Thông tin từ Tổng thư ký IMO về cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên

11/05/2021

Ngày 07/5/2021, Ban Thư ký của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã ra thông báo số 4204/Add.39 với nội dung "Vi rút corona (COVID-19) - Thông tin từ Tổng thư ký về cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên". Dưới đây là toàn văn của thông báo này.


"Gần 16 tháng đã trôi qua kể từ khi đợt bùng phát vi rút corona (COVID-19) được WHO tuyên bố là đại dịch và trong thời gian này, cộng đồng quốc tế đã trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong vận tải biển quốc tế. Để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu tác động của nó, việc đi lại trong nước và quốc tế đã bị hạn chế, biên giới bị đóng cửa - tạo ra tác động tiêu cực nghiêm trọng đến thế giới kết nối chặt chẽ.

Vào ngày 31/01/2020, IMO đã ban hành thông báo đầu tiên liên quan đến đại dịch, cung cấp thông tin và hướng dẫn để giảm thiểu rủi ro cho thuyền viên, hành khách và những người khác trên tàu. Kể từ đó, một lượng lớn thông tin, với một số thông tin được cập nhật thường xuyên, đã được ban hành thông qua loạt thông báo số 4204, đề cập đến nhiều vấn đề - với mục đích giảm thiểu tác động của đại dịch đối với vận tải biển quốc tế bằng cách cung cấp hướng dẫn và khuyến nghị toàn diện cho các quốc gia thành viên và cộng đồng vận tải biển.

Trong suốt đại dịch, vận tải biển đã chứng tỏ độ tin cậy và khả năng phục hồi của nó như một trong những phương thức vận tải kinh tế và hiệu quả nhất và do đó, chuỗi cung ứng quốc tế không bị gián đoạn đáng kể. Tôi muốn bày tỏ sự cảm kích sâu sắc đối với những nỗ lực to lớn của các quốc gia thành viên và ngành hàng hải trong việc duy trì dòng chảy hàng hóa trên toàn cầu trong những thời điểm khó khăn này.

Cuộc sống và công việc của những người đi biển đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trong quý cuối cùng của năm 2020, ước tính số lượng thuyền viên trên toàn cầu chờ được rời hoặc gia nhập tàu là 400.000 người. Hiện tại, vào tháng 5/2021, nhờ nỗ lực hợp tác của các quốc gia thành viên, ngành vận tải biển, các đối tác xã hội và các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, con số hiện được ước tính là khoảng 200.000 người. Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được và cuộc khủng hoảng nhân đạo trên biển vẫn chưa thể kết thúc. Các thuyền viên vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến việc hồi hương, di chuyển để lên tàu, tiếp cận chăm sóc y tế thích hợp và đi bờ. Bất chấp những thách thức này, những người đi biển vẫn tiếp tục làm việc trên tàu, cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho người dân toàn cầu.


Việc ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho thuyền viên là một thách thức mới đối với cộng đồng quốc tế và IMO đang làm việc tích cực trong hệ thống Liên hợp quốc và với các quốc gia thành viên, ngành hàng hải để tìm ra các giải pháp cho phép đẩy nhanh việc tiêm phòng cho thuyền viên, nhằm để bảo vệ họ càng sớm càng tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn của thuyền viên qua biên giới.

Một số quốc gia cung cấp lao động hàng hải chủ chốt phụ thuộc vào sáng kiến COVAX của WHO. Để đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin của các quốc gia đó, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên IMO cùng hợp tác hướng tới việc phân phối công bằng trên toàn cầu, ngoài việc đáp ứng nhu cầu quốc gia của họ. Không một thuyền viên nào bị bỏ lại phía sau hoặc buộc phải từ bỏ sự nghiệp của mình vì nguồn lực hạn chế ở quê nhà. Sức khỏe của các thuyền viên trên thế giới và sự an toàn tại nơi làm việc của họ vẫn phải  là một trong những ưu tiên chính của chúng ta và chỉ có thể được đảm bảo nếu ngành vận tải biển và các quốc gia thành viên tiếp tục cung cấp tất cả các biện pháp cần thiết như xét nghiệm, trang bị phòng hộ cá nhân thích hợp, tiếp cận các cơ sở chăm sóc y tế và vệ sinh để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.

Chúng ta không thể tự mãn khi giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trên biển. Do đó, tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình đối với tất cả các quốc gia thành viên để chỉ định tất cả thuyền viên và nhân viên hàng hải là "lao động chủ chốt" cung cấp một dịch vụ thiết yếu. Cho đến nay, chỉ có 58 trong số 174 thành viên của chúng ta thông báo cho tôi việc họ đã làm như vậy. Việc chỉ định thuyền viên là "lao động chủ chốt" sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận với việc tiêm chủng, vì hầu hết các quốc gia đang ưu tiên những người lao động thiết yếu trong các chương trình tiêm chủng COVID-19 của quốc gia, phù hợp với Lộ trình SAGE của WHO.

Tôi vẫn tin tưởng rằng bằng cách làm việc cùng nhau, cuối cùng chúng ta sẽ vượt qua được tình huống khó khăn và thách thức này đối với vận tải biển toàn cầu. Hãy yên tâm rằng Tổ chức này sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cộng đồng hàng hải và đặc biệt là những người đi biển của chúng ta.

"Kitack Lim - Tổng thư ký".

Tác giả: Nguyễn Vũ