Cả nước có thêm 5 tuyến vận tải từ bờ ra đảo

22/03/2022

Trong 5 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo mới vừa được công bố, có 4 tuyến thuộc địa phận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Đà Nẵng.

210322.12.jpg

Tàu cao tốc chở khách trên một tuyến từ bờ ra đảo ở Quảng Ninh​

Theo Thông tư số 30/2021 của Bộ GTVT (về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam) vừa có hiệu lực thi hành, có 34 tuyến nằm trong danh mục tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được công bố quản lý, khai thác vận tải.

So với trước đó, danh mục trên bổ sung tuyến TP.HCM - Côn Đảo ở miền Nam và 4 tuyến ở các tỉnh miền Trung, gồm: Đà Nẵng - Lý Sơn (Đà Nẵng và Quảng Ngãi), Cửa Tùng - Cồn Cỏ (Quảng Trị), Vịnh An Hòa - Lý Sơn (Quảng Nam và Quảng Ngãi) và tuyến Cửa Đại - Lý Sơn (Quảng Nam và Quảng Ngãi). Trước đó, các địa phương đề xuất Bộ GTVT bổ sung, công bố các tuyến vận tải trên để phục vụ khai thác vận tải, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, du lịch tại địa phương.

Thông tư trên cũng quy định điều kiện của phương tiện vận tải trên tuyến TP.HCM - Côn Đảo tối thiểu từ tàu biển cấp hạn chế II; đối với 4 tuyến miền Trung tối thiểu là phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB hoặc tàu biển cấp hạn chế III trở lên.

Để tham gia khai thác vận tải khách các tuyến trên, theo quy định hiện hành, đơn vị có nhu cầu khai thác thực hiện đăng ký và được cơ quan quản lý chấp thuận. Cụ thể, gửi hồ sơ đăng ký (gồm bản đăng ký, văn bản thống nhất hoặc hợp đồng với cảng bến đồng ý tiếp nhận phương tiện; bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đăng ký, đăng kiểm phương tiện) đến Cảng vụ Hàng hải khu vực trực tiếp quản lý tuyến để xin cấp phép. Sau khi nhận hồ sơ, Cảng vụ Hàng hải thống nhất với Sở GTVT địa phương nơi có cảng, bến để cấp phép khai thác vận tải.

Được biết, 34 tuyến từ bờ ra đảo được quy định tại thông tư trên hiện do Cục Hàng hải VN trực tiếp quản lý. Ngoài ra, theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện có 5 tuyến từ bờ ra đảo được ủy quyền cho Sở GTVT các địa phương quản lý: Cái Rồng - Cô Tô (Quảng Ninh), Hải Phòng - Cát Bà (Hải Phòng), Lan Châu - Hòn Ngư (Nghệ An), Lạch Bạng - Hòn Mê (Thanh Hóa) và Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

Tại các tuyến ủy quyền, Sở GTVT địa phương thực hiện quản lý cấp phép phương tiện thủy vào, rời cảng bến; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm tại cảng, bến thủy và quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng luồng tuyến vận tải.

Hơn 1.500 tàu cao tốc sắp được gắn bảng thông báo tốc độ

210322.13.jpg

Một mẫu tàu cao tốc chở khách hoạt động tuyến ven biển

Cục Đăng kiểm VN cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật nhằm nâng chất lượng quản lý an toàn phương tiện thủy cao tốc chở khách. Theo đó, trước mắt thực hiện gắn bảng thông tin đồ thị dải tốc độ của phương tiện tại vị trí ca bin lái nhằm tạo sự chú ý trực tiếp của người điều khiển phương tiện.

Trong hồ sơ thiết kế, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu cao tốc có thông số về tốc độ tối đa, dải tốc độ tương ứng với điều kiện chiều cao sóng, khi phương tiện quay trở. Tuy nhiên, do trên các tuyến vận tải thủy chưa quy định về tốc độ tối đa nên có thể khiến người điều khiển thiếu chú ý, tuân thủ dẫn đến vi phạm tốc độ. Việc gắn đồ thị dải tốc độ phương tiện nhằm giúp người điều khiển dễ quan sát, góp phần cảnh báo không chạy quá tốc độ tối đa theo thiết kể để phòng ngừa sự cố, tai nạn.

Tàu cao tốc chở khách, theo quy định tại Nghị định số 111/2014 của Chính phủ (quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu), là tàu khách hoạt động ở chế độ lướt mà thân tàu tách hoàn toàn khỏi mặt nước do lực nâng khí động học tạo ra bởi hiệu ứng bề mặt, có tốc độ lớn nhất từ 30 km/giờ trở lên ở trạng thái đầy tải.

Đến nay toàn quốc 1.534 tàu cao tốc chở khách được cấp chứng nhận đăng kiểm, tuổi tàu trung bình 7,45 năm, với tống sức chở hơn 52.700 người. Bảng thông tin tốc độ sẽ được thiết kế đơn giản, hợp lý, không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay phát sinh chi phí cho chủ phương tiện.

Được biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn tàu cao tốc làm 17 người thiệt mạng xảy ra ngày 26/2 trên tuyến vận tải từ bờ ra đảo Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các Cục Đường thủy nội địa VN, Hàng hải, Đăng kiểm VN rà soát, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo thuyền viên, phương tiện đối với hoạt động vận tải khách bằng tàu VR-SB trên các tuyến từ bờ ra đảo.

Hiện, các đơn vị đăng kiểm thủy trực thuộc Cục Đăng kiểm VN đang phối hợp với lực lượng cảng vụ, thanh tra đường thủy, hàng hải triển khai đợt kiểm tra, rà soát an toàn kỹ thuật phương tiện tàu thủy chở khách cao tốc mang cấp VR-SB, tàu biển cao tốc chở khách từ bờ ra đảo.

Theo các đơn vị đăng kiểm, trường hợp tàu còn thời hạn đăng kiểm nhưng không duy trì trạng thái an toàn kỹ thuật, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu chủ phương tiện phải sửa chữa, khắc phục theo quy chuẩn mới được tiếp tục khai thác vận tải.

Tác giả: HL