Tại khóa họp thứ 76 được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 10 đến 17/10/2021, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu" của Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) yêu cầu các tàu hiện có giảm phát thải khí nhà kính. Các sửa đổi, bổ sung này kết hợp các phương pháp tiếp cận kỹ thuật và vận hành để cải thiện hiệu quả năng lượng của tàu, đồng thời thiết lập các nền tảng quan trọng cho các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính trong tương lai.
Các biện pháp mới yêu cầu tính toán Chỉ số hiệu quả năng lượng của tàu hiện có (Energy Efficiency Existing Ship Index - EEXI) theo các biện pháp kỹ thuật để cải thiện hiệu quả năng lượng, thiết lập chỉ số cường độ cácbon hoạt động hàng năm (Carbon Intensity Indicator - CII) và xếp hạng CII của tàu. Cường độ cácbon liên kết lượng phát thải khí nhà kính với lượng hàng hóa được vận chuyển trên quãng đường di chuyển của tàu.
Các tàu sẽ được xếp hạng về hiệu quả sử dụng năng lượng (A, B, C, D, E - trong đó A là tốt nhất). Các chính quyền hàng hải, chính quyền cảng và các bên liên quan khác được khuyến nghị áp dụng các biện pháp mang tính khuyến khích cho các tàu được xếp hạng A hoặc B, đồng thời phát đi tín hiệu mạnh mẽ đối với thị trường và lĩnh vực tài chính về việc xếp hạng này.
Tàu được xếp hạng D trong ba năm liên tiếp hoặc hạng E sẽ phải trình kế hoạch hành động khắc phục, để chỉ ra cách đạt được chỉ số yêu cầu (hạng C hoặc cao hơn).
Các sửa đổi, bổ sung nêu trên đối với Phụ lục VI của Công ước MARPOL dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 01/11/2022, trong đó các yêu cầu về chứng nhận EEXI và CII sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Điều này có nghĩa là báo cáo thường niên đầu tiên sẽ được hoàn thành trong năm 2023, với xếp hạng đầu tiên cho đội tàu thế giới sẽ được đưa ra trong năm 2024.
IMO được yêu cầu xem xét tính hiệu quả của việc thực hiện các quy định về CII và EEXI chậm nhất là vào ngày 01/01/2026; và nếu thấy cần thiết, sẽ xây dựng và thông qua các sửa đổi, bổ sung tiếp theo.
Đồng thời với sửa đổi, bổ sung Phụ lục VI của Công ước MARPOL, tại khóa họp thứ 76 MEPC đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối được tóm tắt dưới đây.
Cấm dầu nhiên liệu nặng (HFO) ở Bắc Cực
MEPC đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục I "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm dầu" của Công ước MARPOL, thêm vào quy định mới 43A về việc cấm tàu sử dụng và vận chuyển HFO dùng làm nhiên liệu ở vùng biển Bắc Cực từ ngày 01/7/2024.
Việc cấm nêu trên bao gồm việc sử dụng và vận chuyển để sử dụng làm nhiên liệu dầu có tỷ trọng ở 15°C cao hơn 900 kg/m3 hoặc độ nhớt động học ở 50°C cao hơn 180 mm2/s. Các tàu tham gia vào việc đảm bảo an toàn hàng hải hoặc trong các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và các tàu chuyên dùng ứng phó sự cố tràn dầu được miễn trừ áp dụng quy định cấm này. Các tàu đáp ứng các tiêu chuẩn đóng tàu cụ thể liên quan đến việc bảo vệ két chứa dầu nhiên liệu sẽ phải tuân thủ từ ngày 01/7/2029.
Sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục I và Phụ lục IV của Công MARPOL liên quan đến việc miễn kiểm tra và chứng nhận cho các sà lan không tự hành không có thuyền viên (UNSP) khỏi các yêu cầu khảo sát và chứng nhận
MEPC đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục I "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm dầu" và Phụ lục IV "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải từ tàu" của Công ước MARPOL liên quan đến việc miễn trừ áp dụng các quy định về kiểm tra và chứng nhận cho các sà lan không tự hành không có thuyền viên (Unmanned Non-self-propelled Barge - UNSP).
Các sửa đổi, bổ sung nêu trên quy định chính quyền hàng hải có thể miễn áp dụng các yêu cầu về kiểm tra hàng năm và chứng nhận cho sà lan UNSP trong thời gian không quá 5 năm, với điều kiện sà lan đã được kiểm tra để xác nhận đáp ứng một số điều kiện.
Sửa đổi Công ước Quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu (AFS)
MEPC đã thông qua các sửa đổi, bổ sung đối với Công ước AFS, bao gồm các biện pháp kiểm soát đối với chất diệt khuẩn cybutryne. Hiện tại Công ước AFS đã cấm sử dụng chất diệt khuẩn sử dụng các hợp chất organotin./.