Hành trình 60 năm “đi trước mở đường” khoa học công nghệ GTVT

13/12/2016

60 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (KH&CN GTVT) có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển của ngành GTVT.


Ảnh: Đại biểu các đơn vị và các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị khoa học và công nghệ năm 2016 do Viện KH&CN GTVT tổ chức

Viện đang phấn đấu trở thành thương hiệu hàng đầu, có uy tín trong các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN lĩnh vực GTVT trên phạm vi cả nước.

Sứ mệnh mang khoa học đến với thực tiễn

Viện KH&CN GTVT tiền thân là Viện Thí nghiệm vật liệu được thành lập và hoạt động từ năm 1956 với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các dịch vụ KHCN của ngành GTVT.

Kể từ khi được thành lập đến nay, đội ngũ các nhà khoa học của viện luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, phát huy sáng tạo để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Thành tích trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn của viện đã đóng góp hiệu quả trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Từng giai đoạn lịch sử, những ưu tiên và định hướng phát triển KHCN của viện có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Suốt 60 năm qua, toàn thể cán bộ, nhân viên của viện luôn phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh KHCN trong lĩnh vực GTVT với phương châm “Khoa học công nghệ luôn đi trước một bước”. Hoạt động KHCN đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì hạ tầng GTVT và làm hài lòng hơn người dân, doanh nghiệp và hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2016 là thời gian toàn ngành GTVT tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) trên tất cả các lĩnh vực. Đóng góp vào những thành công ấy, nhất là những thành tựu trong lĩnh vực xây dựng KCHTGT có vai trò quan trọng của KHCN. Các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Lựa chọn phát triển các vật liệu mới, công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam được áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành GTVT.

Cùng với công tác nghiên cứu, viện cũng thành công trong việc ứng dụng các loại vật liệu, công nghệ mới trong xây dựng, quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT; Đồng thời, tích cực tham gia và thực hiện những nhiệm vụ đột xuất của ngành nhằm góp phần giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật do thực tế sản xuất đặt ra trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và sân bay. Ngoài ra, viện đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành triển khai nhiều nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn về đường bộ, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa.


Ảnh: Cầu Đông Trù, Hà Nội

Dấu ấn khoa học trên những công trình

Về lĩnh vực đường bộ, đường sân bay, viện đã nghiên cứu, đề xuất và tham mưu cho Bộ GTVT các định hướng, hướng dẫn và các quy định nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành như: Hư hỏng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường BTN, lún tại các vị trí tiếp giáp giữa đường và cầu; Quản lý chất lượng nhựa đường; Hướng dẫn thiết kế phân kỳ đầu tư và tổ chức giao thông đường cao tốc.

Viện đã nghiên cứu và đánh giá 14 vật liệu mới, công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó nhiều vật liệu mới và công nghệ mới hiện đã được áp dụng rộng rãi trong xây dựng đường bộ, sân bay, điển hình như: Lớp phủ tạo nhám VTO; lớp phủ siêu mỏng tạo nhám Novachip; bê tông nhựa rỗng thoát nước vừa chịu lực và tạo nhám trong xây dựng đường ô tô cấp cao; ba công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ làm lớp móng mặt đường; bê tông nhựa Rekiphalt dùng cho lớp phủ mặt cầu bê tông xi măng; bê tông nhựa sử dụng nhựa đường cao su hóa...

Với bảo trì đường bộ, viện đã nghiên cứu và đề xuất áp dụng công nghệ bảo trì hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khai thác đường ô tô, một số vật liệu và công nghệ đã được nghiên cứu đối với mặt đường mềm như: Fog seals, Slurry Seals, Chip Seal, Otta seal, vữa nhựa polymer (Micro surfacing), lớp bê tông nhựa mỏng có độ nhám cao, đồng thời đã đề xuất các công nghệ phù hợp trong công tác sửa chữa, bảo trì mặt đường bê tông xi măng tại Việt Nam.

