Ông Kitak Lim Tổng thư ký IMO
Ước tính có hơn 300.000 thuyền viên và nhân viên hàng hải hiện đang mắc kẹt trên biển khắp thế giới và không thể hồi hương dù đã hết hạn hợp đồng làm việc. Một số lượng thuyền viên tương tự đã không thể lên được tàu làm việc để thay thế cho những người bị mắc kẹt đó. Điều này là do các hạn chế được áp đặt bởi một số chính phủ trong đại dịch Covid-19, bao gồm hạn chế việc đi lại, lên và xuống tàu tại các cảng, các biện pháp kiểm dịch, cắt giảm các chuyến bay, giới hạn cấp thị thực và hộ chiếu.
Một số thuyền viên hiện đã ở trên tàu của họ hơn 17 tháng, vượt quá giới hạn 11 tháng được quy định trong Công ước Lao động hàng hải (MLC). Nhiều người đã bị từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và nghỉ ngơi trên bờ, vi phạm các quyền của thuyền viên theo MLC và các văn kiện quốc tế khác. Điều này gây ra những lo ngại nghiêm trọng, không chỉ đối với sức khỏe của thuyền viên mà còn về sự an toàn của vận tải biển. Các thuyền viên đã quá mệt mỏi và kiệt quệ về tinh thần đang được yêu cầu tiếp tục vận hành tàu, làm tăng rủi ro tai nạn hàng hải.
"Những người đi biển không thể ở lại biển vô thời hạn", Ông Kitak Lim nhấn mạnh, "Nếu cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên không được giải quyết sớm, các tàu biển sẽ không thể hoạt động an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Tổ chức, làm trầm trọng thêm các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19". Vận tải biển đóng góp hơn 80% thương mại toàn cầu và là một thành phần quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Ông Kitak Lim cho rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận "toàn bộ chính phủ" liên quan đến một số bộ ngành của quốc gia. Ông nhắc lại lời kêu gọi của mình đối với tất cả các quốc gia thành viên để công nhận người đi biển là người lao động chủ chốt cung cấp dịch vụ thiết yếu, và thực hiện các giao thức được IMO phê duyệt để cho phép thay đổi thuyền viên đảm bảo an toàn, an ninh. Tổng thư ký IMO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các rào cản khác đối với sự thay đổi của thuyền viên, chẳng hạn như hạn chế về thị thực và đi lại, đồng thời cung cấp cho thuyền viên khả năng tiếp cận ngay với các cơ sở y tế trên bờ, khi cần thiết.
Lời kêu gọi hành động mới này của Tổng thư ký IMO phù hợp với nhiều tháng hành động của Tổ chức, bao gồm nhiều tuyên bố cấp cao nhất, các cuộc gặp song phương ở cấp độ ngoại giao, cũng như việc thành lập nhóm Hành động khủng hoảng thuyền viên để trực tiếp giúp đỡ thuyền viên mắc kẹt. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đã thúc giục tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận người đi biển là người lao động chủ chốt và cung cấp hỗ trợ đi lại cần thiết để đảm bảo thuyền viên được thay thế, hồi hương an toàn.
Mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cho phép thay đổi thuyền viên, nhưng tiến độ vẫn chưa theo kịp với tình trạng tồn đọng của các tàu yêu cầu thay đổi thuyền viên.
Ông Kitak Lim đã mời các nước thành viên nêu vấn đề về thuyền viên và cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên trong Tuần lễ cấp cao sắp tới của khóa họp thứ 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc, bắt đầu vào ngày 22/9/2020. Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Hàng hải quốc tế và Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc sẽ tổ chức một sự kiện bên lề trong Tuần lễ cao cấp để nâng cao tầm nhìn về cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên vào Ngày Hàng hải thế giới - 24/9/2020.