Sáng kiến, được cuộc họp công bố với tên gọi MASSPorts, là một mạng lưới được hình thành bởi các quốc gia và tổ chức có cùng chí hướng để giải quyết các thách thức và đạt được sự thống nhất các tiêu chuẩn sử dụng cho các thử nghiệm và khai thác MASS tại các cảng.
Đại diện của chính quyền tàu mang cờ quốc tịch, chính quyền ven biển và chính quyền cảng từ Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc và Singapore đã dự cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của đại diện Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Hiệp hội Hỗ trợ hành hải và các cơ quan quản lý đèn biển (IALA ) và Hiệp hội Quốc tế các cảng và bến cảng (IAPH).
Các thành viên của MASSPorts là Cục Hàng hải Trung Quốc; Cơ quan Hàng hải Đan Mạch; Đại diện cấp cao tại IMO của Bộ Giao thông vận tải Phần Lan; Cục Hàng hải, Cục Quản lý cảng và bến cảng, Cơ quan bảo vệ bờ biển thuộc Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản; Chính quyền cảng Rotterdam; Cơ quan quản lý bờ biển Na Uy và Cục Hàng hải Na Uy; Bộ phận Vận tải biển và hậu cần thông minh của Bộ Đại dương và ngư nghiệp Hàn Quốc; Cục Hàng hải và cảng Singapore (MPA).
Bà Quah Ley Hoon, giám đốc điều hành của MPA cho biết: "Hành hải tự điều khiển là một phần quan trọng trong kế hoạch của chúng tôi để trở thành cảng sẵn sàng cho tương lai. Chúng tôi nhận thấy MASS có tiềm năng tăng cường an toàn hành hải và tăng năng suất vận chuyển."
Một số mục tiêu chi tiết của sáng kiến MASSPorts bao gồm xây dựng các hướng dẫn và điều kiện chi tiết cho các thử nghiệm MASS tại cảng, thiết lập thuật ngữ chung, hình thức và tiêu chuẩn thông tin liên lạc, báo cáo của tàu và trao đổi dữ liệu để tăng cường khả năng hoạt động liên thông của các hệ thống tại các cảng khác nhau và tạo điều kiện cho việc thử nghiệm MASS từ cảng đến cảng.
Ông Kim Chang Kyun, tổng giám đốc cố vấn chính sách của Bộ Đại dương và ngư nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Hàn Quốc sẽ đầu tư khoảng 130 triệu đô la Mỹ trong 6 năm từ 2020 đến 2025 để phát triển hệ thống hành hải tự điều khiển cho MASS, và áp dụng hệ thống này cho tàu thực tế khi có thể thực hiện các chuyến đi quốc tế."
Trong lĩnh vực này Nhật Bản đang tập trung vào ba loại công nghệ tự điều khiển: hành hải/tránh va tự điều khiển, hành hải điều khiển từ xa và điều khiển cập cầu tự động.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng hải Na Uy cho biết họ sẽ là chính quyền hàng hải đầu tiên đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về cách chấp nhận các tàu tự điều khiển trong các hoạt động thương mại quốc gia.
Ông Yang Xinzhai, phó tổng giám đốc Cục Hàng hải Trung Quốc nhận xét: "Sự phát triển của các công nghệ mới tiến bộ đang tạo ra ảnh hưởng toàn diện đến ngành vận tải biển, giúp tăng cường hơn nữa việc tích hợp vận tải biển vào chuỗi cung ứng toàn cầu, làm cho nó trở nên trơn tru, đáng tin cậy và hiệu quả hơn."
IMO, với vai trò cơ quan quản lý toàn cầu về vận tải biển quốc tế, từ năm 2018 đã bắt đầu việc xem xét cách thức hoạt động của MASS nhằm đảm bảo an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, trên cơ sở đó sẽ ban hành các quy định cụ thể về loại tàu này trong các văn kiện của tổ chức này. MASS được IMO định nghĩa là tàu thủy có thể hoạt động độc lập với sự tương tác của con người ở mức độ khác nhau.