COVID-19 thay đổi cách thế giới lưu thông như thế nào?

22/02/2022

Báo cáo của TomTom NV, một tổ chức chuyên về công nghệ định vị, công bố mới đây cho thấy, sau gần 2 năm áp dụng các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19, giao thông tại các thành phố trên thế giới vẫn chưa trở lại bình thường. Dịch Covid 19 đã làm thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt của người dân.

220222.2.jpg

Dịch Covid 19 đã làm thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt của người dân. 

TomTom NV thống kê số liệu chi tiết về các xu hướng giao thông tại 404 thành phố ở 58 quốc gia trong năm 2021 cho thấy tình trạng ùn tắc năm ngoái thấp hơn 10% so với năm 2019, chủ yếu do những thay đổi trong làm việc do dịch bệnh.

Làm việc tại nhà, hội nghị trực tuyến và giờ làm việc linh hoạt đã khiến thay đổi mô hình giao thông, tắc đường vào giờ cao điểm đã giảm trung bình 19% trong năm 2021 so với năm 2019.

Dữ liệu cho thấy người dân cũng di chuyển vào những thời điểm khác nhau vào năm 2021. Ở Bắc Mỹ, một số thành phố chứng kiến giờ cao điểm lùi 2-3 giờ; trong khi giao thông vào giờ cao điểm vào buổi tối sớm hơn, bắt đầu từ 3 hoặc 4 giờ chiều. Còn ở châu Âu, mức độ giao thông vào giữa ngày cao hơn so với năm 2019. TomTom NV nhận thấy hơn 1/3 số thành phố trên toàn thế giới có sự thay đổi về giờ cao điểm.

Martin Morzynski, Phó giám đốc Marketing của công ty Streetlight Data, công ty tư vấn cho các cơ quan công quyền tại Mỹ lý giải những người làm việc từ xa thường làm việc ở nhà vào buổi sáng, sau đó mạo hiểm ra khỏi nhà vào cuối ngày: “Mọi người có thể linh hoạt về thời gian hơn nên thường tranh thủ ra ngoài giải quyết những việc không liên quan đến công việc ví dụ như đưa đón con hay mua sắm, việc vốn trước đây không thể thực hiện được vì bạn làm việc trong văn phòng. Chúng tôi tin rằng phần lớn việc lái xe vào giữa trưa liên quan đến những việc lặt vặt”.

Tuy nhiên, nhiều thành phố đã chứng kiến lưu lượng giao thông thay đổi trong năm, từ mức đặc biệt thấp khi các biện pháp hạn chế có hiệu lực, đến mức đặc biệt cao khi các biện pháp được dỡ bỏ. Nói cách khác, thế giới đang di chuyển với tốc độ của dịch và sự xuất hiện của các biến thể.

Tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tỷ lệ tắc đường trung bình ở mức 62%, là thành phố bị tắc đường nhiều nhất trong năm 2021,  nơi mà lái xe mất khoảng 142 giờ mỗi năm do kẹt xe. TomTom NV cho biết một đặc điểm khác là sự bùng nổ của thương mại điện tử giúp giảm giao thông vào giờ cao điểm.

220222.3.jpg

Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là thành phố bị tắc đường nhiều nhất trong năm 2021.

Thế nhưng, đại dịch  COVID-19 cũng khiến những nỗ lực khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng gặp khó khi người tham gia giao thông ưu tiên sử dụng xe riêng, coi đây là cách an toàn hơn để đảm bảo giãn cách xã hội. Chính việc tăng sử dụng xe ô tô riêng đã làm gia tăng tắc đường ở nhiều nơi khi các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Một số người dân chia sẻ:

“Tôi không hay đi phương tiện công cộng nữa bởi vì tôi là giáo sư và thời gian này tôi dạy học trực tuyến. Trước tôi dạy ở Mahattan vì vậy tôi thường đi xe buýt mỗi ngày để đến trường dạy, còn bây giờ, tôi đi bộ hoặc đi xe ô tô nếu xa”.

“Tôi hiện rất ít sử dụng phương tiện công cộng, tôi đã mua một chiếc xe ô tô. Tôi đã từng đi phương tiện công cộng khi làm việc ở New York nhưng bây giờ vì dịch bệnh tôi chỉ đi xe riêng thôi”.

Đáng chú ý, một yếu tố làm giảm mức độ tắc nghẽn trong suốt đại dịch có thể là sự thay đổi phương thức di chuyển từ ô tô và phương tiện giao thông công cộng sang phương tiện giao thông tích cực như đi bộ và đi xe đạp, e-scooter, nhờ những làn đường dành riêng được xây dựng.

Tại London (Anh) nơi tình trạng tắc nghẽn vào giờ cao điểm năm 2021 thấp hơn 13% so với năm 2019, các cơ quan giao thông đã mở các làn đường mới cho xe đạp khi đại dịch COVID-19 diễn ra vào đầu năm 2020.

Các số liệu từ cơ quan giao thông vận tải của thủ đô Anh, Transport for London (TfL), cho thấy đại dịch đã gây ra sự bùng nổ trong việc đi bộ và đi xe đạp khi mọi người tránh xa các phương tiện giao thông công cộng. Tỷ lệ trung bình của các chuyến đi bằng xe đạp vào năm 2021 cao gấp đôi so với trước đại dịch, mặc dù tỷ lệ này vẫn tương đối thấp, chỉ 5,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ đi bằng phương tiện cá nhân ở London cũng tăng lên, tăng từ 36,8% trước đại dịch lên 41,7% vào năm 2020.

220222.4.jpg

Paris mở thêm 50 km làn đường dành cho xe đạp vào năm 2020.

Trong khi đó, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, dịch vụ xe đạp công cộng trở nên hút khách, đây là phương tiện được nhiều người lựa chọn trong thời điểm dịch vẫn hoành hành. Một số bạn trẻ cho biết:

“Tôi cảm thấy rất lo lắng bởi dịch COVID-19 vì vậy tôi đang sử dụng xe đạp công cộng để đi làm để tránh tiếp xúc với nhiều người và cũng là cách để luyện tập”. “Tôi đi xe đạp thường xuyên, bởi vì đi một mình giúp đầu óc tôi được thư giãn, so với việc sử dụng phương tiện công cộng”.

Theo TomTom NV, năm 2021 cũng chứng kiến nhiều chương trình của các địa phương giúp thay đổi cách chúng ta di chuyển. Nhiều thành phố như Paris hay các thành phố ở Tây Ban Nha giảm giới hạn tốc độ từ 50km/h xuống còn 30km/h, trong khi Vùng thải khí thấp (LEZ) đang được hơn 240 thành phố châu Âu áp dụng.

Về giải pháp để giảm ùn tắc, chuyên gia Ralf Peter Schäfer của TomTom NV cho rằng cung cấp thông tin giao thông cập nhật hơn cho tài xế và các cơ quan chức năng trong ngành giao thông có thể giúp giải tỏa nút thắt tắc đường kịp thời và quản lý tắc nghẽn tốt hơn. Cùng với đó, việc chuyển từ ô tô sang các hình thức giao thông khác như đi xe đạp, phương tiện công cộng là rất quan trọng đối với các thành phố đang tìm cách cải thiện tình hình giao thông.

Còn tại Việt Nam, theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với năm 2020. Kết quả này xuất phát từ nguyên nhân do lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông giảm sâu khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, xu hướng “giao thông xanh” di chuyển bằng xe đạp cũng được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh dịch COVID vẫn rất phức tạp.


Tác giả: Hoàng Anh