Dây chuyền lắp ráp ô tô Vinfast tại Hải PhòngViệt Nam có một số lợi thế trong ngành công nghiệp ô tô - xe máy, với thị trường nội địa lớn đang ngày càng mở rộng. Ngoài ra, vị trí địa lý của Việt Nam xét về khía cạnh hậu cần toàn cầu cùng với lực lượng lao động khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên hấp dẫn như là một đại bản doanh sản xuất ô tô - xe máy trong tương lai. Việt Nam, không giống như Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, là nước duy nhất mà ô tô tay lái bên trái thực sự được chạy trên đường, đây là yếu tố không nhỏ trong bố trí và chi phí sản xuất. Hơn nữa, những hành động gần đây cũng thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô - xe máy.
Tuy có những lợi thế chung này, một số rào cản lớn vẫn cần được khắc phục. Chi phí sản xuất của Việt Nam vẫn không mang tính cạnh tranh. Nhiều xe CBU nhập khẩu từ các nước ASEAN (thậm chí từ các khu vực khác) rẻ hơn chi phí sản xuất tại Việt Nam. Chi phí sản xuất của Việt Nam cao dường như có mối liên hệ chặt chẽ với thực tế rằng 'các ngành công nghiệp phụ trợ' chưa phát triển đầy đủ và việc mua sắm đấu thầu phức tạp hơn so với ở các nước khác.
Dựa trên các đặc điểm của ngành công nghiệp ô tô - xe máy và tình hình hiện tại của Việt Nam, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất một số biện pháp chính sách và kế hoạch hành động được khuyến nghị để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô - xe máy và đảm bảo cho ngành này có một tương lai bền vững ở Việt Nam.
Để gắn các nhận định trên về tình hình hiện tại của ngành công nghiệp ô tô - xe máy của Việt Nam với việc thực thi chính sách, các hành động sau cần được thực thi trước khi triển khai các biện pháp chính sách. Việc xây dựng tầm nhìn, không chỉ là dự báo dựa trên dữ liệu thống kê, là điều quan trọng đối với mỗi ngành vì nó đưa ra những lý lẽ phù hợp và nhất quán cho tầm nhìn dài hạn trong tương lai và đưa ra định hướng chiến lược. Việc xây dựng một tầm nhìn xa như vậy cũng cần được áp dụng cho ngành công nghiệp ô tô - xe máy, và nên được dựa trên các tiền đề sau:
Cập nhật về dự báo cho tổng nhu cầu ô tô dự kiến theo năm và theo các phân khúc
Tỷ trọng xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường khác trong tổng cầu
Phân tích chuỗi giá trị toàn cầu và cán cân thương mại đối với từng thành phần chính cũng như cho toàn ngành ô tô - xe máy
Hiện trạng các ngành công nghiệp hỗ trợ và tính khả thi của ngành công nghiệp ô tô - xe máy trong nước với chi phí chi tiết
Xây dựng các kịch bản có/không có chính sách hỗ trợ như hỗ trợ về thuế quan.
Theo Cục Công nghiệp, các kế hoạch phát triển ngành ô tô - xe máy cần đi kèm với các kế hoạch cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, kế hoạch cung cấp cho các cơ sở hạ tầng khác, nguồn nhân lực và kế hoạch R&D cho các công nghệ lõi. Khi tìm tòi, khám phá các công nghệ lõi cần chú ý tới sự khác biệt về công nghệ cũng như tiến bộ công nghệ (năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô - xe máy Hàn Quốc sẽ không thể thành hiện thực nếu không có các ngành công nghiệp hỗ trợ).
Việt Nam phải xây dựng lộ trình R&D bao gồm cả kế hoạch thương mại hóa công nghệ. Để nâng cao kết quả rõ rệt của chính sách, các mốc quan trọng cần được xác định. Cho đến gần đây, không có nhiều nhà cung ứng địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng-chi phí-giao hàng cần thiết để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giấy phép sao chép và/hoặc các thỏa thuận chuyển giao công nghệ hoặc giấy phép từ các nhà cung ứng phụ tùng chính hãng và nhà cung ứng địa phương phải được áp dụng. Việt Nam vẫn thiếu nhiều chính sách cơ bản liên quan đến vấn đề này, bao gồm vị trí của ngành công nghiệp xe máy, triển vọng về phương tiện phát thải thấp trong cả ngành công nghiệp xe máy và ô tô, cơ sở hạ tầng giao thông như đường xá và các vấn đề kiểm soát khí thải theo xu hướng toàn cầu. Bằng việc cân nhắc những tác động không thể thiếu của các yếu tố này, các biện pháp chính sách có tính hệ thống và khả thi hơn có thể được đưa ra cho ngành công nghiệp ô tô - xe máy của Việt Nam.
Về hệ thống sản xuất tổng thể, Cục Công nghiệp đề xuất cần xem xét áp dụng sản xuất tích hợp thay vì bắt chước sản xuất mô-đun của Trung Quốc để thiết lập các công nghệ và công nghiệp bền vững của đất nước trong dài hạn. Sản xuất tích hợp đòi hỏi các bộ phận phụ tùng phải được thiết kế đặc thù cho từng sản phẩm, các sản phẩm này liên tục được điều chỉnh để có hiệu suất cao. Sản xuất mô-đun dễ thực hiện hơn ở các nước đang phát triển nhưng có những nhược điểm như cung vượt cầu, giá cả thấp, lợi nhuận thấp và thiếu động lực để cải tiến công nghệ.
Một số vấn đề khác cần được xem xét, bao gồm xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng khung thương mại hóa công nghệ và kết quả R&D, quy trình đánh giá và tài chính hóa cho công nghệ, tăng cường vốn nhân lực, quản lý vốn dựa trên tri thức (KBC), v.v.