ILO: Hướng dẫn tuân thủ Công ước Lao động hàng hải trong bối cảnh đại dịch COVID-19

10/04/2020

Những người đi biển cần được bảo vệ đầy đủ khỏi đại dịch COVID-19, được tiếp cận chăm sóc y tế và có thể đi đến hoặc rời tàu của họ trong trường hợp cần thiết, nhằm tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của họ là giữ cho dòng chảy thương mại thế giới hoạt động.


Đại dịch virus corona (COVID-19) đã tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống và tác động rất xấu đến tình hình việc làm trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực hàng hải, đại dịch đã làm gián đoạn nghiêm trọng chức năng vận chuyển của đội tàu biển và ảnh hưởng đến công việc của gần 2 triệu người đi biển toàn cầu. Các biện pháp kiềm chế sự lây lan của COVID-19 mà các quốc gia đang thực hiện như hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, cách ly kiểm dịch y tế, … đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của thuyền viên và hoạt động của tàu. Nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng của thuyền viên đã bị vi phạm nghiêm trọng.

Tổng Giám đốc của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, ông Guy Ryder, đã yêu cầu các chính phủ đảm bảo trong những thời điểm khó khăn này, những người đi biển được bảo vệ đầy đủ khỏi đại dịch COVID-19, được tiếp cận chăm sóc y tế và có thể đi đến hoặc rời tàu của họ trong trường hợp cần thiết, nhằm tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của họ là giữ cho dòng chảy thương mại thế giới hoạt động.

Các thành viên của Ủy ban Ba bên đặc biệt (bao gồm đại diện của các chính phủ, các tổ chức của chủ tàu và các tổ chức của thuyền viên) được thành lập theo Điều XIII của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC, 2006) đã kêu gọi Văn phòng Lao động quốc tế của ILO nâng cao nhận thức của các chính phủ, bao gồm các quốc gia cung cấp lao động, các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có cảng và quốc gia tàu mang cờ quốc tịch, đó là hàng hóa mà tất cả chúng ta dựa vào trong cuộc sống hàng ngày được vận chuyển bởi những người đi biển, và những người đi biển cũng xứng đáng như mọi người khác, cần được đối xử với nhân phẩm và tôn trọng để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ sống còn cho thế giới.

Nhiều chính phủ cùng với các tổ chức của thuyền viên và chủ tàu đã mong muốn Văn phòng Lao động quốc tế có hướng dẫn cách giải quyết sự phức tạp của cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến quyền lợi của thuyền viên theo quy định của Công ước MLC, 2006.

Đáp ứng đòi hỏi nêu trên, ngày 07/4/2020, Văn phòng Lao động quốc tế của ILO đã ban hành tài liệu "Thông tin lưu ý về các vấn đề lao động hàng hải và virus corona (COVID-19)" (truy cập nguyên bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của tài liệu tại liên kết: http://www.vr.org.vn/Pages/thong-bao.aspx?ItemID=1134), đưa ra hướng dẫn cho các chính phủ về 11 vấn đề liên quan đến tuân thủ Công ước MLC, 2006 nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền lợi của thuyền viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19:

(1)   An toàn và sức khỏe của thuyền viên ;

(2)    Tạo thuận lợi cho việc quá cảnh, thay đổi và hồi hương thuyền viên;

(3)   Hết hạn hợp đồng lao động thuyền viên;

(4)   Thời gian phục vụ tối đa trên tàu và các biện pháp bảo vệ thuyền  viên;

(5)   Giảm định biên tối thiểu của tàu;

(6)   Hết hạn giấy chứng nhận sức khỏe của thuyền  viên;

(7)   Chứng nhận về huấn luyện và năng lực chuyên môn của thuyền  viên;

(8)   Giấy chứng nhận lao động hàng hải và kiểm tra tàu;

(9)   Bảo trợ xã hội - Thuyền viên được hưởng chế độ nghỉ ốm có lương trong trường hợp bị nhiễm bệnh hoặc cách ly;

(10) Nghỉ trên bờ và các cơ sở phúc lợi cho thuyền viên trong đại dịch;

(11) Bỏ rơi thuyền viên.

Trong khi thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã tạo ra những hoàn cảnh bất khả kháng trong việc tuân thủ các quy định về quyền lợi của thuyền viên theo Công ước MLC, 2006, tài liệu mới ban hành của Văn phòng Lao động quốc tế nhấn mạnh: "các bên liên quan cần thực hiện mọi nỗ lực để tuân thủ nghĩa vụ của họ theo MLC, 2006, việc miễn trừ không tuân thủ quy định nào đó chỉ được phép khi mà việc thực hiện quy định đó rõ ràng là không thể và khách quan, vì lý do xảy ra sự kiện không thể cưỡng lại được. Mặc dù các nhà chức trách được khuyến khích thực dụng trong cách tiếp cận của họ ở các tình huống hiện tại, họ cũng cần đảm bảo rằng đại dịch COVID-19 không được sử dụng như một lý do để vi phạm MLC, 2006."

Tác giả: V. Hải