Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT - Những cải tiến đối với công tác cải tạo xe cơ giới

10/08/2012

Ngày 31/07/2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi là Thông tư 29).

Thông tư 29/2012/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ 01/10/2012, thay thế các văn bản: Quyết định số 15/2005/QĐ-BGTVT ngày 15/02/2005, Điều 1 của Thông tư số 37/2011/TT-BGTVT ngày 06/05/2011 và văn bản số 1782/BGTVT-KHCN của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Thông tư 29/2012/TT-BGTVT có nhiều đổi mới so với các quy định trước đây về công tác cải tạo xe cơ giới như: Thông tư 29 minh bạch hóa thủ tục hành chính về cải tạo xe cơ giới từ thẩm định thiết kế đến nghiệm thu cải tạo. Quy định rõ từng thành phần hồ sơ, địa điểm nộp và nhận hồ sơ, thời gian xử lý công việc của cơ quan chức năng liên quan.

Về phân cấp thẩm định thiết kế, Thông tư 29/2012/TT-BGTVT chỉ rõ những đối tượng do Sở GTVT cũng như Cục Đăng kiểm Việt Nam được phép thẩm định, cụ thể, rõ ràng hơn Quy định tại Quyết định số 15/2005/QĐ-BGVTT. Theo Quyết định 15, phân cấp cho các Sở GTVT là được thẩm định các đối tượng ngoài phân cấp cho Cục ĐKVN. Do đó, tạo kẽ hở để một số Sở GTVT lợi dụng cải tạo kéo dài chiều dài cơ sở lên tới 3,5 m, kéo dài chiều dài toàn bộ có xe tới 5,5 m với các vật liệu không kiểm nghiệm được tính tương đồng của vật liệu sử dụng trong cải tạo với vật liệu của ô tô nguyên thủy, không thể sơn tĩnh điện chống gỉ như xe nguyên thủy, không tính toán đến sự thay đổi động lực học quay vòng, không tính toán đến độ bền, tuổi thọ của phương tiện. Tạo điều kiện cho chủ xe chở tăng tải, gây hư hỏng cầu đường và tăng khả năng mất an toàn giao thông.



Điều 4 Thông tư 29/2012/TT-BGTVT cụ thể hóa những trường hợp không được phép cải tạo đối với xe cơ giới, như "Không được cải tạo thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) đối với xe cơ giới đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, kể từ năm sản xuất của ô tô đến thời điểm thẩm định thiết kế cải tạo", có nghĩa không được cải tạo chuyển đổi công dụng đối với xe chở người, xe chở hàng (xe tải và xe chuyên dùng.

Một thay đổi cơ bản trong Thông tư 29/2012/TT-BGTVT là khâu nghiệm thu xe cơ giới sau cải tạo. Theo đó "Việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được thực hiện tại các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trực thuộc các Sở Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam".

Về quản lý nhân lực tham gia thực hiện thẩm định thiết kế và nghiệm thu cải tạo, Thông tư 29 quy định rõ: "Cán bộ được giao thẩm định thiết kế của Cơ quan thẩm định thiết kế phải là kỹ sư cơ khí ô tô có Giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn nghiệp vụ về công tác cải tạo xe cơ giới" và "Thành phần nghiệm thu xe cơ giới cải tạo gồm Lãnh đạo Đơn vị đăng kiểm, các đăng kiểm viên có Giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn nghiệp vụ về công tác cải tạo xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này và Cơ sở thi công cải tạo xe".

Toàn bộ việc quản lý Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo và cấp Giấy chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới cải tạo được thực hiện bằng chương trình "Quản lý cải tạo xe cơ giới" qua Web. Chỉ những cán bộ, đăng kiểm viên có Giấy chứng nhận tham gia tập huấn nghiệp vụ như trên mới được cấp quyền truy cập vào chương trình để thực hiện nhiệp vụ cải tạo xe cơ giới.

Để triển khai kịp thời Thông tư 29 từ 01/10/2012, ngày Thông tư có hiệu lực, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương soạn thảo hướng dẫn, tài liệu tập huấn, xây dựng hoàn thiện chương chình quản lý cải tạo, xây dựng kế hoạch tập huấn, in ấn, cấp phát ấn chỉ và chuẩn bị lực lượng hỗ trợ các đơn vị.

Tác giả: Ngô Hồng Hệ - VR