Công ước MLC là trụ cột thứ tư của pháp luật hàng hải quốc tế, cùng với ba công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường: Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 (SOLAS), Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 (STCW), và Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định thư năm 1978 (MARPOL), tạo nên nền tảng pháp lý cho hoạt động vận tải biển trong thế kỷ XXI.
Đến nay, Công ước MLC đã nhận được sự phê chuẩn của 65 quốc gia thành viên ILO với tổng dung tích đội tàu biển tổng cộng chiến trên 80 phầm trăm đội thương thuyền toàn cầu.
Công ước MLC thiết lập các yêu cầu tối thiểu liên quan đến điều kiện sống và làm việc đối với thuyền viên, bao gồm 5 nội dung lớn sau đây:
• Các yêu cầu tối thiểu đối với thuyền viên làm việc trên tàu.
• Điều kiện tuyển dụng thuyền viên.
• Khu vực sinh hoạt, phương tiện giải trí, thực phẩm và việc cung cấp thực phẩm cho thuyền viên.
• Bảo vệ sức khỏe, chăm sóc y tế, phúc lợi và an sinh xã hội đối với thuyền viên.
• Việc tuân thủ và thi hành Công ước.
Các tàu thương mại có tổng dung tích từ 500 trở lên thực hiện các chuyến đi quốc tế yêu cầu phải có giấy chứng nhận theo quy định của Công ước MLC, cụ thể là phải có Giấy chứng nhận Lao động hàng hải (MLC) và Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải (DMLCI và DMLCII) để chứng minh là tàu tuân thủ các yêu cầu của Công ước.
Trong quá trình hoạt động, khi đến cảng nước ngoài, tàu sẽ được Chính quyền cảng thực hiện kiểm tra (kiểm tra PSC) để xác nhận sự đáp ứng thỏa mãn các quy định của Công ước MLC. Trong trường hợp phát hiện có các khiếm khuyết nghiêm trọng trên tàu liên quan đến việc thực hiện Công ước MLC, tàu có thể bị Chính quyền cảng lưu giữ cho đến khi khiếm khuyết được khắc phục một cách thỏa đáng.
Số liệu thống kê cho thấy trong thời gian một năm qua đã có 160 tàu biển bị các Chính quyền cảng trên thế giới lưu giữ vì có các khiếm khuyết liên quan đến Công ước MLC. Các khiếm khuyết phổ biến dẫn đến việc tàu bị lưu giữ là:
• Ghi chép về thời giờ nghỉ ngơi.
• Hợp đồng lao động của thuyền viên.
• Định biên an toàn tối thiểu của tàu.
• Trả lương.
• Điều kiện vệ sinh của khu vực sinh hoạt thuyền viên.
Tại khu vực Tokyo-MOU (Tổ chức các quốc gia tham gia bản ghi nhớ về hợp tác kiểm tra của các Chính quyền cảng khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Australia và Trung Quốc lưu giữ tới 60 phầm trăm tổng số tàu bị lưu giữ trong khu vực do có các khiếm khuyết liên quan đến Công ước MLC. Trong khi đó, tại khu vực Paris-MOU (Tổ chức các quốc gia tham gia bản ghi nhớ về hợp tác kiểm tra của các Chính quyền cảng khu vực Tây Âu - Bắc Đại Tây Dương), Tây-Ban-Nha, Liên bang Nga và Bun-Ga-Ri lưu giữ tới 40 phầm trăm tổng số tàu bị lưu giữ trong khu vực do có các khiếm khuyết liên quan đến Công ước này.
Mới đây Cơ quan An toàn hàng hải Australia (AMSA) đã cấm một tàu nước ngoài không được đến cảng của nước này trong thời gian 3 tháng do lặp lại các vi phạm về phúc lợi của thuyền viên và công tác bảo dưỡng tàu. Tàu này đã bị lưu giữ 3 lần trong thời thời gian từ tháng 7 năm 2013 đến nay. Tại các đợt kiểm tra tàu, AMSA phát hiện các vấn đề không phù hợp liên quan việc trả lương cho thuyền viên, điều kiện sống và làm việc của thuyền viên không thỏa đáng, tàu không được bảo dưỡng theo đúng quy định.
Từ ngày 01 tháng 9 năm 2014, các Chính quyền cảng trên thế giời đồng loạt thực hiện Chiến dịch kiểm tra tập trung về thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên trong thời gian 3 tháng. Qua gần 2 tháng thực hiện Chiến dịch, đã có nhiều tàu bị phát hiện vi phạm các quy định về thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên dẫn đến việc bị lưu giữ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ra nhập và triển khai thực hiện Công ước MLC đối với đội tàu biển Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rất tích cực và khẩn trương trong việc nghiên cứu đề xuất ra nhập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc áp dụng Công ước tại Việt Nam, đặc biệt trong việc xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý lao động hàng hải, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các công việc liên quan.
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22 tháng 3 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 547/2013/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước Lao động Hàng hải. Theo đó, Công ước MLC chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 08 tháng 5 năm 2014. Tiếp theo, ngày 25 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Lao động hàng hải năm 2006, và ngày 12 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký Quyết định số 2382/QĐ-BGTVT phê duyệt Kế hoạc triển khai thực hiện Quyết định số 1221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Thông tư số 45/2013/TT-BGTVT ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tảu quy định thủ tục cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải, trong 11 tháng qua Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khẩn trương triển khai thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, phê duyệt và cấp Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải Phần II (DMLCII) và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải (MLC) cho đội tàu biển Việt Nam. Đến nay, 345 trên 372 tàu biển Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải thể hiện sự tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước MLC về lao động hàng hải.
Bên cạnh đội tàu biển Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn thực hiện việc đánh giá và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho nhiều tàu biển mang cờ quốc tịch Panama, Kiribati, Campuchia, Mongolia, Belize, … theo sự ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền quốc gia tàu mang cờ quốc tịch. Các tàu biển được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải đều hoạt động thuận lợi tại các cảng nước ngoài, chưa có trường hợp tàu nào bị lưu giữ bởi Chính quyền cảng do có khiếm khuyết liên quan đến lao động hàng hải. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định về lao động hàng hải đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 10 tháng đầu năm 2014 xuống xấp xỉ 4 phần trăm, đây là con số thấp nhất từ trước đến nay.
Song song với công tác đánh giá và cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải, hiện nay Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tích cực tham gia việc xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (hiện tại dự thảo này đã được trình Chính phủ xem xét, phê duyệt để ban hành); tham gia vào các hoạt động của Ban Chỉ đạo, Hội đồng ba bên và Tổ Công tác triển khai Công ước Lao động hàng hải được thành lập theo Quyết định số 134/QQD-BGTVT ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; tham gia đoàn đại biển Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban ba bên đặc biệt được thành lập theo quy định của Công ước MLC được tổ chức tại trụ sở ILO, Geneva, Thụy Sỹ, đầu tháng 4 năm 2014 để thông qua một số sửa đổi, bổ sung đối với Công ước MLC; chuẩn bị số liệu phục vụ cho việc xây dựng báo cáo của Việt Nam trình ILO về công tác triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về lao động hàng hải. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã có các hướng dẫn chi tiết để công ty quản lý tàu, sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu chuẩn bị cho công tác kiểm tra tàu của Chính quyền cảng liên quan đến Công ước MLC, đặc biệt là Chiến dịch kiểm tra tập trung về thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 30 tháng 11 năm 2014.
Qua một năm hết sức cố gắng, khắc phục nhiều khó khăn, nhất là do tác động của suy thoái kinh tế, có thể khẳng định Cộng đồng Hàng hải Việt Nam đã triển khai thực hiện thành công Công ước MLC, góp phần đảm bảo sự hoạt động liên tục, thông suốt và hiệu quả của đội tàu biển Việt Nam trên các hải trình quốc tế. Các công ty quản lý tàu, chủ tàu và sỹ quan, thuyền viên tàu biển Việt Nam đã có những chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong việc thực hiện các quy định về lao động hàng hải của quốc gia và quốc tế. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi để tạo nên môi trường sống và làm việc an toàn, an ninh, tiến bộ và nhân văn cho mỗi thuyền viên đang ngày đêm gắn bó với những con tàu ngược xuôi khắp thế giới, từ đó làm tăng khả năng hoạt động an toàn, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế của cả ngành vận tải biển Việt Nam.