
Những bến đò “3 không”
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong tổng số 2.538 bến đò ngang đang hoạt động, có 1.863 bến có giấy phép hoạt động còn hạn, 110 giấy phép hoạt động hết hạn và 565 bến không có giấy phép hoạt động. Với 3.011 phương tiện thủy chở khách đang hoạt động, có gần 300 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Tình trạng phương tiện chưa được trang bị áo phao, dụng cụ nổi cầm tay, hoặc có trang bị nhưng chỉ là hình thức còn diễn ra phổ biến.
Tình trạng bến đò “3 không” (phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; bến không có giấy phép hoạt động và người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn) đang tồn tại ở nhiều địa phương. Đáng chú ý, hiện cả nước có 28 địa phương có hoạt động chở học sinh đi học qua sông bằng phương tiện thủy, với tổng số 294 điểm đón, 766 phương tiện. Trong đó có 26 điểm đón công cộng do các gia đình tự đưa con đi học qua sông bằng phương tiện thủy. Ngoài ra còn có hàng trăm điểm lẻ đưa đón con do các gia đình tự thực hiện.
Mặc dù lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và xử lý đối với những bến đò ngang không đủ điều kiện an toàn nhưng tình hình vi phạm Luật Giao thông đường thủy của các chủ phương tiện, các bến đò ngang vẫn diễn ra thường xuyên. Thậm chí, biết hoạt động đưa đón khách khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép là sai quy định, nhưng do nhu cầu đi lại của người dân và học sinh nên một số chủ bến vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý chưa được triệt để hay không có nơi tạm giữ phương tiện, nên việc đình chỉ hoạt động các bến này dường như không khả thi. Thực tế cho thấy, nhiều sở giao thông vận tải cấp tỉnh cấp phép cho bến đò ngang hoạt động, nhưng công tác hậu kiểm lại chưa sát thực tế, hoặc sau khi cấp phép, các cấp không kiểm tra, đôn đốc chủ bến chấp hành những quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Tình trạng thuyền trưởng, chủ đò chở khách ngang sông không có giấy chứng nhận điều khiển phương tiện còn khá phổ biến.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Để khắc phục những bất cập từ các bến đò ngang, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là khi mùa mưa lũ sắp đến, rất cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị. Trước hết, cơ quan chức năng cần kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về cảng, bến thủy nội địa, hoạt động chở khách ngang sông… cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi. Cùng với đó, phải tăng cường công tác quản lý trên thực địa đối với hoạt động chở khách ngang sông; lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế tối đa tiến tới chấm dứt các hoạt động tự phát đưa, đón học sinh đi qua sông bằng phương tiện thủy.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện và đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát lại các tuyến chưa được phép hoạt động, hết hạn hoạt động; phân loại, đánh giá chính xác nhu cầu đi lại thực tế của nhân dân, xóa bỏ những bến không cần thiết, từng bước đầu tư nâng cấp các bến khách ngang sông theo quy định của pháp luật và hướng dẫn các chủ bến hoàn tất thủ tục cấp phép, khắc phục những vi phạm.
Cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, góp phần thay đổi hành vi của người dân khi tham gia giao thông trên đường thủy.