Nghề đăng kiểm xe ô tô ngày càng chịu nhiều áp lực từ phía khách hàng
Các trung tâm đăng kiểm ô tô xã hội hóa "mọc lên như nấm", cạnh tranh khốc liệt giúp chủ xe, khách hàng thuận lợi hơn, song cũng khiến không ít người tâm huyết với nghề đăng kiểm trăn trở…
Chủ xe mắng đăng kiểm viên, đòi lại giấy tờ
Khoảng 10h sáng một ngày giữa tháng 4/2021, khu vực sân chờ rộng rãi của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V (Hà Nội) chỉ có vài chiếc xe con, xe tải chờ kiểm định. Vừa thấy chiếc xe 7 chỗ BKS 30A - xxx.25 đến, nhân viên hướng dẫn tài xế đậu xe vào hàng dành cho xe con, đến tận cửa xe, tươi cười chào hỏi và mời chủ xe vào phòng làm thủ tục đăng kiểm.
Hơn chục phút sau, đăng kiểm viên (ĐKV) đưa xe vào dây chuyền kiểm định, kiểm tra đầy đủ các hạng mục trượt ngang bánh xe, phanh, gầm, đèn… Kết thúc kiểm tra, ĐKV thông báo với khách hàng chỉ số phanh xe phía sau không đạt tiêu chuẩn, đồng thời hướng dẫn chủ xe sửa chữa và quay lại đăng kiểm trong ngày. Theo quy định, nếu qua ngày mới kiểm định lại sẽ phải trả thêm phí đăng kiểm.
ĐKV chưa dứt lời, vị khách kia đã gắt gỏng và nói như quát, đòi lại giấy tờ để đi kiểm định chỗ khác vì cho rằng bị ĐKV gây khó dễ.
“Xe tôi vẫn chạy bình thường, phanh có làm sao đâu mà bảo không ăn, không đạt tiêu chuẩn. Tiện đường chạy xe thì tôi vào đây, chứ quanh đây thiếu gì chỗ đăng kiểm”, vị khách nói và nằng nặc đòi lại giấy tờ, mặc cho ĐKV giải thích.
Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện nay vẫn đang áp dụng chế tài xử lý đối với ĐKV, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm làm sai quy trình, kiểm định dễ dãi. Chẳng hạn, đơn vị đăng kiểm sẽ bị đình chỉ dây chuyền nếu có 2 lượt ĐKV bị tạm đình chỉ, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động nếu có từ 5 lượt ĐKV bị tạm đình chỉ trong 12 tháng liên tục.
Chia sẻ với PV, một ĐKV bảo: “Mấy năm trước hầu như không có chuyện khách đăng kiểm xe không đạt thì đòi lại giấy tờ. Bây giờ trung tâm đăng kiểm nhiều, khách thoải mái chọn chỗ đăng kiểm nên xem thường ĐKV, sẵn sàng bỏ đi chỗ khác”.
Theo ĐKV này, quanh bán kính 15km hiện đang có 5 - 6 trung tâm đăng kiểm khác được đầu tư theo hình thức xã hội hóa (thuộc địa bàn Hà Nội và các huyện của Bắc Ninh, Hưng Yên). Một số trung tâm đặt các biển quảng cáo, chào mời trên khắp các tuyến đường, cạnh tranh rất khốc liệt.
Ông Đào Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-02V chia sẻ, chuyện chủ xe, khách đăng kiểm xe ô tô đòi lại giấy tờ, không trả phí kiểm định chỉ vì xe không đạt chất lượng xảy ra như cơm bữa.
“Không ít chủ xe, khách hàng đăng kiểm có tâm lý đi kiểm định xe chỉ để lấy giấy chứng nhận, tem đăng kiểm dán vào xe, ra đường khỏi bị phạt. Vì thế, khi xe không đạt tiêu chuẩn kiểm định sẽ cho rằng bị đơn vị đăng kiểm gây khó dễ, sẵn sàng bỏ đi sang trung tâm khác”, ông Thắng tâm sự.
Không riêng các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa, thực tế trên cũng xảy ra cả ở các trung tâm đăng kiểm nhà nước. Ông Lê Hồ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-06V cho biết, thời gian qua xảy ra rất nhiều trường hợp khách đăng kiểm lấy lý do bị kiểm tra chặt, ĐKV “làm khó” nên đòi lại giấy tờ, đưa xe đến đăng kiểm ở chỗ mới, đăng kiểm tư nhân.
Ông Lê Đức Ân, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 33-01S than: “Chúng tôi đau đầu vì không ít xe vào kiểm tra phải sửa chữa, khắc phục khiếm khuyết kỹ thuật đã chạy sang các đơn vị đăng kiểm lân cận ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ”.
