Các tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc công bố mười biện pháp để bảo vệ đại dương

23/03/2012

Bốn tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc, trong đó có Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã công bố kế hoạch nhằm cải tiến việc quản lý các đại dương và các khu vực ven bờ biển.

Kế hoạch chi tiết về tính bền vững của các đại dương và các khu vực ven bờ biển đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng của các đại dương, và giải thích sự tác động của chúng đến cuộc sống hàng ngày của nhân loại, bao gồm việc điều tiết khí hậu, cung cấp nguồn lực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, duy trì kế sinh nhai cho rất nhiều người và các nền kinh tế. Mặc dầu các đại dương chiếm khoảng 70% diện tích bề mặt trái đất, nhưng chỉ có 1% trong số chúng được bảo vệ.

Kế hoạch nêu trên đã được giới thiệu tại trụ sở của Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục (UNESCO) vào tháng 11 năm 2011, để chuẩn bị cho việc xem xét tại Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) sẽ được tổ chức trong tháng 06 năm 2012.

Các biện pháp đề xuất được đưa ra trong kế hoạch bao gồm:

  • Thiết lập thị trường các bon xanh toàn cầu như là phương tiện để tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp thông qua việc bảo vệ môi trường sống.
  • Lấp đầy các chỗ trống về quản trị trong khu vực biển khơi bằng cách tăng cường Công ước của Liên hợp quốc tế luật biển (UNCLOS).
  • Hỗ trợ phát triển kinh tế xanh tại các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
  • Thúc đẩy việc nghiên cứu nhằm thích nghi và giảm nhẹ sự a xít hóa đại dương.
  • Tăng cường năng lực của các tổ chức giám sát khoa học đối với các đại dương và các khu vực ven bờ biển.
  • Tái cấu trúc và tăng cường các tổ chức quản lý đại dương khu vực.
  • Thúc đẩy nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản có trách nhiệm trong nền kinh tế xanh.
  • Tăng cường khung pháp luật liên quan đến vấn đề di cư của các loài thủy sinh.
  • "Làm xanh" kinh tế dinh dưỡng từ biển và thúc đẩy an ninh thực lương thực.
  • Tăng cường sự hợp tác, tính gắn kết và hiệu quả của hệ thống Liên hợp quốc về các vấn đề đại dương.

Kế hoạch chi tiết bảo vệ đại dương được chuẩn bị bởi Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO (IOC), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Cần phải nhấn mạnh là 60% hệ sinh thái biển chủ yếu đã bị xuống cấp và đang được sử dụng một cách không bền vững, dẫn đến những tổn thất nặng nề về kinh tế và xã hội. Rừng ngập mặn đã bị mất từ 30 đến 50% diện tích bao phủ ban đầu, trong khi đó các dải san hô bị thu hẹp khoản 20%, dẫn đến làm tăng tính dễ bị tổn thương của rất nhiều khu vực ven bờ biển tập trung dân cư cao. Các đại dương hấp thụ khoảng 26% ô xít các bon từ khí quyển và tạo nên hiện tượng a xít hóa đe dọa tính đa dạng của một số loài sinh vật phù du, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp thức ăn trong toàn bộ môi trường biển và các hoạt động kinh tế, xã hội liên quan.

Một số hiện tượng không phải là mới nhưng ngày càng thêm trầm trọng do các áp lực tích tụ, chẳng hạn như sự biến đổi khí hậu, các hoạt động khốc liệt của con người và các tiến bộ công nghệ. Thêm vào đó, các hệ sinh thái ở tại các khu vực biển sâu, nơi mà tính đa dạng sinh học và môi trường sống của sinh vật biển có giá trị rất lớn, nhưng nói chung chưa được con người hiểu biết cặn kẽ và gần như chưa được bảo vệ.

Cộng đồng quốc tế cam kết đối phó với những thách thức kể trên tại Hội nghị thượng đỉnh Rio (năm 1992) và Johannesburg (năm 2002). Tuy nhiên, sự cam kết hầu như chưa đạt được kết quả và mục tiêu đã đặt ra. Trong số đó có những cam kết như việc phục hồi nguồn cung cấp cá tới mức bền vững vào năm 2015, và việc tạo ra mạng lưới các khu vực biển được bảo vệ vào năm 2015. Chỉ một số rất ít các nước đã thông qua thể chế pháp luật nhằm làm giảm việc gây ô nhiễm biển từ các nguồn trên bờ.

Thực tế cho thấy, các nguồn gây ô nhiễm từ bờ đã làm chết một số khu vực đại dương. Cho đến nay, hơn 400 khu vực biển đã được đưa vào danh sách "chết về mặt sinh học". Việc thực hiện toàn bộ các mục tiêu của kế hoạch bảo vệ đại dương đòi hỏi nỗ lực cao độ của các quốc gia, các tổ chức liên chính phủ và cộng đồng quốc tế.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR