Bài viết nhấn mạnh, khi cả thế giới đang chiến đấu với đại dịch virus corona, ngành vận tải hàng hải toàn cầu đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp trả dịch bệnh này.
Cần phải lưu ý đến lời kêu gọi của ngành vận tải biển[1] đã gửi đến tất cả các chính phủ để giữ cho thương mại hàng hải hoạt đồng bằng cách cho phép các tàu thương mại tiếp tục tiếp cận các cảng trên toàn thế giới, và bằng cách tạo điều kiện cho sự thay đổi nhanh chóng các thuyền viên của tàu.
Theo thống kê của UNCTAD, khoảng 80% thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng vận tải biển thương mại. Tàu biển chuyên chở thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu thô của thế giới, cũng như các hàng hóa và linh kiện phục vụ sản xuất.
Trong số đó bao gồm các nguồn cung cấp y tế quan trọng, rất cần thiết vào thời điểm hiện nay và các mặt hàng cần thiết để duy trì nhiều việc làm trong sản xuất - mà thiếu chúng, xã hội hiện đại không thể hoạt động được.
Trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là giữ cho chuỗi cung ứng mở, và cho phép thương mại hàng hải và vận tải xuyên biên giới được tiếp tục duy trì.
Điều này có nghĩa là giữ cho các cảng trên thế giới mở để các tàu ghé vào và sự di chuyển của các thuyền viên với ít trở ngại nhất có thể.
Cũng cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hàng hóa quá cảnh. Các quốc gia không giáp biển cần tiếp cận với thực phẩm và vật tư y tế thông qua các cảng biển của nước láng giềng.
Vận tải biển và các cảng duy trì nền kinh tế thế giới với nhau. Chúng kết nối các quốc gia, thị trường, doanh nghiệp và người dân, trên một quy mô không thể khác.
Một lượng lớn hàng hóa và sản phẩm được vận chuyển bằng đường biển để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp và sản xuất, nhu cầu năng lượng, cũng như các yêu cầu kinh doanh và tiêu dùng. Chúng bao gồm từ nguyên liệu thô như than và quặng sắt, dầu, khí được chở xô, đến hàng hóa là các bán thành phẩm của sản xuất và các thành phẩm được vận chuyển trong container.
Đối mặt với đại dịch hiện nay, hàng hóa cứu trợ như thực phẩm và vật tư y tế của các phong trào xuyên biên giới sẽ tăng lên đáng kể.
Hạn chế về thương mại và vận tải xuyên biên giới có thể làm gián đoạn hỗ trợ kỹ thuật và các trợ giúp cần thiết. Điều này có thể phá vỡ các doanh nghiệp và có tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của các quốc gia bị ảnh hưởng.
Do đó, các chính phủ nên tiếp tục tạo điều kiện cho việc di chuyển không chỉ hàng hóa cứu trợ, mà cả hàng hóa nói chung, để giảm thiểu tác động tiêu cực của sự bùng phát COVID-19.
Để đảm bảo hàng hóa quan trọng đến tay người tiêu dùng và bệnh viện ở các quốc gia đích, các cơ quan có trách nhiệm nên phối hợp và hợp tác trong và giữa các quốc gia để hàng hóa không thể thiếu đến được với người dân các quốc gia ven biển và các quốc gia không giáp biển.
Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường các quốc gia G20 về đại dịch COVID-19 diễn ra trong tuần này, các nhà lãnh đạo thế giới nên nắm bắt lời kêu gọi của ngành vận tải biển để duy trì hoạt động thương mại hàng hải bằng cách cho phép việc tiếp tục tiếp cận các cảng trên toàn thế giới, và thay đổi thuyền viên của tàu một cách nhanh chóng.
Hỗ trợ thuyền viên và người khai thác cảng, thực hiện các bước đi thận trọng
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay, những người đi biển được kiểm tra và giám sát kỹ lưỡng tại các cảng khác nhau.
Nhiều quốc gia có cảng đã áp đặt các quy định địa phương, hạn chế đi lại và kiểm dịch, không cho phép việc tiếp cận tự do của thuyền viên. Một số người khai thác tàu đã đình chỉ việc thay đổi thuyền viên của tàu để giảm bớt các giao tiếp xã hội của họ.
Trong khi tuân thủ các quy trình y tế cần thiết, các cảng nên coi những người đi biển là những người lao động chủ chốt và tạo cho họ sự linh hoạt, tương tự như hiện tại đang áp dụng đối với phi hành đoàn hàng không và nhân viên y tế, khi lên tàu và rời tàu. Hiện nay có khoảng 100.000 thuyền viên cần thay đổi mỗi tháng.
Các nhà khai thác cảng cũng cần sẵn sàng với những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và kinh tế, nếu như vai trò chính của họ trong quá trình chuyển tải hàng hóa bị ảnh hưởng bởi sự lây lan virus.
Công nhân cảng đang đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19, và nhiều cảng chưa sẵn sàng nếu một số lượng lớn công nhân bị bệnh.
Tại một số cảng - đặc biệt là ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như châu Âu - hàng hóa quá cảnh đã bị ảnh hưởng, và các thiết bị và thuốc men thiết yếu đang bị giữ lại.
Không có cảng hoạt động, hàng hóa bao gồm cả những thứ là nguồn cung cấp phục vụ cứu sinh mạng con người không thể được vận chuyển đến nơi cần thiết.
Khi gặp nhau trong tuần này, các nhà lãnh đạo G20 có cơ hội quan trọng để bảo vệ sự di chuyển tự do của tất cả hàng hóa bằng cách khẳng định sự vận hành trơn tru của ngành vận tải biển, cảng và quá cảnh.
Tất cả các giải pháp thuận lợi về thương mại và giao thông công nghệ nên được sử dụng để giảm bớt gánh nặng do COVID-19 đang đặt ra đối với thương mại hàng hải và xuyên biên giới./.
[1] Thư ngỏ chung của Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) và Liên đoàn Công nhận vận tải quốc tế (ITF) ngày 19/3/2020 gửi Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).