Cục trưởng chỉ đạo một số giải pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ

24/03/2014

Ngày 20 tháng 3, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có cuộc họp với Phòng Tàu biển để chỉ đạo một số nội dung về giải pháp giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ tại các cảng nước ngoài.

Từ đầu năm đến nay, tại khu vực Tokyo-Mou, có 8 lượt tàu biển Việt nam bị lưu giữ tại các cảng trên tổng số 152 lượt Chính quyền cảng kiểm tra, tỷ lệ lưu giữ là 5,26%. Theo các số liệu thống kê, trong năm 2013 các tàu bị lưu giữ chủ yếu là tàu chở hàng tổng hợp và tàu hàng rời, tuổi tàu dưới 5 tuổi, từ 5 tuổi đến 10 tuổi và từ 15 tuổi đến 20 tuổi, dung tích từ 1.600 GT đến 10.000 GT, khu vực lưu giữ phần lớn tại Trung Quốc, Ấn Độ. Tàu bị lưu giữ do khiếm khuyết, theo thứ tự: an toàn cứu hỏa, an toàn hàng hải, cứu sinh, máy chính, máy phụ, quản lý an toàn.

Theo đánh giá chung, Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo-Mou đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu.

Có nhiều nguyên nhân làm tàu bị lưu giữ. Đội tàu phát triển quá nhanh, nhiều chủ tàu, nhất là các chủ tàu nhỏ, chưa có kinh nghiệm quản lý và sự hiểu biết các quy định quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh và phòng chống ô nhiễm môi trường. Các cơ sở đóng tàu nhỏ hạn chế về năng lực, không xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, không tuân thủ các bước kiểm tra. Các công ty vận tải khó khăn, phải giảm kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa. Công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam chưa phát triển làm ảnh hưởng đến chất lượng đóng tàu. Một số tàu tuổi quá cao, có tàu đến 38 tuổi. Trách nhiệm và nguyên nhân từ phía Đăng kiểm có thể kể đến, đó là công tác kiểm soát của lãnh đạo các đơn vị và phòng chức năng chưa chặt chẽ, thường chỉ tập trung vào giai đoạn sắp hoàn thành, chưa tổ chức hậu kiểm kịp thời để xử lý vi phạm; đội ngũ Đăng kiểm viên một số đơn vị còn yếu về nghiệp vụ, thiếu mẫn cán hoặc chưa kiên quyết trong giám sát kỹ thuật. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa nhịp nhàng, kịp thời v.v…

Phòng Tàu biển đã đưa ra giải pháp chi tiết, trong đó có những giải pháp đối với Phòng là đơn vị tham mưu chỉ đạo nghiệp vụ cho Cục về công tác giám sát kỹ thuật, phân cấp tàu biển và giải pháp cho các chi cục đăng kiểm tàu biển. Trước hết, Phòng kịp thời sửa đổi, bổ sung cập nhật các hướng dẫn giám sát kỹ thuật, biểu mẫu đăng kiểm tàu biển; theo dõi sát sao việc phân công Đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra trên mạng để xem xét sự phù hợp với năng lực được công nhận. Công tác soát xét hồ sơ kiểm tra tàu biển được tăng cường, hồ sơ phải được soát xét trong thời gian 1 tháng từ ngày nhận hồ sơ, thay vì 5 tháng như trước đây; đồng thời đề xuất hạ lương nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc, hậu kiểm công tác kiểm tra giám sát kỹ thuật tàu biển đang khai thác. Tăng cường kiểm soát quá trình đối với tàu biển đóng mới, như: lập sổ theo dõi và cấp số phân biệt dự án đóng mới; rà soát Danh mục kiểm tra và tổ chức, thực hiện nghiêm việc kiểm soát quá trình. Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân và đơn vị liên quan đối với các tàu biển bị lưu giữ PSC. Phối hợp với Trung tâm Đào tạo đưa chương trình giáo dục đạo đức, nghề nghiệp, trách nhiệm đối với lãnh đạo và Đăng kiểm viên vào chương trình đạo tạo mới và đào tạo cập nhật.

Phòng Tàu biển đưa ra giải pháp đối với các đơn vị đăng kiểm tàu biển: tăng cường kiểm soát các tàu biển đóng mới và tàu đang khai thác; tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển và cơ sở cung cấp dịch vụ; đào tạo lại Đăng kiểm viên. Ngoài việc phải thực hiện đầy đủ quy định kiểm tra, hướng dẫn, Đăng kiểm viên còn phải thực hiện các quy định mới như: chụp ảnh tổng đoạn hoặc dải tôn đáy đã được đóng số phân biệt và các nội dung kiểm tra, thông báo cho Phòng Tàu biển tên và vị trí tàu trong thời gian 2 ngày trước khi cấp giấy chứng nhận để Cục xem xét việc hậu kiểm.

Phòng Tàu biển đã kiến nghị và đề xuất với Cục trưởng một số vấn đề về: bổ sung nhân lực; xem xét tạm dừng công tác kiểm tra tàu biển chạy tuyến quốc tế của một số đơn vị đăng kiểm tàu biển nhỏ, năng lực yếu; đầu tư xây dựng phần mềm; cử Đăng kiểm viên tham gia các khóa đào tạo của Trường Đại học hàng hải thế giới và tham dự các kỳ họp, hội thảo quốc tế cũng như cử Đăng kiểm viên đi đào tạo ở các cơ quan đăng kiểm nước ngoài.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận một cách thẳng thắn, cởi mở của Phòng Tàu biển với tinh thần quyết tâm đổi mới công tác đăng kiểm tàu biển ngay từ Phòng tới các chi cục, Cục trưởng đã kết luận và chỉ đạo một số nội dung. Phòng Tàu biển cần rà soát lại các giải pháp đưa ra nhằm giảm thiểu tàu bị lưu giữ tại các cảng nước ngoài, nhưng phải có giải pháp mang tính đột phá. Phòng cần phối hợp với các Phòng Quy phạm, Phòng Công nghiệp rà soát lại nội dung các quy trình kiểm tra, đặc biệt là nội dung liên quan đến việc lắp đặt các trang thiết bị lên tàu để các chi cục thực hiện tốt hơn. Cần tăng cường tổ chức hậu kiểm không báo trước, xem xét về quy trình kiểm tra chéo; nếu thấy cần thiết kết hợp với cảng vụ để cùng kiểm tra. Đào tạo lại Đăng kiểm viên, nghiên cứu, đề xuất chế độ đãi ngộ cho Đăng kiểm viên có năng lực thông qua đánh giá và yêu cầu việc đánh giá Đăng kiểm viên phải mang tính khách quan, công bằng. Đề nghị Phòng phân cán bộ, nhóm phụ trách các nhóm chủ tàu để chủ động trong hoạt động chỉ đạo, kiểm soát và phối hợp; cần tổ chức hội nghị đối thoại với chủ tàu. Chỉ đạo Đăng kiểm viên kiên quyết không cấp giấy chứng nhận cho tàu, thiết bị không đạt tiêu chuẩn quy định. Nhanh chóng đưa phần mềm quản lý tàu biển đang được nâng cấp vào hoạt động để tăng cường kiểm soát. Cục trưởng cũng đề nghị Phòng xem xét việc áp dụng niên hạn sử dụng tàu biển, thăm dò ý kiến của chủ tàu, vì cũng có nước đã áp dụng niên hạn sử dụng đối với tàu biển; tuy nhiên cần thận trọng vì có thể ảnh hưởng lớn đến đội tàu biển nước ta.

Tác giả: Tạp chí ĐK - VR