Việt Nam, Thái Lan, Philippine, Malaysia, Campuchia, Singapore, Indonesia, Brunei là những quốc gia thuộc khối ASEAN có đường biên giới tiếp giáp với Biển Đông. Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực quy hoạch hệ thống cảnh biển đồng bộ phục vụ giao thương hàng hải. Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 272 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng đạt 92,2 km với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước. Hiện đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như: Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến tháng 6/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.568 tàu với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. (Theo thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD).
Cảng Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai là một trong những cảng trọng điểm của hệ thống Cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, thuộc quản lý của tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Cảng Cát Lái hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam, lọt Top 25 cảng hàng đầu thế giới với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Sài Gòn.
Cảng trung chuyển nước sâu Tân Cảng -Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) đi vào hoạt động từ tháng 3/2011, là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam.
Bốc xếp Container tại Cảng Sài Gòn.
Du thuyền cập cảng ở Preah Sihanouk, Campuchia.
Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Hải Phòng. Các cảng này đã và đang thực hiện vai trò cảng cửa ngõ quốc tế và đảm nhận chức năng trung chuyển.
Các quốc gia ASEAN cũng đang phát triển nhanh hệ thống cảng biển và đội tàu hàng hải để phát triển kinh tế. Giữa năm 2019, Campuchia đã lên xong kế hoạch xây dựng một cảng biển nước sâu tại tỉnh Koh Kong, một trong bốn tỉnh duyên hải của nước này, nhằm thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa. Chính phủ Indonesia cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đưa cảng biển Kijing, một trong những dự án chiến lược quốc gia quan trọng của Indonesia, đi vào hoạt động vào cuối năm 2020. Cảng Tanjung Pelepas thuộc bang Johor của MalaysiaCảng Tanjung Pelepas, bắt đầu hoạt động vào năm 2000, đã vươn lên vị trí thứ 19 trên toàn thế giới về khối lượng giao thương container.
Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo (Việt Nam) chừng 38 km. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại Biển Đông, bao gồm khoảng 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, đối với Việt Nam, 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua Biển Đông./.
1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng của thế giới được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. (Cơ quan năng lượng Mỹ).