Trạm sạc nhanh của VinFast triển khai tại Việt Nam.
Việt Nam đã có mẫu xe điện đầu tiên là VinFast VF e34, đến năm sau sẽ có thêm Kia EV6. Hầu hết người dùng có ý định mua xe điện đều quan tâm đến thời gian sạc và quãng đường di chuyển, chính vì thế hệ thống trạm sạc và công suất sạc được khá nhiều người tìm hiểu.
Nếu như trạm xăng có nhiều loại xăng như RON 95 hay E5 RON 92, thì trạm sạc xe điện cũng có nhiều mức công suất khác nhau để người dùng lựa chọn. Vậy những trạm sạc với công suất khác nhau sẽ có những ưu và nhược điểm gì?
Rút ngắn thời gian sạc
Hiện tại vẫn chưa có một quy chuẩn chung về tên gọi các trạm sạc xe điện trên toàn cầu, tuy nhiên có thể chia thành 3 nhóm dựa theo công suất. Mức thấp nhất (Level 1) là trạm sạc thường có thời gian sạc kéo dài ít nhất 6-8 tiếng, những trạm sạc này thường được lắp đặt ở bãi giữ xe chung cư hoặc bến xe - nơi người dùng thường đỗ xe một thời gian dài.
Trạm sạc nhanh (Level 2) là loại phổ biến nhất vì có công suất đủ mạnh để sạc đầy pin chỉ trong vài giờ, nhanh hơn đáng kể so với loại sạc thường. VinFast đang triển khai các trạm sạc nhanh 30-60 kW ở nhiều địa điểm tại Việt Nam, thời gian sạc 10-70% dao động 30-60 phút tùy từng dòng xe.
Sạc nhanh là vũ khí của ngành công nghiệp xe điện.
Loại cuối cùng là trạm sạc siêu nhanh (Level 3) với khả năng cung cấp công suất lớn, cho phép thời gian sạc được rút ngắn đáng kể. Có thể nói trạm sạc siêu nhanh giúp xóa bỏ gần như hoàn toàn khoảng cách về thời gian so với việc nạp nhiên liệu của ôtô truyền thống.
Đối với trạm sạc siêu nhanh 250 kW của VinFast, một chiếc VF e34 chỉ cần sạc chưa đến 20 phút là đã đủ năng lượng để tiếp tục di chuyển quãng đường 180 km. Một vài trạm sạc nhanh trên thế giới của Electrify America hay Ionity thậm chí cho ra công suất lên đến 350 kW.
Theo kế hoạch của VinFast, hãng sẽ bố trí các trạm sạc nhanh ở các điểm dừng chân trên cao tốc, quốc lộ cũng như ở trạm xăng. Đây là những địa điểm người dùng chỉ dừng trong thời gian ngắn, vì thế thời gian sạc là điều được mong đợi nhiều nhất.
Có thể nói sạc nhanh là "vũ khí" chiến lược của ngành xe điện trước những chiếc xe dùng động cơ đốt trong vốn đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước. Với sự phát triển không ngừng của khoa học, thời gian sạc của những chiếc ôtô điện sẽ ngày càng rút ngắn, xóa bỏ được những bất tiện khi sử dụng.
Cân nhắc khi sạc nhanh thường xuyên
Hầu hết ôtô điện ngày nay đều dùng bộ pin lithium-ion, loại pin này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, một trong số đó là cường độ dòng sạc.
Công ty nghiên cứu GeoTab đã thí nghiệm và nhận thấy trên phương tiện sạc nhanh thường xuyên có chất lượng pin bị giảm so với phương tiện sử dụng trạm sạc tiêu chuẩn sau khoảng 12-24 tháng sử dụng, tuy nhiên mức chênh lệch không đáng kể.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho (Mỹ) cũng làm thí nghiệm tương tự trên những chiếc Nissan Leaf, các mẫu xe này được chia thành 2 nhóm là sạc Level 2 và Level 3. Sau một năm với quãng đường di chuyển hơn 80.000 km, Nissan Leaf dùng sạc Level 2 có dung lượng pin kém hơn ban đầu 23%, trong khi xe dùng sạc Level 3 giảm 27%.
Có thể thấy việc sử dụng sạc nhanh có tác động đến tuổi thọ bộ pin trên xe nhưng không quá nhiều. So với việc phải đợi vài giờ để sạc đầy pin, sử dụng sạc nhanh giúp cho chủ xe tiết kiệm được khá nhiều thời gian trong những trường hợp cấp bách.
Nếu có thể, chủ xe nên lựa chọn sạc Level 1 hoặc Level 2 để duy trì được khả năng dự trữ năng lượng tối ưu của bộ pin. Tương tự các sản phẩm điện tử khác dùng pin, ôtô điện nên được sạc trước khi cạn hết năng lượng cũng như hạn chế cắm sạc trong thời gian quá dài.