Sau khi nghe đề xuất của Tập đoàn Vingroup, báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao việc chuẩn bị nhanh các báo cáo đánh giá ban đầu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về đề xuất của Tập đoàn Vingroup về cơ chế, chính sách thí điểm nhằm góp phần phát triển ngành sản xuất ô tô điện của Việt Nam phục vụ cuộc họp.
Các cơ quan tham dự cuộc họp đều nhất trí cao sự cần thiết phải có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ phát triển sản xuất ô tô điện tại Việt Nam, phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ô tô điện.
Về kiến nghị trước mắt áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi về thuế TTĐB và LPTB trong 5 năm theo đề xuất của Vingroup, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và VCCI, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp, hoàn thiện lại nội dung đánh giá về đề xuất của Tập đoàn Vingroup, trong đó cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá và hướng xử lý cụ thể phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật (các văn bản pháp luật cần ban hành hay sửa đổi, bổ sung, tiến độ thực hiện, thời hạn trình các cấp có thẩm quyền ...), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6/2021.
Các quốc gia trên thế giới hỗ trợ phát triển xe điện ra sao?
Trung Quốc: Để tăng thị phần của xe điện nhằm mục tiêu giảm lượng khí thải khí nhà kính, chính phủ Trung Quốc đã công bố một chương trình thử nghiệm vào ngày 1/6/2010 để cung cấp các ưu đãi cho việc mua xe điện. Những khoản trợ cấp này được trả trực tiếp cho các nhà sản xuất ô tô trong khi nhà nước cũng mong đợi người tiêu dùng cũng có thể được chia sẻ lợi ích thông qua việc mua xe điện với giá thấp hơn.
Nhật Bản: Chương trình ưu đãi cho xe điện đầu tiên tại Nhật Bản được đề xuất vào năm 1996, sửa đổi vào năm 1998 và kết thúc vào năm 2003.
Khoản trợ cấp cho xe điện được đưa ra dựa trên (tối đa) 50% chi phí gia tăng của xe điện so với giá của xe động cơ đốt trong. Từ tháng 4/2009 đến tháng 3/2010, một chương trình ưu đãi được thành lập để cung cấp hai loại trợ cấp mua hàng cho người mua xe điện.
Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng thị phần xe điện thông qua việc cải thiện dung lượng pin, dung lượng lưu trữ và thiết lập một mạng lưới các trạm sạc vào tháng 7 năm 2016. Khoản trợ cấp một lần là 14 triệu won Hàn Quốc được trao cho người mua xe điện. Ngoài ra, chủ sở hữu xe điện cũng có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế, phí bảo hiểm, phí đường cao tốc và phí đỗ xe.
Đức: Năm 2010, Đức tuyên bố sẽ không trợ cấp trực tiếp cho việc bán xe điện. Thay vào đó, chính phủ sẽ tài trợ cho nghiên cứu trong lĩnh vực phương tiện giao thông sử dụng điện. Kể từ năm 2016, xe điện được miễn thuế lưu hành hàng năm trong vòng 10 năm.
Năm 2016, Đức đã áp dụng một khoản trợ cấp trực tiếp cho người mua xe điện cá nhân ở mức 5.000 euro và người mua là doanh nghiệp ở mức 3.000 euro để bù vào giá mua trả trước của xe điện. Các ưu đãi giảm dần 500 euro mỗi năm cho đến năm 2020. Ngoài ra, người mua một số loại xe điện nhất định cũng được giảm giá đáng kể và các ưu đãi khác.
Hoa Kỳ: Hoa Kỳ đã ưu đãi thuế cho sản phẩm xe điện có giá trị từ 2.500 đến 7.500 đô la Mỹ tùy thuộc vào dung lượng pin trong năm 2008.
Đến năm 2014, hơn 37 tiểu bang đã thiết lập các ưu đãi và miễn thuế cho xe điện. Các ưu đãi khác, chẳng hạn như đỗ xe miễn phí và đi vào làn đường có mật độ xe cao cũng được trao cho chủ sở hữu xe điện. Ngoài ra, chính phủ cũng đã cam kết tài trợ cho phát triển công nghệ, sản xuất xe điện mới và lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe điện.