Việc một số tỉnh tại Trung Quốc phong tỏa khiến năng suất hoạt động của Toyota giảm sút nặng nề.
Dù trạng thái bình thường mới dần bắt đầu, cuộc đấu tranh với đại dịch Toyota vẫn chưa kết thúc. Nhà sản xuất ô tô gần đây đã thông báo giảm số lượng sản xuất trong tháng 6 do một số nơi tại Trung Quốc đang thực hiện giãn cách xã hội và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất trên toàn cầu và các nhà máy của nước này sản xuất nhiều loại linh kiện ô tô. Các đợt phong tỏa diện rộng của Trung Quốc gây nhiều tác động đối với những nhà sản xuất ô tô nổi tiếng trên thế giới.
Toyota đã thừa nhận họ đang gặp phải khó khăn lớn trong việc sản xuất và tuyên bố có thể cắt giảm tổng sản lượng xe trong năm nay dù con số này đang được dự kiến sẽ là 9,7 triệu xe. Đại diện thương hiệu Nhật Bản chia sẻ: "Rất khó để kiểm soát tình hình cung cấp phụ tùng hiện tại do tình trạng phong tỏa vẫn đang diễn ra ở Thượng Hải".
Bên cạnh đó, nhà máy của hãng xe này ở Nam Phi cũng bị hư hại do lũ lụt, thêm phần tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất. Toyota đã phát hành một công cụ để theo dõi ngày sản xuất và giao hàng cho khách hàng, nhưng với tình hình hiện tại thì người mua vẫn sẽ phải "sốt ruột" chờ đợi cho đến khi có thể nhận xe.
Toyota là một cái tên rất nổi tiếng trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, vì vậy thông báo mới đã khiến giới mộ điệu trên toàn cầu không khỏi thất vọng. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cho biết họ đã cắt giảm 50.000 xe so với sản lượng dự kiến trong tháng 6, hiện chỉ còn 800.000 xe. Việc giảm năng suất ảnh hưởng đến một số mẫu xe phổ biến nhất của hãng bao gồm 4Runner, Corolla, Prius và RAV4. Đặc biệt, Toyota đã phải trì hoãn việc tung ra mẫu xe điện bZ4X hoàn toàn mới trong khi một số cửa hàng chỉ được bán nó với giá cao ngất ngưởng.
Tình trạng thiếu phụ tùng khiến nhiều mẫu xe phổ biến của thương hiệu Nhật Bản bị cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, Toyota không phải là hãng duy nhất bị đại dịch tác động tiêu cực tới sản lượng và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Hiện nay, nhiều hãng ô tô đang loại bỏ các tính năng phổ biến trên xe để giải quyết vấn đề thiếu vi mạch. Một số đã quyết định giảm sản lượng dự kiến để thích ứng với tình hình hiện nay, khi chuỗi cung ứng linh kiện đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết.
Subaru đang ở trong tình trạng khan hiếm hàng đặc biệt và minh chứng cho điều đó là hãng đã cảnh báo các đại lý về việc "cháy" xe mới. Honda đã cắt giảm 20% sản lượng dự kiến tại hai cơ sở ở Mỹ. Ford đã có nhiều lần tạm dừng sản xuất một số mẫu xe và một số mẫu khác vẫn tạm thời đóng các cơ sở sản xuất trong suốt năm 2021 đến năm nay.
Với tình trạng này, thị trường xe ô tô Việt Nam trong thời gian tới có thể vẫn sẽ chịu cảnh hết hàng, đặc biệt là ở một số mẫu xe nhập khẩu. Đây cũng là cái cớ để một số đại lý vin vào rồi tăng giá chênh hoặc bắt buộc khách phải mua thêm nhiều gói trang bị thì mới chấp nhận giao hàng. Tuy nhiên hiện nay, dù có "cắn răng" trả thêm các khoản tiền kênh và nhiều trang bị không cần thiết, khách hàng cũng khó có thể sở hữu xe sớm như ý muốn.
Vì vậy, những ai đang có nhu cầu mua xe ô tô mới đang nằm trong diện hết hàng thì cần tìm hiểu kỹ thị trường, tuyệt đối không trả thêm khoản tiền chênh lệch ngoài hóa đơn vì thị trường Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều lựa chọn mang đến sự hài lòng cho chủ sở hữu. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tham khảo những chiếc xe hàng "lướt" để tăng thêm sự đa dạng trong danh sách lựa chọn.