
Số liệu thống kê chính thức mới nhất cho thấy doanh số bán ôtô của Đức đã giảm mạnh trong tháng 1/2020, giữa lúc các quy định mới về khí thải ôtô của Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực từ đầu năm nay, đã dẫn đến hoạt động mua xe mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2019.
Theo số liệu từ Cơ quan vận tải Đức (KBA), tổng cộng đã có 246.300 ôtô mới được phép lưu hành trong tháng trước, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng giảm đầu tiên trong 5 tháng qua. Sự sụt giảm này diễn ra khi giai đoạn cuối năm 2019 đã chứng kiến hoạt động bán ôtô ồ ạt. Khi đó, các đại lý cung cấp đã giảm giá ôtô để có thể bán thêm nhiều mẫu xe gây ô nhiễm hơn ra thị trường trước thời hạn ngày 1/1/2020.
Nhà phân tích Peter Fuss của công ty dịch vụ đa quốc gia EY cho rằng sự suy giảm sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng, đặc biệt là với các phương tiện có lượng xả thải khí CO2 cao như các mẫu xe thể thao đa dụng (SUV). Theo luật mới của EU có hiệu lực từ năm nay, các nhà sản xuất ôtô phải đạt mức phát thải khí CO2 trung bình đối với các mẫu xe mới là dưới 95g/km hoặc phải đối mặt với án phạt khắc nghiệt.
Theo số liệu của KBA, lượng xả thải khí CO2 trung bình của những chiếc xe mới được đăng ký tại Đức trong tháng Một ở mức 151,5 g/km, thấp hơn khoảng 4,5% so với tháng 12/2019. Ngoài ra, KBA cũng cho biết doanh số bán xe điện tại Đức đã tăng 61% trong tháng vừa qua, còn doanh số các xe lai (xe hybrid - có thể chạy được bằng điện hoặc bằng xăng) cũng tăng vọt hơn 300%.
Nhưng với doanh số khoảng 7.500 xe ôtô điện và 8.600 xe hybrid, những mẫu xe này mới chỉ chiếm một phần nhỏ của thị trường hiện nay với tổng thị phần là 6,5%. Chuyên gia Fuss dự đoán xu hướng chuyển sang các mẫu xe thân thiện với môi trường sẽ củng cố trong những tháng tới, khi có nhiều mẫu xe điện ra mắt thị trường và nhận thức của người dân về chống biến đổi khí hậu tăng lên. Ông Fuss cũng nói rằng các nhà sản xuất xe hơi sẽ “làm mọi thứ có thể” để tăng đáng kể doanh số bán xe điện và xe hybrid, nếu không, họ có nguy cơ chịu án phạt.
Nhiều nhà máy sản xuất ôtô trên thế giới đóng cửa do thiếu phụ tùng

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona đã ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng cho sản xuất toàn cầu, trong đó, nhiều nhà máy sản xuất ôtô đã không có đủ phụ tùng để lắp ráp. Các nhà sản xuất xe tại Đức đã phải tuyên bố tạm thời đóng cửa các nhà máy sản xuất vì lý do thiếu hụt phụ tùng để lắp ráp.
Gián đoạn sản xuất cho thấy dịch do virus corona đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng ở mọi lĩnh vực sản xuất khi mà việc hạn chế di chuyển đi lại gây ảnh hưởng đến việc quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại nhiều nơi ở Trung Quốc.
Nhiều công ty cho biết họ sẽ quay trở lại hoạt động sản xuất vào tuần tới theo như hướng dẫn của chính quyền địa phương tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ thay đổi nếu dịch do virus corona vẫn tiếp tục lây lan. Trong khi đó, hãng sản xuất ôtô của Hàn Quốc Hyundai Motor cũng tuyên bố phải đóng cửa tất cả các nhà máy sản xuất xe tại Hàn Quốc do không đủ phụ tùng mà Trung Quốc là nhà cung cấp.
Các nhà máy tại Hàn Quốc của hãng hy vọng có thể nối lại hoạt động vào tuần tới. Công ty con Kia Motors cũng tạm dừng sản xuất một số dây chuyền lắp ráp tại Hàn Quốc. Hyundai Motor và Kia Motors đã "bắt tay" để trở thành nhà sản xuất ôtô lớn thứ năm thế giới Hyundai Motor Group. Các chuyên gia phân tích đánh giá tác động của dịch do virus corona lên doanh số bán ôtô và phụ tùng do Trung Quốc sản xuất và cung cấp sẽ lớn hơn nhiều so với tác động của dịch SARS hồi năm 2002-2003.
Lý do là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, hiện đã trở thành trung tâm sản xuất lớn hơn rất nhiều so với trước đây cho ngành công nghiệp tự động hóa, trong đó bao gồm các linh kiện điện tử. Các nhà phân tích làm việc tại Nomura nhận xét việc hạn chế di chuyển và một số biện pháp khác đã làm tăng rủi ro đối với các chuỗi cung ứng, nguy cơ đình trệ tiềm ẩn trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ôtô và những tác động dây chuyền lên hoạt động sản xuất tại Nhật Bản và các nơi khác tại châu Á.
Hãng sản xuất ôtô Nissan của Nhật Bản ngày 4/2 cũng cho biết họ đang xem xét có thể kéo dài thời gian tạm thời đóng cửa các hoạt động của liên doanh tại Trung Quốc giống như các hãng xe khác như Toyota, Honda và Ford. Đối với hai nhà máy sản xuất của hãng đóng tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) nơi khởi phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, Nisan cho biết họ hy vọng có thể trở lại hoạt động sản xuất bình thường sau ngày 14/2.
Theo Viện nghiên cứu Bernstein, doanh thu tại các cơ sở sản xuất của các hãng xe của Đức Volkswagen và BMW tại Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm ít nhất là 5% trong sáu tháng đầu năm 2020. Chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Thương mại và Kinh tế Công nghiệp của Hàn Quốc Lee Hang-koo cũng đưa ra nhận định những gián đoạn của chuỗi cung ứng có thể sẽ kéo dài hơn là dự đoán ban đầu.
Ông cho rằng các hãng sản xuất ôtô Hàn Quốc có thể bắt đầu nối lại sản xuất trong nước, song giá thành có khả năng bị đẩy lên cao, khiến lợi nhuận sụt giảm và doanh số bán ra thấp hơn./.