Trước việc nhiều phương tiện thủy đã lắp thiết bị nhận dạng tự động (AIS) nhưng chưa thể liên lạc trao đổi thông tin, cơ quan quản lý đang rà soát, đánh giá bất cập để đề xuất giải pháp bằng công nghệ phù hợp nhất.
Muộn nhất đến 31/12/2022, phương tiện thủy chở từ 20 khách trở lên phải lắp AIS
Tàu lắp Thiết bị AIS chưa nhận được thông tin
Cuối tháng 3/2022, doanh nghiệp vận tải thủy Hùng Phú (Hải Dương) đầu tư gần 20 triệu đồng để mua 2 bộ thiết bị nhận dạng tự động (AIS) lắp lên phương tiện thủy có dung tích 900GT.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, gần đây, khi phương tiện vào, rời cảng thủy đều được nhân viên cảng vụ nhắc trong năm nay phải lắp thiết bị AIS, chậm nhất trước ngày 31/12/2022. Đơn vị đăng kiểm cũng thông báo phải lắp thiết bị này mới được cấp chứng nhận đăng kiểm.
“Cả hai phương tiện sắp đến hạn đăng kiểm nên chúng tôi phải lắp để phương tiện đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên tàu đi dọc các sông, vào các cảng thủy đều không nhận được bản tin, thông báo giao thông nào từ cảng vụ hay cơ quan quản lý đường thủy”, đại diện doanh nghiệp băn khoăn.
Một số thuyền viên tàu có dung tích trên 1.000GT thường xuyên cập cảng trên sông Hồng ở Hà Nội, Phú Thọ cũng cho biết, trên tàu được bổ sung thiết bị AIS từ năm 2020 nhưng chưa dùng đến.
“Thiết bị AIS có tác dụng liên lạc trao đổi thông tin nhận dạng vị trí, hướng đi, tốc độ giữa các tàu và nhận thông báo của hệ thống quản lý từ trạm AIS trên bờ. Tàu tôi lắp đã lâu nhưng chưa sử dụng vì không có tín hiệu từ các trạm trên bờ”, một thuyền viên cho biết.
Không riêng phương tiện chở hàng, chị Nụ, chủ một phương tiện thủy chở khách du lịch loại 48 chỗ trên hồ thủy điện Hòa Bình cũng cho biết, hai năm nay nhiều tàu ở khu vực này nghỉ dịch Covid-19. Gần đây, một số tàu rục rịch đăng kiểm để chuẩn bị đón khách trở lại được thông báo phải lắp AIS.
“Chúng tôi được thông báo hạn cuối là tháng 12/2022, các tàu chở khách dưới 50 chỗ đều phải lắp thiết bị này. Các tàu có thể lắp sớm hơn hoặc lắp khi đến hạn đăng kiểm. Ở đây nhiều tàu chưa lắp nên tôi không rõ lắp AIS có tác dụng gì”, chị Nụ cho biết.
Trao đổi với PV, ông Lê Đức Cường, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II cho biết, hiện việc giám sát, cấp phép cho phương tiện vào, rời cảng bến thủy được thực hiện trực tiếp, chưa quản lý giám sát thông qua hệ thống AIS.
“Trên địa bàn chúng tôi quản lý có hơn chục trạm AIS được lắp đặt từ nhiều năm trước, nhưng trước đây chỉ hoạt động thí điểm. Để hệ thống này hoạt động được cần kích hoạt lại và đồng bộ về hạ tầng, phần mềm, phương thức quản lý giám sát”, ông Cường thông tin. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại một số đơn vị cảng vụ khu vực khác.
Đầu tư, vận hành trạm AIS gặp khó
Hiện cơ quan quản lý đang rà soát, đánh giá bất cập để đề xuất giải pháp bằng công nghệ phù hợp nhất quản lý phương tiện thủy
Theo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN, việc trang bị thiết bị AIS trên phương tiện thủy được thực hiện theo lộ trình năm 2019-2022, theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2018 của Bộ GTVT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy).
“Các phương tiện thủy khi trang bị AIS được đơn vị đăng kiểm tra thử nghiệm và xác nhận hoạt động, kết nối với hệ thống thông tin tín hiệu AIS (hiện nay là hệ thống thông tin điện tử hàng hải).
Tuy nhiên, để khai thác thiết bị trên, thiết bị AIS phải bật và có sự kết nối thường xuyên với trạm AIS trên bờ”, ông Bùi Quốc Hưng, Trưởng phòng Tàu sông nói.
Tìm hiểu của PV cho thấy, thông tin AIS giúp cơ quan quản lý theo dõi tốc độ, hướng đi, vị trí của tàu thuyền, phục vụ quản lý vận tải và bảo đảm ATGT. Cơ chế quản lý và khai thác thiết bị AIS trên phương tiện thủy thông qua kết nối với trạm AIS trên bờ và Trung tâm dữ liệu AIS.
Theo Thông tư số 17/2018 của Bộ GTVT (quy định về quản lý và khai thác thông tin AIS), Cục Hàng hải VN tổ chức xây dựng và quản lý trạm AIS, chỉ đạo cảng vụ hàng hải quản lý, khai thác AIS từ phương tiện trên tuyến ven biển, từ bờ ra đảo thuộc phạm vi quản lý. Cục Đường thủy nội địa VN, các cảng vụ đường thủy thực hiện trên đường thủy, vùng nước cảng, bến thủy thuộc phạm vi quản lý.
Tuy vậy, đến nay trên đường thủy thuộc phạm vi quản lý của Cục Đường thủy nội địa VN vẫn chưa tổ chức quản lý được thông qua hệ thống AIS.
Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, do khó khăn kinh phí nên những năm qua Cục này mới đầu tư được 55 trạm AIS, có trạm hoạt động được, có trạm không. Mỗi trạm có phạm vi phủ sóng nhất định, trong khi hệ thống đường thủy quốc gia có 7.000km, nên chưa tổ chức quản lý, khai thác được AIS từ phương tiện thủy.
“Nhiều tuyến đường thủy ở địa hình đồi núi, ảnh hưởng đến duy trì thu phát sóng AIS. Nếu đầu tư hệ thống trạm AIS đủ để phủ sóng toàn bộ 7.000km đường thủy quốc gia cần rất nhiều trạm và nguồn kinh phí đầu tư, duy trì vận hành rất lớn.
Vì vậy, Cục Đường thủy đang rà soát, đánh giá lại những khó khăn, bất cập để đề xuất giải pháp bằng công nghệ phù hợp nhất”, ông Đạo nói và cho biết, phương án sử dụng công nghệ vệ tinh để quản lý phương tiện thủy thay cho trạm AIS trên bờ đã được tính đến.
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2018 của Bộ GTVT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy), tàu pha sông biển cấp VR-SB, phương tiện thủy loại lớn lắp đặt trước, loại nhỏ hơn lắp đặt sau.
Nhóm phương tiện nhỏ nhất và phải lắp AIS muộn nhất vào ngày 31/12/2022 là tàu SB dung tích từ 500GT trở lên, phương tiện thủy từ 800GT, phương tiện thủy chở khách từ 20 chỗ trở lên (đang hoạt động hoặc đóng mới). Đến nay, tổng số có khoảng 2.700 phương tiện thủy, trong đó khoảng 1.000 phương tiện thủy chở khách đã lắp AIS.