.

Các chính sách của chính phủ thúc đẩy xe điện đã tạo ra sự khác biệt. Tại châu Âu, các nhà sản xuất ô tô đã giới thiệu hàng chục mẫu xe điện mới và tăng đáng kể số lượng ô tô điện mà họ đang sản xuất hoặc dự định sản xuất, so với Mỹ trong những năm gần đây. Động thái này phần lớn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải phương tiện trong khu vực.

Còn ở Trung Quốc, cả “chính sách bên cầu và bên cung” đều giúp thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện nhiều hơn. Trung Quốc đã mở rộng nhiều chính sách khuyến khích người tiêu dùng và tăng cường các quy định hạn chế xe động cơ đốt trong, đồng thời giúp việc mua, đăng ký và lái xe điện trở nên dễ dàng hơn.

Trong khi đó, ở Mỹ không có nhiều chính sách thúc đẩy như vậy được đưa ra. Một kế hoạch cơ sở hạ tầng mới của lưỡng đảng ở Hoa Kỳ bao gồm 15 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng xe điện, xe buýt điện và phương tiện công cộng đang được thực hiện. Nhưng nhìn chung con số này khá nhỏ so với đề xuất chi 174 tỉ USD trước đó của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy thị trường xe điện trong nước.

Ủy ban Châu Âu cấm ôtô động cơ đốt từ năm 2035

Uy ban Chau Au cam oto dong co dot tu nam 2035

Mercedes-Benz là thương hiệu đầu tiên công bố rút ngắn tiến độ điện điện hóa toàn bộ sản phẩm xe của mình vào năm 2035.

Với kế hoạch mới, toàn bộ xe ôtô động cơ đốt trong sẽ bị cấm hoạt động tại thị trường châu Âu sớm 15 năm so với mục tiêu trước đó - cụ thể là từ năm 2035. Cách đây không lâu, Mercedes-Benz vừa công bố việc tăng tiến độ thực hiện kế hoạch xe ôtô điện của mình, có lẽ không tự nhiên mà thương hiệu xe Đức lại quyết định như vậy. Theo thông tin mới nhất, Liên minh Châu Âu EU cũng vừa đưa ra dự thảo về việc rút ngắn thời gian thực hiện kế hoạch điện hóa phương tiện tại châu lục này bằng việc cấm ôtô động cơ đốt trong. 

Cụ thể, Ủy ban Châu Âu EC đã trình lên dự thảo luật yêu cầu giảm khí thải cho các dòng xe du lịch và xe van mới xuống 65% vào năm 2030 và 100% vào năm 2035 so với thời điểm hiện tại. Tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn sẽ đi kèm với các điều luật mới yêu cầu chính phủ các quốc gia thuộc EU cần cải thiện cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe ôtô chạy điện.

Trước đó, Liên minh Châu Âu EU chưa từng đặt ra thời hạn cụ thể về việc ngừng hoạt động xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên với dự thảo mới này, các dòng xe ôtô sử dụng động cơ đốt trong sẽ hoàn toàn bị cấm từ năm 2035, sớm hơn 15 năm so với mục tiêu ngừng phương tiện xả thải trên toàn bộ Châu Âu từ năm 2050. 

Không phải vô tình mà EC đưa ra khung thời gian như trên, theo giới phân tích, thông thường mỗi chiếc xe sẽ có vòng đời 15 năm trước khi được thay thế bằng dòng xe mới, đồng nghĩa rằng, nếu kế hoạch được thông qua, đến năm 2050, phần lớn xe ôtô lưu hành tại Châu Âu sẽ không còn phát ra khí thải: bao gồm xe điện sử dụng pin hoặc xe điện sử dụng tế bào nhiên liệu. 

Như đã nêu ở trên, bên cạnh các tiêu chuẩn khí thải mới khắt khe, EU cũng sẽ đưa ra các yêu cầu với chính phủ các quốc gia trong khối nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng trạm sạc. Theo đó, dự luật mới này yêu cầu các nước cần lắp đặt trạm sạc với khoảng cách 60 km mỗi trạm trên các tuyến cao tốc chính. Các điểm nạp nhiên liệu hydro cũng sẽ được lắp đặt cách nhau 150 km.

Hiện tại, kế hoạch này vẫn đang là dự thảo và vẫn có thể thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, nhìn vào kế hoạch mới nhất từ các nhà sản xuất ô tô - các doanh nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các thay đổi này - có thể nói họ là những người có khả năng biết trước tương lai để thích ứng kịp thời. Vì vậy 2035 có thể là hạn chót để nhiều nhà sản xuất xe tiến hành điện hóa toàn bộ các dòng sản phẩm cũ lần mới của mình để chuẩn bị cho kỷ nguyên xe điện.

Tác giả: Đ. Sang-T. Nguyên