“Nghề đăng kiểm giờ “làm dâu trăm họ”, bị khách hàng so sánh “gây khó dễ” với các chỗ khác. Kiểm định phải tuân thủ theo quy chuẩn, nếu xe không đạt chất lượng cũng chỉ có thể tư vấn cách sửa chữa, khắc phục, còn xe bỏ sang chỗ khác cũng không biết làm thế nào”, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm nói.
Cạnh tranh doanh thu khiến tính chất nghề đăng kiểm méo mó
Cạnh tranh doanh thu khiến tính chất nghề đăng kiểm méo mó
Đề cập chuyện nghề đăng kiểm thời nay, một ĐKV bậc cao, từng làm việc cho một trung tâm đăng kiểm xã hội hóa ở Hà Nội kể, chủ đầu tư không trực tiếp làm nhưng thường xuyên chỉ đạo, can thiệp vào chuyện kiểm định. Họ không có chuyên môn về kỹ thuật nhưng lại gọi điện để “uốn nắn” chỉ vì ĐKV chỉ đúng lỗi kỹ thuật của xe, khiến khách hàng… phàn nàn và bỏ đi.
Một lãnh đạo đơn vị đăng kiểm nhiều năm trong nghề cho rằng, việc cạnh tranh về doanh thu đang khiến tính chất nghề đăng kiểm bị méo mó. Chẳng hạn chuyện ĐKV, giám đốc trung tâm đăng kiểm tư nhân chịu sức ép “vô hình” của cả chủ đầu tư trong việc thu hút xe. Phải làm đủ mọi cách để “chiều” và “giữ chân” khách hàng. Việc này làm giảm vai trò “giữ cửa” kiểm soát chất lượng phương tiện của nghề đăng kiểm.
“Nghề đăng kiểm là phải cố gắng phát hiện các khiếm khuyết kỹ thuật của xe và đưa ra khuyến cáo sửa chữa để bảo đảm an toàn. Thế nhưng thời nay, không ít ĐKV mới vào nghề có tâm lý khác, không chú tâm tìm ra lỗi kỹ thuật của xe, thậm chí tìm cách để giảm nhẹ các lỗi kỹ thuật. Mục đích chỉ để chiều lòng khách hàng, mang lại doanh thu cho chủ đầu tư”, ông Đào Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-02V nói.
Ông Mai Quốc Vinh, Giám đốc một trung tâm đăng kiểm đã chuyển nghề cũng chia sẻ, không chỉ ĐKV, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm thời nay cũng khác. “Giám đốc trung tâm đăng kiểm xã hội hóa bây giờ chỉ làm thuê cho chủ đầu tư nên làm tốt chuyên môn không đủ. Tốt chuyên môn mà không có xe đến thì cũng dễ bị cho nghỉ việc”, ông Vinh nói.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, từ năm 2019, lĩnh vực kiểm định xe cơ giới bỏ quy hoạch. Vì vậy, doanh nghiệp được chủ động đầu tư các trung tâm đăng kiểm mới. Đến nay, toàn quốc có hơn 260 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động.
Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) thẳng thắn cho rằng, giữa các trung tâm đăng kiểm có sự cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút xe, đảm bảo việc làm và doanh thu cho chủ đầu tư, nên gây áp lực lớn cho người làm nghề đăng kiểm.
“Để cạnh tranh bình đẳng, Cục Đăng kiểm VN sẽ tăng cường phối hợp với Sở GTVT các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị đăng kiểm vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật”, đại diện này nói.
Theo Cục Đăng kiểm VN, toàn quốc hiện có 262 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó 30 đơn vị bắt đầu hoạt động từ năm 2020 - 2021.
Đến nay, Cục Đăng kiểm VN và 63 Sở GTVT các địa phương đã ký kết thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đường bộ. Trong năm 2020, cục kiểm tra, đánh giá định kỳ 180 đơn vị và 71 đợt kiểm tra chuyên ngành, qua đó phát hiện vi phạm và đình chỉ hoạt động nghiệp vụ gần 30 ĐKV và đình chỉ hoạt động 2 trung tâm đăng kiểm. Còn từ đầu năm 2021 đến nay, phát hiện đình chỉ có thời hạn 7 ĐKV và đình chỉ hoạt động 1 tháng đối với 2 đơn vị (Trung tâm 95-02D và 95-01S tỉnh Hậu Giang).
Các trường hợp vi phạm chủ yếu do không tuân thủ đúng quy trình kiểm định, quy chuẩn kỹ thuật, kết luận sai tình trạng kỹ thuật các hạng mục kỹ thuật (phanh xe, lái, đèn, khí thải… ) của phương tiện.