Công nghệ an toàn chủ động trên ô tô: Hiện đại nhưng đôi khi... hại não

07/12/2023

Là những trang bị tân tiến, hữu ích và an toàn nhưng trong quá trình sử dụng thực tế thì công nghệ an toàn chủ động vẫn tồn tại nhiều bất cập, gây khó chịu cho người lái.

Giảm cảm giác lái, gây ồn khi lái xe

An toàn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi mua xe. Nền tảng thu thập dữ liệu Statista cho biết top 3 mối quan tâm hàng đầu của người mua xe là tiết kiệm nhiên liệu, an toàn và giá bán.

Việc lệ thuộc vào công nghệ sẽ dẫn tới mất tập trung lái xe, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn

Với mong muốn hỗ trợ người lái, tăng cảm giác tiện nghi cho mỗi hành trình và giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn, hệ thống an toàn chủ động ngày nay đang được các hãng xe phát triển và trở thành các gói trang bị tiêu chuẩn trên xe hơi.

Hệ thống an toàn chủ động được phát triển ở nhiều mức độ với tên gọi khác nhau. Các tính năng phổ biến có thể kể đến như: cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn, hỗ trợ phanh khẩn cấp và ga tự động thích ứng. Các hệ thống này sẽ có chung tính năng là cảnh báo bằng biểu ngữ, đèn báo và âm thanh. Một số tính năng nâng cao sẽ có hỗ trợ đánh lái, can thiệp hệ thống ga và phanh để giảm thiểu va chạm. Nhưng khi sử dụng thực tế, ngoài những tiện ích không phải bàn cãi, cũng có những bất cập từ hệ thống an toàn chủ động khiến người dùng cảm thấy không thoải mái. Điển hình là tính năng cảnh báo bằng âm thanh của các hệ thống.

Khi tài xế thường xuyên phải di chuyển trong nội đô, điều kiện giao thông tắc nghẽn khiến các phương tiện di chuyển sát nhau. Lúc này hệ thống cảnh báo điểm mù và cảnh báo tiền va chạm liên tục phát đi cảnh báo bằng âm thanh, khiến tài xế cảm thấy ồn ào và khó chịu.

Mặc dù có thể tắt cảnh báo bằng phím điều khiển nhưng như vậy chẳng khác nào vô hiệu hoá những tính năng an toàn hiện đại mà chủ xe phải tốn thêm tiền để sở hữu. Với những lái mới, điều này còn có phần khiến tài xế lúng túng trong quá trình điều khiển xe.

Hơn nữa khi có những trang bị an toàn chủ động, hệ thống này có thể can thiệp vào chức năng đánh lái, phanh và ga nhưng do chưa được mượt mà sẽ làm giảm cảm giác lái thực tế. Hiện tượng hụt ga, giật lái bất ngờ cũng có thể dẫn tới những phản xạ vô điều kiện của tài xế, khiến cho trải nghiệm lái xe trở nên tồi tệ.

Theo nghiên cứu của J.D. Power về hệ thống cảnh báo giữ làn đường, trung bình 23% khách hàng phàn nàn về hệ thống cảnh báo này. Do đó, 61% lái xe đã thú nhận thường xuyên vô hiệu hóa hệ thống an toàn chủ động.

Lệ thuộc vào công nghệ dẫn tới mất tập trung lái xe

Ở một bộ phận tài xế có xu hướng quá lệ thuộc vào công nghệ an toàn chủ động có thể khiến cho sự tập trung lái xe giảm đi, dẫn đến nguy cơ tai nạn cao hơn.

Đặc biệt trên những cung đường cao tốc, với hệ thống hỗ trợ giữ làn đường và điều khiển hành trình chủ động gần như giúp tài xế không cần can thiệp vào các hệ thống của xe.

Nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn đường bộ ở Mỹ cho thấy, những tài xế sử dụng ga tự động thích ứng có nhiều khả năng chạy quá tốc độ hơn.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra khi những người lái lệ thuộc vào hệ thống an toàn chủ động điều khiển xe có nguy cơ xảy ra va chạm chết người cao hơn 10% so với bình thường.

Hệ thống an toàn chủ động là một trong những tính năng hữu ích an toàn, nhưng bên cạnh đó còn tồn tại những hạn chế. Tài xế không nên quá tin tưởng và lệ thuộc vào công nghệ, yếu tố lái xe an toàn được quyết định vẫn là do ý thức và trách nhiệm của người cầm lái.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hưng (Báo Giao thông)