Phải đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị trước khi khai thác

18/08/2016

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 16/2016/TT-BGTVT quy định về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị.


Ảnh: Hệ thống đường sắt đô thị đang được xây dựng tại Hà Nội

Theo đó, tuyến đường sắt đô thị xây dựng mới phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống và thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác.

Tuyến đường sắt đô thị khi tiến hành nâng cấp một trong các nội dung sau phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống và thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác:Thay đổi hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu; thay đổi kiểu loại phương tiện; cải tạo hệ thống cung cấp điện sức kéo; nâng cao năng lực vận tải, mở rộng quy mô tuyến; thay đổi cơ cấu tổ chức vận hành.

Đề cương nhiệm vụ chứng nhận an toàn hệ thống sau khi được Chủ đầu tư phê duyệt phải gửi cho Cục Đăng kiểm Việt Nam trước khi thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Trường hợp đề cương nhiệm vụ chứng nhận an toàn hệ thống chưa phù hợp với quy định thì Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo tới Chủ đầu tư để hoàn thiện đề cương.

Đối với dự án có áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống tương đương, phù hợp thì việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Sau 36 tháng, kể từ ngày tuyến đường sắt đô thị xây dựng mới được đưa vào vận hành, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được kiểm tra, chứng nhận định kỳ lần đầu. Trước khi kết thúc thời hạn 36 tháng ít nhất 2 tháng, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận định kỳ.

Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị có hiệu lực 24 tháng kể từ ngày cấp. Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn đường sắt đô thị sẽ tự động hết hiệu lực khi tuyến, đoạn tuyến đường sắt đô thị tiến hành nâng cấp.

Tác giả: L. Thủy, Chinhphu.vn