Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị Ngày 18/11, tại Hội nghị tăng cường giải pháp đảm bảo ATGT cho phương tiện thủy gia dụng do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp Ban ATGT TP Cần Thơ tổ chức, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT đường thuỷ, trong đó phải kể đến loại hình phương tiện thô sơ, phương tiện gia dụng.
Tai nạn giao thông đường thủy tăng, diễn biến phức tạp
Theo ông Khuất Việt Hùng, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả rõ rệt, trật tự, kỷ cương của hoạt động giao thông vận tải thủy được thiết lập, ổn định. Các tuyến luồng giao thông trở nên thông thoáng, ý thức người tham gia giao thông chuyển biến tích cực...
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm đường thủy nội địa xảy ra 52 vụ, làm chết 41 người, làm bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ (+4%), tăng 20 người chết (+95,24%), giảm 2 người bị thương (-28,57%).
“Chúng ta có nhận thấy TNGT liên quan đến phương tiện thô sơ chiếm tỉ lệ rất lớn trong số các vụ TNGT đường thủy nội địa. Điển hình 4 vụ lật thuyền xảy ra ở Quảng Nam, Bến Tre và Thừa Thiên-Huế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 18 người chết.
Quang cảnh hội nghị
Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố chủ quan, trong đó ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, kỹ năng xử lý tình huống chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc tránh, vượt, không nhường đường; chở quá tải, đi không đúng luồng tuyến.
Cần đặc biệt lưu ý tình trạng chở quá số người quy định dẫn đến tình trạng khi gặp điều kiện bất lợi sẽ gây mất cân bằng, làm đắm tàu thuyền”, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá.
Tại hội nghị, đại diện Ban ATGT các địa phương cho biết, thời gian qua, mặc dù TNGT đường thủy đã được kiềm chế, nhưng diễn biến vẫn phức tạp, đặc biệt là tai nạn liên quan đến loại hình phương tiện thủy thô sơ.
Bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ chia sẻ, các phương tiện thô sơ, gia dụng do người dân tự đóng và các cơ sở sản xuất thủ công, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định an toàn, hầu hết các phương tiện không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định, người lái phương tiện chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn...
Đồng quan điểm, ông Đinh Việt Trung, Trưởng phòng CSGT đường thủy tỉnh Quảng Nam phân tích thêm một số nguyên khác như: hoạt động giao thông đường thủy dân sinh thường bị chi phối bởi tập quán, kinh nghiệm, hành nghề theo kiểu cha truyền con nối, người điều khiển phương tiện chủ quan, thiếu kiến thức về an toàn, không biết điều khiển phương tiện đi theo đúng hướng, luồng,…
Bến khách ngang sông tự phát với hàng chục đò chèo có gắn máy đuôi tôm không đăng ký đăng kiểm, không phao cứu sinh hoạt động tại khu vực phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Ngoài ra, có thể thấy nguyên nhân gốc rễ là chính quyền cơ sở, cụ thể là UBND cấp xã chưa thật sự quan tâm đúng mức trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về ATGT đường thủy.
Bà Kiều Thị Diễm, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập trong các quy định pháp luật về điều kiện hoạt động của phương tiện, người lái như: chưa có quy định về bắt buộc mặc áo phao, đeo dụng cụ nổi cầm tay khi đi trên phương tiện này.
Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ người lái phương tiện thủy còn chưa cao, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy chưa điều chỉnh đầy đủ các quan hệ xã hội phát sinh, hoặc đã có quy định nhưng mức xử phạt còn thấp.
Để xảy ra tai nạn, cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm
Kết thúc hội nghị, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy Ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị trong thời gian tới các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, có giải pháp xử lý phù hợp đối với phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chủ yếu là phương tiện gia dụng, dân sinh, nhỏ.
Bà Trần Thị Xuân, Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị
Đối với các phương tiện đóng theo kinh nghiệm dân gian đang hoạt động ổn định đề nghị các địa phương khảo sát phân nhóm phương tiện và đề nghị Cục Đăng kiểm thẩm định thiết kế định hình theo các nhóm phương tiện đó để tạo điều kiện cho người dân vùng lòng hồ được đăng ký, đăng kiểm phương tiện và ổn định cuộc sống.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền gắn với điạ phương từ cấp cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”…
Song song đó, lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa.
Mặt khác, điều tra xác minh các vụ TNGT đường thuỷ có liên quan đến phương tiện gia dụng. Tham mưu cho Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân nơi xảy ra vụ TNGT đưa ra truy tố, xét xử vụ TNGT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, phân loại phương tiện thủy nội địa trên địa bàn, kể cả phương tiện thô sơ, để thuận tiện trong công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Đồng thời ban hành quy định về tổ chức quản lý đối với phương tiện thủy không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực, phương tiện có sức chở đến 12 người đủ điều kiện an toàn theo quy định.
“UBND cấp xã cần giám sát và quản lý chặt chẽ phương tiện thuỷ gia dụng, bến dân sinh thuộc địa bàn được phân công và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý”, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh.