Siết chặt kiểm soát tải trọng, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

14/04/2022

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 3 tháng đầu năm nay, mặc dù trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, các lực lượng đồng thời phải chống dịch, thêm vào đó tập trung nhiều ngày nghỉ Tết, như nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 09 ngày) và Lễ hội Xuân diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố, song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông về cơ bản vẫn được bảo đảm.

Hàng chục nghìn phương tiện bị thu hồi phù hiệu vận tải

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, ngay từ đầu năm, công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đã được các cơ quan, bộ, ngành chú trọng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022.

Đáng chú ý, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì triển khai 05 đoàn thanh tra, trong đó tập trung kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm: công tác chuẩn bị và triển khai 03 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; kiểm tra, đánh giá, chứng nhận điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thực hiện Văn bản số 1439/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên đường thủy nội địa.

Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/3/2022, Thanh tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và các Sở Giao thông vận tải đã thực hiện trên 21,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính gần 13,9 nghìn vụ với số tiền xử phạt trên 86,3 tỷ đồng; tạm giữ 119 ô tô; đình chỉ hoạt động 04 bến thủy nội địa, 03 phương tiện thủy nội địa; giám sát 367 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 308 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Tính tới ngày 22/03/2022, hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận dữ liệu của khoảng 901 nghìn phương tiện. Quý I/2022, các Sở Giao thông vận tải đã thu hồi phù hiệu đối với 1.736 xe vi phạm. Bên cạnh đó, các Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện theo yêu cầu của các cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước.


Triển khai quyết liệt các giải pháp

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng Công an vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động xây dựng và triển khai 02 Kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm "người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn" và chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông...

Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, như: vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; vi phạm về phần đường, làn đường; chở hàng quá tải trọng... Kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các quy định về lắp đặt hệ thống báo hiệu, thiết bị tại đường ngang trên tuyến đường sắt; kiểm tra các điểm thi công trên tuyến đường sắt; xử lý phương tiện giao thông đường sắt hết hạn kiểm định; xử lý phương tiện đường bộ vi phạm không đủ điều kiện nhưng đi vào làn thu phí điện tử không dừng (ETC); xe ô tô kinh doanh vận tải chưa đổi sang biển số nền màu vàng và không lắp đặt camera giám sát hành trình…

Trong quý I/2022, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý trên 614,7 nghìn trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 674,6 tỷ đồng, tước 57.764 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 105.000 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2021, xử lý giảm 238.306 trường hợp (chiếm 38,76%), tiền phạt giảm 153,9 tỷ đồng (chiếm 22,82%).

Riêng trên tuyến đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 599,9 nghìn trường hợp, phạt tiền 654,3 tỷ đồng. Trong đó, có trên 40 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 6,69%); 311 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,05%); 115 nghìn trường hợp vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm (chiếm 19,17%).

Trên đường sắt, Cảnh sát giao thông xử lý 1.041 trường hợp, phạt tiền 497 triệu đồng. Trên đường thủy, xử lý 13.790 trường hợp, phạt tiền gần 20 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra các cấp đã ra quyết định khởi tố 965 vụ, 1.002 bị can, chuyển điều tra Quân đội 03 vụ, xử lý hành chính 199 vụ, không xử lý hành chính 15 vụ, đang điều tra 1.579 vụ. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 575 vụ, 597 bị can.

Lực lượng chức năng trong Quân đội đã kiểm tra được gần 2.100 lượt xe ô tô quân sự hoạt động ngoài doanh trại, chấn chỉnh, xử lý 52 lượt xe (chiếm 2,49%) chưa chấp hành tốt các quy định của Quân đội về sử dụng phương tiện quân sự khi tham gia giao thông. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông xử lý 73 trường hợp xe ô tô quân sự vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (vi phạm tín hiệu đèn, đi sai làn đường và tốc độ khi tham gia giao thông).


Siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 3 tháng đầu năm, đó là công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Để tăng cường công tác này, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện và đạt được kết quả cao.

Trên lĩnh vực đường bộ, các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra các Sở Giao thông vận tải và công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 10.672 xe, trong đó có 1.668 xe vi phạm, tước 285 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 7,95 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý 14.547 trường hợp (2,17%) chở quá trọng tải hàng hóa.

Trên lĩnh vực hàng hải, các đơn vị chức năng của Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì thực hiện 236 cuộc kiểm tra, kiểm soát tải trọng và phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện 02 cuộc kiểm tra tải trọng.

Lĩnh vực đường sắt, các đơn vị chức năng ngành đường sắt đã tổ chức 05 lượt cân kiểm tra tải trọng toa xe (với 129 toa xe được cân), qua kiểm tra không phát hiện các trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc trong 3 tháng đầu năm cơ bản được đảm bảo, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, giảm 662 vụ (19,33%), giảm 67 người chết (3,84%) và giảm 739 người bị thương (29,80%).


Tác giả: Thanh Vân