Về công tác phòng chống sụt trượt trên đường giao thông tại Việt Nam, với mục tiêu phát triển công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu những thảm họa do trượt đất gây ra trên các trục giao thông chính tại Việt Nam, viện đã hợp tác với Hội Trượt đất quốc tế (ICL) triển khai dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất dọc các tuyến đường giao thông chính tại Việt Nam” sử dụng viện trợ không hoàn lại của JICA tài khóa 2011-2016.

Trong lĩnh vực cầu hầm, viện nghiên cứu, xây dựng được chỉ dẫn “Dự thảo chỉ dẫn công nghệ thay thế cáp văng cầu dây văng” và “Dự thảo chỉ dẫn công nghệ thay thế cáp treo cầu dây võng” nhằm giúp cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế cáp cho những cầu dây văng hiện có ở nước ta; Đề xuất và nghiên cứu thành công loại dầm có dạng chữ T ngược, loại dầm có nhiều ưu điểm, giá thành hạ, ổn định khi thi công và khai thác mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật thông thường.

Thời gian qua, viện cũng đề xuất hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá và cắm biển hạn chế tải trọng cầu cho phù hợp Việt Nam. Về áp dụng thiết bị hiện đại trong việc kiểm tra, đánh giá kết cấu dưới và chống xói lở công trình cầu, viện cũng đã nghiên cứu những công nghệ và thiết bị hiện đại trên thế giới áp dụng vào Việt Nam và xây dựng được “Dự thảo chỉ dẫn công tác kiểm tra, đánh giá, sửa chữa kết cấu thân mố trụ; khôi phục và tăng cường kết cấu móng của mố trụ và chống xói lở kết cấu dưới trong công trình cầu ở Việt Nam”; Nghiên cứu ứng dụng vật liệu tấm composite ứng suất trước trong sửa chữa, nâng cấp kết cấu dầm cầu bê tông cốt thép đang khai thác.

Về lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, viện đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều hệ thống thiết bị phục vụ ngành GTVT như: hệ thống thiết bị thí nghiệm, kiểm tra gối cầu 6.400 tấn; hệ thống thủy lực dẫn động xe đúc trong công nghệ thi công cầu đúc hẫng; Hệ thống điều khiển, định lượng tự động thành phần bê tông xi măng, bê tông nhựa; hệ thống đồng bộ nâng dầm thay gối cầu; bơm thủy lực siêu cao áp; thiết bị bơm trộn vữa xi măng phục vụ công nghệ chống sụt trượt; dây chuyền thiết bị thi công cọc xi măng đất trộn khô, trộn ướt phục vụ gia cố nền đất yếu.

Cùng với những nhiệm vụ Bộ GTVT giao, viện cũng chủ động trong việc đề xuất và tham mưu cho bộ trong việc biên soạn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng xây dựng khai thác và bảo trì KCHTGT; Tham gia tích cực đóng góp ý kiến trong công tác xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản pháp quy, văn bản chỉ đạo của bộ và tham mưu cho bộ để giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp về KHCN đối với các dự án của ngành GTVT. Giai đoạn vừa qua, Viện KH&CN GTVT cũng đã có những đóng góp tích cực về KHCN được Bộ GTVT và các địa phương trong cả nước ghi nhận. Cụ thể, viện đã triển khai nghiên cứu và hoàn thành hai đề tài cấp Quốc gia, 108 đề tài cấp bộ, biên soạn và được ban hành 117 tiêu chuẩn quốc gia; Trong đó nhiều đề tài có ý nghĩa khoa học rõ rệt, được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng các công trình GTVT.

Với những thành tích đã đạt được trong công tác nghiên cứu KHCN và phục vụ sản xuất cho ngành GTVT giai đoạn 2011-2016, viện đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ GTVT và những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, Viện KH&CN GTVT vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2011, lần thứ 2), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2016).

Tác giả: N.A, BGT