Nỗ lực phát triển giao thông xanh, thông minh

23/03/2022

Giao thông xanh là một xu hướng, thích ứng với xu thế phát triển môi trường sống, được định hướng bởi giao thông công cộng, kết hợp giữa phát triển môi trường sinh thái và phát triển đô thị. Nắm bắt điều này, Hà Nội đang nỗ lực, đẩy nhanh phát triển giao thông xanh. Có thể kể đến như việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, thu hút người dân đến với tàu điện, xe buýt; thực hiện rà soát các phương tiện xe cá nhân phát thải cao; đưa xe buýt điện vào vận hành…

“Chìa khóa” giải quyết ô nhiễm

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Hà Nội đã trở thành đô thị loại đặc biệt với sự tập trung quy mô dân số đông đảo. Đáng nói, việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tại đô thị lớn như Hà Nội, phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là các phương tiện giao thông cũ nát, quá niên hạn sử dụng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

230322.21.jpg

Khai trương các tuyến buýt điện đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Lấy ví dụ, ở chương trình Xe sạch - Trời xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh được Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện năm 2020 cho thấy, trong 2.740 xe từ 10 năm trở lên, có 1.077 xe không đạt TCVN (các tiêu chuẩn về khí thải và tiếng ồn trong Bộ tiêu chuẩn môi trường Việt Nam –PV). Phương tiện tham gia giao thông càng cũ thì nguy cơ xả thải gây ô nhiễm càng lớn. Hệ lụy là, các chất ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.

Chất lượng môi trường không khí đô thị xuống thấp, giao thông xanh được coi là “chìa khóa”, là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề. Các hoạt động giao thông xanh cũng trực tiếp nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Trước thực tế này, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh phát triển giao thông xanh thông qua các hoạt động thiết thực như: UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 172/KH-UBND về thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Kế hoạch còn nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và thu hồi xe máy cũ. Bước đầu hình thành thói quen về bảo dưỡng và kiểm định khí thải xe máy định kỳ; loại bỏ xe máy cũ không đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường (khí thải), góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tới chất lượng không khí. Chương trình nói trên đã thu được những hiệu ứng tích cực từ dư luận. Nhiều người dân đã mang phương tiện cá nhân đến các điểm sửa chữa để được bảo dưỡng cũng như hướng dẫn các thủ tục để hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới.

Ở Hà Nội, khi tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, gây ra tình trạng quá tải, đe dọa môi trường thì giao thông xanh vẫn còn là câu chuyện tương đối mới mẻ. Chẳng khó để thấy khi phần lớn người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải công cộng, mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, nhất là xe máy chạy bằng xăng, điều này là hạn chế rất đáng lo ngại. Để giao thông ngày một “xanh”, trước mắt Thành phố cần tiếp tục xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích người dân đi bộ hoặc sử dụng xe đạp, xe điện. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch.

Đáng chú ý, hướng đến mục tiêu giao thông xanh, Hà Nội cùng lúc đưa vào khai thác tàu điện trên cao và xe buýt điện phục vụ vận tải hành khách công cộng. Cụ thể, đầu tháng 12/2021, các tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, chỉ sau hơn hai tháng đưa vào khai thác, tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông đã đạt mốc một triệu lượt khách đi tàu vào giữa tháng 1/2022. Dự kiến, trong năm 2022, dự án “xanh” quan trọng khác là đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội cũng sẽ được đưa vào khai thác đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy), tiếp tục mở ra tín hiệu khả quan về vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.

Cần quyết tâm, nỗ lực lớn

Theo tìm hiểu, tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”, nói cách khác, từ quy phạm pháp luật đến thực tế đều cho thấy một điểm chung rằng, để thực hiện mục tiêu không khí sạch, thành phố xanh, bên cạnh những giải pháp từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cũng cần sự vào cuộc của các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và toàn xã hội với những sáng kiến, giải pháp xanh thực hiện tại mỗi gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp.

Không khó để thấy, những năm gần đây, phong trào sử dụng xe đạp vừa để cải thiện sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường đã thu hút được nhiều người tham gia. Khi dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều người dân Hà Nội đã lựa chọn cách đạp xe trên các tuyến phố để rèn luyện sức khỏe. Để khuyến khích cũng như hướng đến thói quen có lợi cho sức khỏe này, Hà Nội dự kiến triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trong 12 tháng. Giai đoạn 1, dự kiến thực hiện thí điểm từ năm 2022-2023. Giai đoạn này đơn vị thực hiện Dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp; trong đó, có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí tại từ 70-80 vị trí ở quận trung tâm. Giai đoạn 2, dự kiến là từ năm 2023-2024 mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm. Được biết, nếu dự án phát huy hiệu quả thì sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, điểm mấu chốt khác là loại hình phương tiện “xanh” như xe đạp gần như không phát thải ô nhiễm môi trường, khi lưu thông ít có khả năng gây áp lực cho hệ thống giao thông đô thị.

230322.22.jpg

Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành là dấu mốc quan trọng, đánh dấu những nỗ lực phát triển giao thông xanh của Thủ đô.

Tuy nhiên, ở góc độ tổng thể có thể thấy với việc phát triển tàu điện, xe buýt điện hay ấp ủ nhân rộng phát triển mô hình xe đạp đô thị thì Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, với tàu điện hay xe đạp đô thị đó là thách thức đến từ thói quen đi lại của người dân; với xe buýt điện đó là giá thành một chiếc xe buýt điện thường cao hơn gấp 1,5 - 2 lần xe buýt thường; Ngoài ra, dù nhận thức rõ việc chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện để bảo vệ môi trường là một xu hướng tất yếu song do Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên hạ tầng cho xe điện cũng mới chỉ dừng ở những bước khởi đầu; các tiêu chuẩn của Việt Nam về phát triển loại hình phương tiện này cũng chưa có sự thống nhất.

Chẳng hạn, quanh câu chuyện chi phí “nuôi” xe điện, việc áp dụng giá điện cho các trạm sạc cũng chưa có những tính toán rõ ràng. Chỉ ra những điểm liên quan, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến cho rằng, giá điện tại Việt Nam đang phân theo ngành về thương mại, sản xuất, sinh hoạt gia đình. Nếu sử dụng cách tính của sinh hoạt gia đình áp dụng với xe điện sẽ khiến người dân phải chịu áp mức giá cao nhất vì lượng tiêu thụ điện lớn, do đó, không thể áp dụng cách tính giá này cho người sử dụng xe điện. Nếu áp dụng giá điện cho thương mại thì đây cũng là mức giá cao, không áp dụng được.

Rõ ràng, định hướng phát triển phương tiện “xanh” là đúng đắn và phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ vấp phải những thách thức nhất định, đòi hỏi phải có lộ trình thực hiện. Điều này cũng đòi hỏi Thành phố cần có sự quyết tâm, có cơ chế khuyến khích phát triển công nghệ “xanh” trong sản xuất xe ô tô, xe gắn máy, từng bước hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải.


Tác giả: Giang Nam