Ngành vận tải biển cũng không thể đứng ngoài cuộc khi có nhiều quốc gia ủng hộ mục tiêu khí thải nghiêm ngặt hơn với ngành này. Vận tải biển hiện đảm nhận lưu thông khoảng 90% hàng hóa thương mại toàn cầu và ước tính gây ra gần 3% lượng khí thải carbon của toàn thế giới. Theo Reuters, ngành vận tải biển đã tránh được hệ thống phí ô nhiễm của Liên minh Châu Âu EU trong vòng hơn 1 thập kỷ qua.
Tuy nhiên, ngành vận tải biển trong những năm tới sẽ phải đối mặt với việc siết chặt hơn về mục tiêu giảm khí thải khi Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), cơ quan vận tải biển của Liên hợp quốc, đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các tàu biển so với năm 2008.
Ông Tim McPhie, phát ngôn viên về Hành động chống biến đổi khí hậu của Ủy ban Châu Âu cho biết: “Ngành vận tải biển đang đóng góp một lượng không nhỏ khí thải carbon bằng việc sử dụng nhiều loại dầu nhiên liệu nặng gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ngành này phải chia sẻ gánh nặng giảm khí thải với các lĩnh vực khác để giúp chúng ta đạt mục tiêu ngắn hạn vào năm 2030 và mục tiêu dài hạn vào năm 2050”.
Ngày 01/11, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, hơn 10 quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh cùng ký tuyên bố ủng hộ mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đối với ngành hàng hải trên toàn cầu. Ngày 10/11 mới đây, một liên minh gồm 19 nước đã nhất trí thiết lập các tuyến vận tải biển “xanh” kết nối các cảng để tăng tốc tiến trình phi carbon hóa ngành hàng hải toàn cầu.
Theo đó, thỏa thuận mới có tên là Tuyên bố Clydebank đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thiết lập ít nhất 6 hành lang vận tải biển xanh. Việc thiết lập các hành lang này đòi hỏi phải có hệ thống cung ứng nhiên liệu không phát thải khí carbon và các cơ sở hạ tầng tương ứng cũng như các cơ chế quản lý đi kèm. Các bên tham gia thỏa thuận cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2030 sẽ đưa thêm nhiều tuyến đường vận tải biển xanh vào vận hành.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cho rằng việc các bên triển khai thỏa thuận là một bước tiến lớn: “Mỹ tự hào khi chính thức tham gia tuyên bố Clydebank từ ngày hôm nay. Các cảng biển của chúng tôi sẽ có thể là khởi đầu cho hệ thống giao thông xanh, tạo tiền đề cho các sáng kiến xanh, hay các khoản đầu tư, chính sách liên quan sau này. Chúng tôi cam kết rằng, Mỹ không chỉ đơn giản là ký tham gia tuyên bố, mà sẽ lập tức hành động để thực hiện các mục tiêu đã đề ra”.
Trước đó, vào hồi tháng 7, Ủy ban Châu Âu đề xuất đề xuất mở rộng thị trường carbon, tức là nơi mua bán quyền phát thải khí carbon, sang lĩnh vực hàng hải cũng như đánh thuế khí thải mạnh vào lĩnh vực này.
Theo Tổ chức hàng hải quốc tế, giảm khí thải carbon trong ngành vận tải biển sẽ là một bước quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Nhưng chi phí cho các loại nhiên liệu mới là chìa khóa quan trọng; bởi giá các loại nhiên liệu thay thế cao hơn nhiều so với dầu diesel nặng.
Do đó, tiến trình giảm khí thải carbon cùng các biện pháp có liên quan cần được triển khai ở mức độ rộng, thậm chí là toàn cầu. Nếu không, sẽ làm tăng phí vận chuyển, và người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Hiện một số quốc gia đã bắt đầu thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng vận tải biển “xanh” như nguồn nhiên liệu xanh, các con tàu sử dụng nhiên liệu sạch hay cảng biển thân thiện với môi trường.
Một trong số đó là cảng Thiên Tân tại miền Bắc Trung Quốc. Theo Reuters, khu C của cảng này mới được hoàn thiện theo hướng cảng thông minh và hướng tới giảm lượng khí thải carbon. Theo đó, nguồn năng lượng để duy trì cảng hầu hết là dùng điện gió và điện mặt trời. Cảng cũng được lắp đặt nhiều thiết bị giảm sát khí thải, giúp nhà quản lý có thể phát hiện và đưa ra giải pháp kịp thời trong khi vận hành.
Ông Chu Bin, giám đốc điều hành cảng Thiên Tân chia sẻ: “Nhà ga mới của cảng là thành quả cho sự nỗ lực của chúng tôi trong việc hướng tới xây dựng các cảng biển xanh và thông minh. Đây có thể là mô hình cho thế giới học tập trong việc chuyển đổi, nâng cấp và vận hành các cảng biến thế hệ mới thân thiện với môi trường”.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040.
Đánh giá về cam kết này, nhiều tờ báo lớn của Anh như Financial Times, The Guardian, The Independent cũng như nhiều chuyên gia, thành viên tham dự hội nghị cho rằng, mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.